Thứ Ba, 3/12/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Hai, 23/5/2022 16:49'(GMT+7)

Luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn liền với sản phẩm/dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và có giá trị lớn, đặc biệt là khi sản phẩm của doanh nghiệp đã vươn ra thị trường thế giới thì ý thức để xây dựng, phát triển thương hiệu, đặc biệt là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu thương mại lại càng cần được nâng cao.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và đầu mối về các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước một số nội dung như:

Thứ nhất, khuyến cáo các doanh nghiệp nên tiến hành luôn đăng ký nhãn hiệu sau khi thành lập doanh nghiệp cùng với đó là tiến hành các biện pháp ngăn chặn các hành vi làm giả, làm nhái, xâm phạm nhãn hiệu phương hại đến nhãn hiệu của mình, của các cá nhân, hoặc của doanh nghiệp khác.

Thứ hai, thông qua Chương trình THQG Việt Nam, chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế, Cục XTTM, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá; tư vấn về thông tin nghiên cứu thị trường và hoạt động xuất khẩu; tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Cục cũng đồng hành cùng doanh nghiệp trong nhiều sự kiện xúc tiến thương mại (như hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, đào tạo…) trong vai trò hỗ trợ, chứng thực cho uy tín về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối cho doanh nghiệp để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia mà doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu để tránh tình trạng bị hàng giả, hàng nhái cũng như bị đối thủ tại nước xuất khẩu “cướp” mất thương hiệu.

Thời gian qua, hình ảnh và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, vì vậy Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng ngày càng được khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới việc phát triển thương hiệu quốc gia không chỉ bao hàm trong đó đại diện là sản phẩm hay doanh nghiệp. Thương hiệu quốc gia bao trùm các nội hàm rộng hơn gắn với tất cả các liên tưởng về quốc gia đó bao gồm cả hình ảnh quốc gia, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng, các điểm đến, vị trí địa lý chiến lược, các quan niệm về tài sản, ổn định kinh tế, năng suất, chính sách thu hút, dịch vụ và mạng lưới hỗ trợ, chi phí hiệu quả)  và các yếu tố mềm (chất lượng cuộc sống, năng lực và chuyên môn của lực lượng lao động, văn hóa quốc gia, quan hệ giữa con người, phong cách quản lý, tinh thần kinh doanh, tính chuyên nghiệp khi giao tiếp thị trường và kinh doanh, tinh thần sáng tạo trong kinh doanh, phát triển kinh tế đặc thù…). Cùng với đó, các quốc gia đều cần xây dựng thương hiệu và định vị thương hiệu quốc gia khác biệt hóa so với quốc gia khác trong một không gian toàn cầu để sự khác biệt đủ hấp dẫn và thu hút. Hình ảnh quốc gia Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan, yêu chuộng hòa bình chính là yếu tố cốt lõi mang tính khác biệt của Việt Nam được phát huy hơn bao giờ hết. Không những vậy, do ngày nay nền sản xuất đang ngày càng tập trung trên nền tảng của khoa học công nghệ tiên tiến nên khai thác được nhiều giá trị gia tăng toàn cầu và dễ dàng để tiếp cận thị trường thế giới hơn thời kỳ trước rất nhiều. Điều này khiến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều cần phát triển thương hiệu quốc gia bằng cách thu hút nguồn lực con người có tri thức và tay nghề cao đến sống, lao động, làm việc và định cư tại quốc gia.

Chính vì vậy, để kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, trong những năm qua, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Minh Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất