Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 27/8/2019 8:47'(GMT+7)

Lưu giữ, quảng bá di sản văn học có giá trị

Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh một số đơn vị xuất bản đã quan tâm, có ý thức gìn giữ, phát huy nỗ lực tái bản các tác phẩm của quá khứ được đánh giá cao tới đông đảo công chúng đương đại, lại có không ít nhà xuất bản chỉ chú trọng tập trung xuất bản các tác phẩm đương đại được cho là “ăn khách”, mang đến lợi nhuận, trong khi lại xao nhãng, bỏ qua các tác phẩm vốn là niềm tự hào của văn hóa dân tộc, có nguy cơ bị lãng quên…

Vừa qua, nhân kỷ niệm 104 năm Ngày sinh của nhà văn, nhà báo Bà Tùng Long, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã cho xuất bản 10 tác phẩm chọn lọc, tiêu biểu góp phần làm nên tên tuổi của nữ văn sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam giữa thế kỷ 20. Trước đó, “Sống” - đơn vị chuyên làm sách tác giả Việt Nam đã cho ra mắt Tủ sách Khuê Văn với mong muốn góp phần lan tỏa tri thức, tâm hồn Việt, làm sống lại những danh tác văn học xưa trong hình hài, diện mạo mới ấn tượng và hấp dẫn hơn. Những tác phẩm được xuất bản lại trong Tủ sách Khuê Văn có thể kể đến như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh), tuyển tập của các nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Nam Cao... Đại diện của đơn vị làm sách “Sống” cho biết, sẽ tiếp tục xuất bản, giới thiệu với bạn đọc các tác phẩm văn học có giá trị của thời kỳ trước nhưng nay ít được biết đến, qua đó góp phần giữ gìn, lưu giữ các di sản văn học quý báu... Trên thực tế, từ cố gắng của một số NXB và người làm sách mà các năm qua những tác phẩm có giá trị như Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia văn phái), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... cùng nhiều tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... đã có mặt trên giá sách của nhiều cửa hàng.

Một đơn vị làm sách khác là Nhã Nam từ lâu cũng được xem như một địa chỉ quan tâm đến việc tái bản tác phẩm của nhiều tác giả lớp trước. Ngay khi bắt đầu giới thiệu tủ sách Việt Nam danh tác, Nhã Nam đã cho xuất bản các tác phẩm văn học vốn được coi là có giá trị của văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20, như Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Món ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Việc làng (Ngô Tất Tố), Gió lạnh đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam)... Đến nay, bộ sách Việt Nam danh tác đã có hơn 40 đầu sách được xuất bản, và Nhã Nam xác định vẫn tiếp tục công việc này, nhằm giới thiệu đến độc giả những tác phẩm văn học quan trọng, mang dấu ấn của văn học Việt Nam qua các thời kỳ. Hay sự vào cuộc của Saigon Books với việc tháng 7-2018 tái bản tập truyện ngắn nổi tiếng Ký thác của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Cũng năm 2018, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành tiểu thuyết Mây ngàn của Vita (tên thật là Lê Văn Vị) - một nhà giáo, nhà văn, xuất hiện nửa đầu thế kỷ 20, có nhiều cách tân độc đáo về phong cách viết, nhưng ông ít được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn học, và tác phẩm của Vita cũng ít được độc giả hôm nay biết tới. Tiểu thuyết Mây ngàn của ông xuất bản lần đầu năm 1936 ở Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh, và tuyệt bản đã lâu cho đến khi được tái bản. Một tác phẩm khác có tên gọi Nụ cười gừng của cố học giả Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường cũng được NXB thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền để giới thiệu với độc giả sau 20 năm di cảo nằm im trong thư viện của gia đình tác giả. Cùng mục tiêu làm sống lại di sản văn học của cha ông, mấy năm trước, Công ty cổ phần sách Tao Đàn cũng cho ra mắt tủ sách Văn học tiền chiến để giới thiệu một số tác phẩm văn học giá trị trong quá khứ. Đơn vị này đã gây bất ngờ cho công chúng khi in tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành của Nguyễn Bính và Thuốc mê của Thâm Tâm - hai tác giả vốn vẫn được nhiều người biết đến với tư cách là hai nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn nước nhà.

Như nhiều nền văn học trên thế giới, trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, vì những lý do khác nhau mà có tác giả và tác phẩm lúc sinh thời chưa (thậm chí không) được bạn đọc biết đến, nhưng khi có độ lùi cần thiết về thời gian, có nhận thức, đánh giá mới, tác phẩm của họ về sau lại tỏa sáng, khẳng định được giá trị nghệ thuật và tầm tư tưởng trong đời sống văn học. Cũng có trường hợp, một số nhà văn đã qua đời, để lại khối lượng lớn di cảo có giá trị nhưng bị bụi thời gian phủ lấp, và về sau mới được tiếp quản, khai thác. Đáng nói hơn là hàng nghìn tác phẩm làm nên tên tuổi các nhà văn tiêu biểu của Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần hình thành, phát triển một nền văn học Việt Nam phong phú, sinh động hoàn toàn có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ bị lãng quên nếu không nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu văn học, của những người làm công việc sưu tầm, khai thác và xuất bản.

