PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ XUNG KÍCH CẤP XÃ, THÔN, BẢN
Sau những trận mưa lớn, phần đất sau ngôi nhà của anh Sùng A Giàng, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé bắt đầu sạt lở, khiến ngôi nhà đứng trước nguy cơ trượt sạt xuống suối rất cao. Trước tình hình đó, được sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành viên trong Tổ xung kích xã, anh Giàng đã sẵn sàng các phương án để nhanh chóng di chuyển tài sản và người thân đến nơi ở mới, bảo đảm an toàn hơn.
Không riêng gia đình anh Giàng, tại huyện Mường Nhé hiện còn nhiều hộ dân sống tập trung ở gần suối và sườn đồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, cơ quan chức năng, cơ quan liên quan của huyện đã tiến hành rà soát các điểm xung yếu, vận động bà con trong khu vực có nguy cơ chủ động di dời nhằm bảo đảm an toàn.
Theo đồng chí Vũ Hoài Năm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Với phương châm “chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã chỉ đạo 11/11 xã xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đặc biệt, huyện đã chủ động, tích cực phát huy vai trò của các tổ xung kích cấp xã, thôn, bản. Theo đó, các tổ xung kích này thường xuyên duy trì quân số, bảo đảm tham gia ứng trực theo quy định; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, ứng cứu tại chỗ) và “3 sẵn sàng” nhằm ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Không chỉ huyện Mường Nhé mà nhiều huyện của tỉnh Điên Biên đã chủ động, tích cực phát huy vai trò xung kích của Tổ xung kích cấp xã, thôn, bản. Theo đó, các Tổ xung kích xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng, chống lũ; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các đồ dùng cần thiết để sử dụng trong những ngày xảy ra mưa lũ, sạt lở đất; Tổ chức nhiều đợt rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả; kiên quyết di dời những hộ dân ở những vùng ven sông, suối, khu vực đồi cao sườn dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
LỰC LƯỢNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TẠI CƠ SỞ CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Lực lượng phòng, chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt... Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên, năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông đã xảy ra mưa đá, giông lốc, sét, lũ quét làm chết 9 người, bị thương 5 người; làm sập, tốc mái 3.112 ngôi nhà; thiệt hại 517,64ha hoa màu và 40,93ha nuôi thủy sản; gây sạt lở 29 điểm giao thông, đường liên xã; ước tính thiệt hại khoảng 29 tỷ 836,1 triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 70ha thảm thực vật và rừng phòng hộ; 27 vụ cháy nhà, 1 vụ cháy chợ làm chết 1 người và thiệt hại 12,195 tỷ đồng tài sản.
Trước thực tế đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về thiên tai, nâng cao năng lực lực lượng PCTT tại cơ sở, Trong đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, thị, xã phường và thành phố.Thông qua hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Phát huy vai trò là lực lượng chủ lực trong công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn. Các đơn vị duy trì nghiêm công tác ứng trực, nắm tình hình để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; Bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch, phương án bám sát tình hình; nâng cao chất lượng huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cho các đối tượng.
Trong năm qua, đã tổ chức diễn tập Ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Điện Biên với 425 lượt người tham gia, đạt kết quả giỏi; diễn tập Ứng phó cháy rừng và TKCN tại huyện Điện Biên Đông với 539 lượt tham gia, đạt kết quả giỏi; tổ chức diễn tập Ứng phó bão, lụt và TKCN cho 9 cơ sở cấp xã với 1.817 lượt tham gia; diễn tập Ứng phó cháy rừng và TKCN cho 11 cơ sở với 2.340 lượt tham gia.
|
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên Nguyễn Đức Đặng cho biết: Hiện nay, lực lượng xung kích tại 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn theo Hướng dẫn số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT. Nhờ đó, các địa phương đã chủ động trong công tác khắc phục hậu quả, vận động các lực lượng tại chỗ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đôn đốc các địa phương rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của cấp mình; phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên phụ trách đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa bàn, công trình trọng điểm. Tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng và bổ sung các phương án, kế hoạch, giải pháp để sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng địa phương.
Có thể thấy, lực lượng PCTT nhất là tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình, nắm bắt những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề cần được hỗ trợ, đến vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là khu vực dễ bị chia cắt. Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Đây là lực lượng chủ chốt tại chỗ, tham gia xử lý, phối hợp trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch PCTT, phương án ứng phó; tập huấn, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của nhân dân trong PCTT.
BỘ ĐỘI CHUNG TAY KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SAU MƯA LŨ TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Phát huy vai trò là lực lượng chủ lực trong công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn. Các đơn vị duy trì nghiêm công tác ứng trực, nắm tình hình để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; Bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch, phương án bám sát tình hình; nâng cao chất lượng huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cho các đối tượng.
Đại tá Lưu Văn Duân, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; Coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội”. Do vậy, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai, sự cố. Công tác ứng phó thiên tai luôn được cơ quan quân sự các cấp sẵn sàng, không để xảy ra bị động trong mọi tình huống.
Năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố đã huy động 111 lượt cán bộ thường trực, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 52 lượt cán bộ chiến sĩ Biên phòng, 668 lượt dân quân tự vệ; 490 lượt cán bộ các phòng, ban; 712 lượt cán bộ kiểm lâm, công an, 13 lượt phương tiện cùng Nhân dân tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy nhà.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tăng, các cấp, ngành địa phương của tỉnh Điện Biên đã chủ động các phương án trong PCTT&TKCN. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn./.
Trọng Đạt