(TG)-Theo ông Vương Trí Dũng, qua kiểm tra 20 doanh nghiệp kinh doanh thực
phẩm chức năng trên địa bàn Hà Nội thì có 10 doanh nghiệp có dấu hiệu vi
phạm.
Không những thế, nhiều sản phẩm có chỉ tiêu hàm lượng các chất không
đạt như công bố, thậm chí không phát hiện hoạt chất chính được công bố
trong sản phẩm. Điều này cho thấy một thực trạng rất đáng lo ngại về
việc kinh doanh thực phẩm chức năng hiện nay.
Để làm rõ hơn về thị trường thực phẩm chức năng cũng như công tác kiểm
tra, kiểm soát đối với mặt hàng này, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi Cục
trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có cuộc trao đổi với
phóng viên.
- Mặt hàng thực phẩm chức năng đã khá quen thuộc với người tiêu
dùng, tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến
chất lượng, vậy ông có thể đánh giá như thế nào về việc kiểm soát hiện
nay?
Ông Vương Trí Dũng: Trong vòng 2 năm trở lại đây, hoạt
động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bùng nổ rất rõ nét, kể cả
về quy mô, số lượng đến chủng loại.
Trên địa bàn Hà Nội có trên 90% doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh thực
phẩm thì hầu hết cũng kinh doanh thêm thực phẩm chức năng, thậm chí
nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh thực phẩm nhưng sau một thời gian cũng
chuyển sang buôn bán thực phẩm chức năng từ nhiều nguồn.
Qua các cuộc kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn
thành phố Hà Nội, trong đó có lấy mẫu hơn 20 cơ sở. Kết quả lấy mẫu của
các đơn vị nhập khẩu từ Úc, Mỹ... thì bước đầu phát hiện nhiều sản phẩm
không có hoạt chất chính.
Còn đối với một số đơn vị sản xuất gia công trên địa bàn Hà Nội, đơn cử
như tại Công ty KingPhar, qua kiểm tra 5 mẫu sản phẩm thì có tới 3 mẫu
không đạt yêu cầu chất lượng. Đáng chú ý là có những loại sản phẩm còn
không có cả hoạt chất chính.
Như vậy, có thể nói vấn đề hậu kiểm, kiểm soát chất lượng trong khâu sản
xuất thực phẩm chức năng là vấn đề lớn cần đặt ra cho các đơn vị chức
năng để xử lý lĩnh vực này.
- Mức độ sai phạm hiện nay qua thực tế kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với địa bàn Hà Nội như thế nào?
Ông Vương Trí Dũng: Trong 20 đơn vị mà lực lượng Quản
lý thị trường kiểm tra, chúng tôi đánh giá có tới 10 đơn vị vi
phạm (chiếm tới 50%). Trong đó khâu vi phạm chủ yếu là việc ghi nhãn
hàng hóa không đúng so với công bố.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo nhiều sản phẩm cũng không đúng với
công bố, ngoài ra nhiều sản phẩm đi lấy mẫu có chất lượng không đạt so
với công bố mà họ đã đăng ký.
Đối với việc công bố chất lượng không đúng, thì phải làm rõ vấn đề này
nằm ở khâu nào. Cụ thể là làm rõ do khâu kinh doanh, bảo quản không đúng
hay do khâu sản xuất, hoặc do khâu cung ứng vật tư nguyên liệu không
bảo đảm.
- Ông có thể nói rõ hơn về việc hậu kiểm các đơn vị đã được cấp phép
để sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng được thực hiện như thế nào?
Ông Vương Trí Dũng: Về việc hậu kiểm đối với chất lượng
hàng hóa khi lưu thông liên quan đến nhiều cơ quan chức năng nhưng vai
trò chính là kiểm soát chất lượng chuyên ngành của lĩnh vực y tế. Lực
lượng quản lý thị trường cũng là một đơn vị có chức năng kiểm tra chất
lượng hàng hóa khi lưu thông.
Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường chỉ căn cứ vào các công bố chất
lượng, các tiêu chuẩn công khai minh bạch của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y
tế).
Thực tế, một số đơn vị công bố chất lượng khi đưa vào lưu thông thì
thiếu các thành phần cấu tạo hoặc không có hoạt chất chính như quảng cáo
hoặc công bố. Chúng tôi cho rằng, vấn đề này có liên quan đến công tác
kiểm soát chất lượng của chính doanh nghiệp, cũng như công tác hậu kiểm
của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc hậu kiểm còn phải nằm cả ở đơn vị sản xuất vì thế cần rất minh bạch, tiêu chuẩn đúng như đã đăng ký.
Theo quy định của Cục An toàn thực phẩm, các quy định về công bố chất
lượng sản phẩm thì khá thuận tiện, tuy nhiên hiện nay việc mới chỉ dừng
lại khi các đơn vị đủ các giấy tờ có liên quan đến việc cấp công bố thì
sẽ được công bố chất lượng.
Còn việc đánh giá thực sự các sản phẩm ấy cũng như kiểm tra lại chất lượng thì vẫn trông cậy vào công tác hậu kiểm.
Vì thế việc hậu kiểm sau cấp phép, hậu kiểm sau sản xuất hay ở khâu nhập
khẩu cần phải chủ động chứ không phải đợi đến khi có các vấn đề của
công luận hoặc có các hậu quả của pháp lý thì mới hậu kiểm.
Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trao đổi với phóng viên (Ảnh: Vietnam+)
- Đối với thực phẩm chức năng được nhập bằng hình thức xách tay sẽ được quản lý ra sao?
Ông Vương Trí Dũng: Trong các vấn đề kiểm soát hiện
nay, khó khăn là thực phẩm được nhập khẩu xách tay đặc biệt là từ Úc,
Mỹ, Nhật. Đây là vấn đề thực tiễn và khá nan giải trong công tác kiểm
soát nhất là khi họ bán trên mạng và bán truyền tay, vì thế với những
việc này có hai vấn đề, một là liên quan đến chất lượng, hai là liên
quan đến kiểm soát để bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ
với nhà nước.
Với trách nhiệm này có liên quan đến nhiều đơn vị nhưng trong đó có lực
lượng Quản lý thị trường, chúng tôi đã có các chương trình báo cáo Ban
389 để xây dựng các kế hoạch kiểm tra đồng bộ đối với các đơn vị có liên
quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên việc kiểm tra với các mặt hàng xách tay thì điều cần nhất là
có sự đồng tình ủng hộ của người tiêu dùng và không tiếp tay tiêu thụ
các sản phẩm không rõ nguồn gốc và mua bán không có hóa đơn chứng từ quy
định.
Như vậy khi có vấn đề xảy ra thì mới có cơ sở pháp lý để đấu tranh còn
trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra là thông tin công khai và xử lý với
các đối tượng này...
- Trước thực tế hiện nay, ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng khi lựa chọn mặt hàng thực phẩm chức năng?
Ông Vương Trí Dũng: Thực phẩm chức năng đã được Bộ Y tế quy
định và xếp vào nhóm là sản phẩm hỗ trợ, không thay thế thuốc, không có
nội dung giống như một số quảng cáo.
Thứ 2 là người kinh doanh rất lưu ý khi mua bán phải đọc kỹ trên nhãn
hàng hóa và nhất thiết lấy các chứng từ hóa đơn vì đây là khâu giúp cho
lực lượng chức năng cũng như các đơn vị, nhận diện các đối tượng vi
phạm.
Hiện nay Ban chỉ đạo 389 Trung ương đã có chỉ đạo về lập số máy nóng của
các Ban chỉ đạo 389 của các địa phương để tiếp nhận và xử lý các vấn đề
này, đây cũng là một kênh để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu
dùng.
- Xin cảm ơn ông./.
Đức Duy