Dù chưa nhiều, nhưng có thể nói thời gian qua việc một số đơn vị xuất bản quan tâm khai thác, đầu tư, phát hành và giới thiệu tác phẩm của những tác giả mà cuộc đời, sự nghiệp của họ cách xa thế hệ đương đại về thời gian, đã phần nào thể hiện thái độ trọng thị của cộng đồng dành cho các di sản văn học. Đây là việc làm cần biểu dương, nhất là trong bối cảnh không ít đơn vị làm sách vì mải mê với lợi nhuận, chiều theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận độc giả mà thường bỏ quên, xem nhẹ. Cần phải thấy rằng, việc giới thiệu với độc giả các tác phẩm văn học đã có tuổi lịch sử, không chỉ đơn giản là để tưởng nhớ tiền nhân, mà sâu xa hơn là bảo tồn, quảng bá di sản văn học nước nhà, nối dài sức sống của tác phẩm văn học có giá trị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Nhờ đó, hoạt động xuất bản sách văn học trở nên phong phú, sôi động hơn. Ngoài việc tiếp cận các tác phẩm văn học đương đại, độc giả hôm nay còn có thêm cơ hội đọc tác phẩm văn học trong quá khứ, để hiểu về cuộc sống, văn hóa, con người, bối cảnh xã hội đã cách xa 30 đến 50 năm, một thế kỷ, hoặc xa hơn nữa. Văn hóa nói chung, văn học nói riêng luôn cần tiếp nối như vậy để làm giàu tâm hồn, tri thức của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.

Một điều đáng mừng là các dự án xuất bản các tác phẩm văn học được quá khứ trao lại dù còn chưa nhiều song đang được thực hiện một cách tương đối bài bản, quy củ. Sách thường được chăm chút khá kỹ, nhất là về hình thức. Chẳng hạn các tác phẩm trong bộ sách Việt Nam danh tác của Nhã Nam, tính thẩm mỹ trong bìa sách, mầu sắc và chất lượng giấy in được chú trọng. Như chia sẻ của những người làm sách thì: Mỗi cuốn sách là một di sản văn hóa, cho nên cần được nâng niu xứng đáng, mang đến cảm xúc cho độc giả ngay từ cái nhìn đầu tiên, như một cách khích lệ, cổ vũ tình yêu của họ dành cho văn học, dành cho văn hóa đọc. Với bộ sách của tác giả Bà Tùng Long vừa xuất bản, NXB Trẻ cũng chú ý vấn đề hình thức. Giấy và mực in thân thiện môi trường, bìa thiết kế theo phong cách cổ xưa. Thậm chí NXB còn thiết kế chiếc túi in hình bìa tác phẩm làm quà tặng kèm theo cho độc giả mua sách. Tâm lý thường thấy của độc giả khi tiếp cận các cuốn sách văn học ăn khách đương thời, hay sách best seller (bán chạy nhất), là đọc xong có thể không lưu giữ, nhưng khi đã mua những cuốn sách văn học vào loại “danh tác”, họ có xu hướng giữ lại trong tủ sách gia đình để nhiều thế hệ có thể sử dụng.

Tuy nhiên, so với các loại sách khác, tác phẩm văn học của thời quá khứ thường không nằm trong dòng sách thu hút đông đảo độc giả. Chính xác hơn, dòng sách này chủ yếu phục vụ một số lượng độc giả hạn hẹp, những người thật sự yêu văn học, các nhà nghiên cứu. So với doanh thu từ sách kỹ năng, sách tham khảo, sách văn học về đề tài đương đại... thì doanh thu từ tác phẩm văn học quá khứ thường thấp hơn nhiều. Một số đơn vị xuất bản thừa nhận, bên cạnh một số tác phẩm có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, xã hội, nhiều tác phẩm thuộc loại sách này chủ yếu từ “cái Tâm”, họ làm vì muốn góp phần lưu giữ tác phẩm giá trị của thế hệ đi trước, không muốn bị đứt đoạn theo thời gian. Trên thực tế, họ phải lấy doanh thu của loại sách bán chạy bù vào, vì sau khi xuất bản, số tác phẩm văn học quá khứ bán ra không nhiều, không dễ hoàn vốn. Vì thế, với các đơn vị làm sách, nếu “đầu ra” không đủ bù lỗ thì cũng rất khó duy trì lâu dài. Trước tình hình đó, để ý tưởng tốt đẹp này được duy trì, phát triển bền vững không thể chỉ trông đợi vào sự cố gắng của các đơn vị làm sách, mà còn cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý xuất bản và xã hội. Theo đó, khi các cá nhân, đơn vị làm sách có dự án dài hơi, hữu ích cho việc tái bản, giới thiệu tác phẩm văn học có giá trị của quá khứ, Nhà nước và ngành xuất bản nên xem xét áp dụng một chính sách cụ thể, như trợ giá nhằm hạ giá bán sản phẩm, để sách có cơ hội đến tay bạn đọc rộng rãi.

Nhiều năm qua, việc giữ gìn, quảng bá, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc luôn được Nhà nước quan tâm, ưu tiên hàng đầu, và phải khẳng định rằng, di sản văn học nổi tiếng của quá khứ cũng là một phần của công việc đó. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào một thực tế là nếu kinh phí hằng năm cho bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa là rất lớn, thì kinh phí cho việc giữ gìn di sản văn học thường vẫn chỉ thực hiện một cách nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu nhờ vào sự gánh vác của một số đơn vị xuất bản. Cách làm như vậy vừa thiếu tính hệ thống, vừa khó có thể đi đường dài. Đã đến lúc việc bảo tồn các di sản văn học cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, của các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Xuất bản... Đặc biệt, cần sớm ban hành chính sách cụ thể trong công tác tổ chức, xét duyệt bản thảo, in ấn, phát hành, tạo điều kiện để các đơn vị xuất bản có cơ chế để yên tâm đầu tư vào mảng sách này. Chỉ như vậy, tác phẩm văn học quá khứ với tư cách tài sản văn hóa dân tộc mới có cơ hội tiếp tục khẳng định giá trị, sống mãi với thời gian, hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học, tương tác với độc giả đương thời, tiếp tục góp phần tham gia củng cố nền tảng vững bền cho văn học Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất