Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 27/2/2012 13:35'(GMT+7)

Bảo hiểm tự nguyện, vì sao còn thiếu hấp dẫn?

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Chị Phan Thị Hòa (Giao Thủy, Nam Ðịnh) là lao động tự do, thu nhập bình quân mỗi tháng ba triệu đồng. Nếu lựa chọn mức thu nhập này để tham gia BHTN thì mỗi tháng chị sẽ phải đóng 600 nghìn đồng (tương đương 20% thu nhập). Suy đi tính lại chị quyết định không tham gia, vì theo chị "Sau mấy chục năm đóng bảo hiểm đến khi nhận chế độ bảo hiểm cũng không hơn gì là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào công việc khác".

Không riêng chị Hòa mà rất nhiều người băn khoăn trước việc quyết định có hay không tham gia BHTN vì nhiều lý do. Anh Cao Viết Ngọc (Ðình Bảng, Bắc Ninh) bộc bạch "Nghe phổ biến chính sách bảo hiểm tự nguyện cho người lao động cũng thấy hay vì sau này mình già không còn sức lao động vẫn có lương hưu không phải ăn bám con cháu. Nhưng đối với người lao động tự do như chúng tôi thu nhập không ổn định, trong khi đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khá cao, phần được thụ hưởng đang ở phía trước, còn chuyện cơm áo gạo tiền trước mắt đủ thứ phải lo toan, cứ để thế xem sao cái đã".  

Qua thu thập nhiều ý kiến khác nhau, có năm điểm khiến cho BHTN chưa thật sự hấp dẫn người lao động tự do:

Một là, mức lương hưu được thụ hưởng thấp. Mức đóng thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và được tính trên mức thu nhập do người tham gia BHXH lựa chọn, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Mức lương hưu sẽ được tính 45% chọn đóng bảo hiểm được cộng thêm tiền theo tỷ lệ trượt giá do Chính phủ quy định. Trong trường hợp người lao động đóng nhiều hơn 20 năm thì với mỗi năm đóng thêm, nữ được hưởng thêm 3%, và nam là 2%.

Hai là, thời gian đóng góp để được hưởng lương hưu quá dài. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Hoặc nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Ba là, chế độ được hưởng ít (chỉ có trợ cấp hưu trí và tử tuất) nếu so sánh với người tham gia BHXH bắt buộc (có năm chế độ được trợ cấp).

Bốn là, do nhận thức về BHXH hạn chế và quan niệm "đồng tiền liền khúc ruột", nhiều người chỉ lo tích cóp gắn với cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðối với người lao động tự do đây là một cản trở lớn về nhận thức cần tiếp tục phải khai thông để đến với bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Một nguyên nhân nữa khiến người dân không "mặn mà" với bảo hiểm xã hội tự nguyện là hiện nay mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa phủ rộng. Muốn đóng bảo hiểm, người dân  phải lên huyện, thành phố, mất thời gian và tạo tâm lý ngại ngần vì chưa thuận tiện.

Thiệt thòi của đối tượng lao động tự do là công việc và thu nhập thiếu ổn định, có lúc bấp bênh, cho nên, mong muốn có nguồn trợ cấp ổn định lúc tuổi già là hết sức chính đáng. Cần có thêm một số chính sách khuyến khích họ đến với BHXH đúng với ý nghĩa là tự nguyện./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất