Thứ Hai, 23/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 21/3/2012 12:43'(GMT+7)

Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sửa đổi 4 vấn đề lớn

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Luật TTNCN đi vào cuộc sống đã góp phần tích cực huy động thêm nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN). Số người nộp TTNCN đã tăng từ 747.000 cá nhân nộp thuế từ tiền lương, tiền công năm 2009 lên 1.300.000 người năm 2011; số người nộp TTNCN từ thu nhập kinh doanh năm 2009 là 149.700 hộ gia đình, cá nhân, đến năm 2011 tăng lên 194.000 hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo động viên hợp lý thu nhập của dân cư và công bằng xã hội, không phân biệt người nước ngoài với người Việt Nam.

Ngoài việc kế thừa có chọn lọc các chính sách điều tiết thu nhập trước đây (thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, thuế chuyển quyền sử dụng đất), Luật TTNCN đã điều tiết cả đối với các khoản thu nhập mới phát sinh như thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế, bất động sản và các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng...

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đã có những biến động nhanh, một số quy định trong Luật TTNCN đã bộc lộ bất cập. Trong đó, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp với thực tế do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống của người nộp thuế. Biểu thuế áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh... có mức thuế suất cao nhất hiện nay là 35% chưa đảm bảo tính cạnh tranh và chưa khuyến khích, thu hút được chuyên gia, lao động giỏi có thu nhập cao làm việc.

Một số quy định về phạm vi, đối tượng đánh thuế cũng chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính trong thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công chưa bao quát các trường hợp mới phát sinh theo quy định của pháp luật về lao động, về bảo hiểm xã hội... mới sửa đổi, bổ sung; quy định về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản chưa bao quát được các trường hợp uỷ quyền chuyển nhượng nhà, đất mà người uỷ quyền có đầy đủ các quyền về nhà, đất cũng như các trường hợp đổi nhà, đổi đất có phát sinh thu nhập nên thiếu cơ sở để thu thuế. Một số quy định về kê khai, quyết toán thuế chưa phù hợp với thực tế, nhất là đối với hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế khoán...

Những hạn chế, tồn tại nêu trên cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bộ Tài chính cho biết, 4 vấn đề lớn sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật TTNCN trong kỳ họp tới đây, bao gồm:

Thứ nhất, mức giảm trừ gia cảnh; biểu thuế lũy tiến từng phần; phạm vi, đối tượng chịu thuế; quyết toán thuế và các quy định về quản lý thuế. Trong đó, thứ nhất là điều chỉnh mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4.000.000 đồng/tháng lên 6.000.000 đồng/tháng; nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1.600.000 đồng/tháng lên 2.400.000 đồng/tháng. Theo phương án này, dự kiến sẽ có khoảng 70% số người đang nộp TTNCN ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, 70% số người đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ chuyển sang nộp thuế ở bậc 1, tương tự ở các bậc trên cũng sẽ có một bộ phận người nộp thuế được chuyển sang nộp thuế ở bậc thấp hơn.

Thứ hai, sửa đổi biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh quy định tại khoản 1, Điều 22 theo hướng bỏ bậc thuế suất cao nhất 35%, giữ nguyên các bậc thu nhập tính thuế và thuế suất như hiện hành (biểu thuế lũy tiến từng phần sẽ còn 6 bậc, thuế suất cao nhất là 30%). Theo phương án này, các cá nhân có thu nhập tính thuế ở bậc cao (trên 80 triệu đồng/tháng) sẽ được giảm mức điều tiết; kết hợp phương án này với điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh thì mức điều tiết thuế ở tất cả các bậc đều giảm, trong đó người nộp thuế ở bậc thu nhập cao được giảm nhiều hơn.

Thứ ba, sửa đổi quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công theo hướng “qui định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công khác” để Chính phủ có thể quy định kịp thời khi có các khoản phụ cấp, trợ cấp mới phát sinh theo qui định của pháp luật khác có liên quan; bổ sung quy định ‘thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm cả thu nhập từ đổi nhà, đổi đất (nếu có), thu nhập từ uỷ quyền chuyển nhượng nhà, đất mà người được uỷ quyền có đầy đủ các quyền về nhà đất theo quy định của pháp luật’.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 24 theo hướng ‘cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào NSNN và quyết toán thuế theo quy định của Chính phủ’. Các quy định về quyết toán thuế, thủ tục quyết toán thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sẽ được nghiên cứu sửa đổi tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TTNCN của Chính phủ./.

Ngọc Quỳnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất