Hoạt động khoa học công nghệ (KH-CN) tại TPHCM ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và nhu cầu thị trường vẫn còn một số hạn chế… PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- PV: KH-CN tại TPHCM trong năm qua có những biến chuyển gì đáng chú ý, thưa ông?
- Ông PHAN MINH TÂN, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM: Trong giai đoạn 2007-2009, Sở KH-CN đã xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng trí thức KH-CN trong và ngoài nước” nhằm tham mưu cho Thành ủy, UBND TPHCM xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Song song đó, thành phố đã phối hợp đầu tư để tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất, kỹ thuật như xây dựng phòng thí nghiệm phân tích chất lượng cao; thiết bị phòng thí nghiệm an toàn các sản phẩm điện gia dụng và cơ khí; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS công trình ngầm trên địa bàn thành phố… Đây là những tiền đề tạo động lực để KH-CN TPHCM phát triển mạnh hơn trong năm qua. Giai đoạn này, sở đã thực hiện hơn 1.000 đề tài, công trình nghiên cứu, tỷ lệ ứng dụng thực tế thành công khoảng 80%.
- Những công trình đã được ứng dụng trong thực tiễn có thể kể tên...
- Sở KH-CN đã xây dựng và thực hiện Đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố”, chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới công nghệ theo hướng hợp lý hóa, tự động hóa sản xuất.
Ngoài ra, theo xu thế phát triển chung của KH-CN thế giới, sở đã xây dựng các vườn ươm công nghệ giúp các doanh nghiệp khởi sự trên ý tưởng; các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo, ươm trồng, được hỗ trợ về mặt bằng, vốn, kỹ thuật… tới khi đủ điều kiện tồn tại và phát triển một cách độc lập; hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học (ĐH) trên địa bàn TP. Hiện vườn ươm tại khu công nghệ cao, ĐH Bách khoa, ĐH Nông lâm đang hoạt động tốt, thực sự là “lồng ấp” tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ…
Song song đó, các hoạt động sự nghiệp đạt được những kết quả nhất định. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ Phân tích và Thí nghiệm đã đạt doanh thu 15,6 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2009) trong công tác nghiên cứu đánh giá, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, sản phẩm, và kỹ thuật; Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (Neptech) thực hiện nhiều đề tài chế tạo thiết bị, như máy gấp tôn CNC, thiết bị chế biến thực phẩm, hoàn thiện robot hàn trong công nghiệp đóng tàu, chuẩn bị thiết kế robot hàn ống…;
Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS đã triển khai chương trình Xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và số nhà trên địa bàn TPHCM, thực hiện thí điểm tại quận 11, cập nhật cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám với độ phân giải cao, hứa hẹn sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc quản lý xã hội…
- Nói như vậy nghĩa là không có khó khăn trong công tác triển khai ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học của TP?
- Hiện tại, khó khăn lớn nhất của công tác nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng KH-CN vào thực tế cuộc sống là hoàn thiện hệ thống quản lý trên toàn thành phố, giữa Sở KH-CN và địa phương. Do vậy, việc nắm bắt nhu cầu thực tế của các cơ quan, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó việc đặt hàng nghiên cứu từ cơ sở còn rất hạn chế.
Phải thẳng thắn nhận định rằng việc triển khai các ứng dụng các nghiên cứu trên diện rộng chưa nhiều, điều này do thiếu cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp. Hơn nữa, quá trình thực hiện các nghiên cứu thường kéo dài do kinh phí hỗ trợ để triển khai nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn đến nay chưa có những quy định cụ thể.
- Theo ông, cần phải có những điều kiện gì để KH-CN TPHCM đạt được những kết quả tốt hơn?
- Các ngành chức năng cần phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa, về hạ tầng, trang thiết bị, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển KH-CN. Ngoài ra, phải đưa ra được những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể công tác nghiên cứu, thực hiện đề tài đối với các nhà khoa học, chủ nhiệm các công trình, đặc biệt là cơ chế, quy định về kinh phí triển khai ứng dụng thực tế.
Để ứng dụng sâu, rộng vào thực tiễn, nhất là trong việc phát triển nông nghiệp, cải thiện và phát triển đời sống người nông dân, cần có sự đầu tư mạnh mẽ về vốn, thông tin… để quá trình chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tốt nhất. Như vậy, phải có được những quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý và các địa phương, từ đó hình thành tam giác: cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.
SGGP