Thứ Hai, 23/9/2024
Chuyện vui
Thứ Năm, 18/12/2008 15:4'(GMT+7)

Mạc Can: "Kép Tư Bền còn sướng hơn tôi!"

Nghệ sĩ ảo thuật Mạc Can (Ảnh: Nguyên Anh)

Nghệ sĩ ảo thuật Mạc Can (Ảnh: Nguyên Anh)

Mạc Can là con người đa nghệ dù rằng bố ông từng đặt tên cho gánh hát gia đình là Nghệ Tinh, với ý nghĩa “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Buổi sáng ông đi đóng phim cho người lớn, chiều diễn ảo thuật cho trẻ con, tối cọc cạch viết văn. Cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn gây tiếng vang nhất của ông, kể về những lưỡi dao của gánh xiếc, đã hằng đêm nay về phía đứa em gái nhỏ.   

 

Chỉ còn lại một cái đầu

 

Theo khai sinh thì Mạc Can sinh năm 1945. Cách đây vài ngày, ông và tôi gặp nhau ở một quán cóc văn nghệ trong sân cái biệt thự cũ kỹ chắp vá, là trụ sở của giới văn nghệ. Ông có dáng vóc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vẻ khá khiêm nhường và giản dị. Nom ông không giống những tay ảo thuật luôn thơm phức nước hoa và chải chuốt từng sợi râu.

 

Ông nói: “Vừa đi đóng phim về. Tiền tính theo cảnh quay. Chuyển cảnh nhiều thì nhiều tiền, quay mãi một cảnh suốt cả ngày thì vẫn chỉ được chừng đó tiền, không tăng!”. Ông nói vừa hài vừa thật. “Mỗi phim được chừng ba triệu bạc. Tối về thì lụi hụi viết văn”.

 

Mạc Can đem theo mấy trái bóng bàn làm trò bóng đẻ ra bóng, rồi chơi trò lục tử liên hoàn. Nom ông hồn nhiên như đứa trẻ nhỏ vậy.

 

Kỳ thực, ông thường ra vào những chỗ khét tiếng, hồi trước gọi là sòng bạc hộp đêm, bây giờ gọi là tụ điểm. Khi người ta nhảy mỏi chân, Mạc Can ra diễn ảo thuật gây cười.

 

“Một bàn tiệc của người ta, mình nghĩ người nông thôn có thể sống cả đời”. Mạc Can nói: “Gia sản của chúng tôi, bố tôi đã nướng hết vào sòng bài. Đến giờ tôi cũng vẫn không có nhà. Những lúc diễn cho người ta cười, tôi nghĩ Kép Tư Bền còn sướng hơn tôi”...

 

***

 

Bố của Mạc Can vốn là cậu bé rất hiếu động, đi theo một gánh Sơn Đông Mãi Võ trên đồng bằng sông Mê Kông. Người thầy của ông là một kẻ tứ chiếng giang hồ, đã đem nghề mãi võ từ Sơn Đông bên Trung Hoa sang nơi cuối đất Việt Nam làm kế sinh nhai. Ban đầu, người võ sư kiêm ảo thuật gia đường phố (theo cách gọi hiện đại của chúng ta ngày nay), rất sợ cậu bé người Việt lém lỉnh sẽ học lỏm và phá tiết mục của ông. 6 cái vòng trong trò Cái (còn gọi là trò lục tử liên hoàn), ông giao 5 vòng con cho cu cậu đánh bóng bằng đất và trấu, riêng vòng cái thì ông lận lưng.  

 

  Quảng cáo cảnh phóng dao: Đứng giữa là em gái, Mạc Can đứng bên phải, người anh lớn đứng bên trái. (Ảnh tư liệu của Mạc Can)

 

 

Sau 3 năm, khi thấy cu cậu đã trở thành một con người rất nhanh nhẹn, thân thiện với mọi người, có sức hút trước đám đông nhưng cũng điềm tĩnh và lầm lỳ nơi tính cách, ông bắt đầu đưa vòng cái cho cậu bé. Lục tử liên hoàn là trò ảo thuật đặc trưng của người phương Đông, cũng tựa như trò ảo thuật chim bồ câu của người phương Tây vậy. Từ trò đó, người ta phát triển lên các trò khác, nên gọi là trò cái. Với 6 vòng sắt, người làm ảo thuật xâu chuỗi với nhau, thành những hình thù lạ mắt, như hình đồng tiền xưa, hình người đi chợ, hình cái xe.

 

Hồi trước, có người học ảo thuật ở Pháp về Việt Nam, đã đem theo nhiều sách vở, bài bản, mở trường để truyền thụ môn ảo thuật. Nhưng với ông cụ Sơn Đông thì ông vẫn như các thế hệ trước, bắt môn đệ của mình tập võ để khỏe như con hổ dữ mà  phòng thân nơi hang cùng ngõ hẻm và học những ngón nghề ảo thuật rất đỗi tinh xảo, lẹ làng. Chẳng có sách vở gì cả, không một trường lớp.

 

Mạc Can là thế hệ đệ tử thứ hai. Bố của ông cũng đồng thời là sư huynh của ông. Mạc Can vô nghề bắt đầu từ việc giữ tấm ván, cho em gái đứng trong đó, người anh thì phóng những lưỡi dao. Công việc rất căng thẳng, cực nhọc.

 

Nghề ảo thuật hầu như không cho phép sai lầm và đó là một trong những công việc mang tính chuyên nghiệp cao nhất. Tính chuyên nghiệp, dĩ nhiên cũng là cách nói thời hiện đại. Còn với người diễn ảo thuật, người ta chỉ mong làm sao diễn đừng bị “để mánh”. Ví dụ làm trò vui mà không để những cái vòng sắt rơi xuống đất. Nếu không, anh sẽ bị trả giá đắt.

 

Mạc Can nói: “Khi tôi viết văn, được mời xuống trường sư phạm nói chuyện với sinh viên. Tôi bảo, Mạc Can chưa bao giờ được đến trường. Lúc nhỏ, khi gánh hát đến các làng, Mạc Can nghe tiếng trống trường thì chạy tới, đứng ngoài cửa sổ, nhìn các bạn cùng lứa học bài. Đó là cách học của Mạc Can”.

 

*** 

 

Truyện kể về Kép Tư Bền một tay hát bội giỏi bông lơn “ra hát ở Hà Nội”. Anh ta đang diễn trò hề thì được tin bố đang hấp hối, mà vai diễn lại không thể nào dừng được. Bỗng khi anh đương phệnh phạo trên sân khấu, khi người ta đương vỗ tay đôm đốp, thì anh nghe thấy có người ở trong phòng nói ra:

- Nguy hơn ban nãy. Đã cấm khẩu rồi!”.

 

Tôi hỏi: “Vì sao anh khổ hơn Kép Tư Bền chứ?”. Mạc Can nói: “Kép Tư Bền chỉ khổ trong một cái cảnh ngộ nhất định, một tình huống trớ trêu. Còn tôi, tính tình đã vốn không thích xuất hiện chỗ đông người, lại là kẻ đôi chút bi quan, mà lại đi kiếm sống bằng những vai gây cười suốt cuộc đời, cái số của tôi, cái kiếp của tôi nó vậy, đâu phải chỉ là một tình huống trớ trêu như Kép Tư Bền”.

 

Đôi khi người ta thấy Mạc Can ra sân khấu hài mà khuôn mặt thẫn thờ, bải hoải. Ai cũng tưởng ông đóng kịch, thế là tiếng vỗ tay vang rầm rầm.  

 

 Mạc Can và người em ngậm quả chuối để người anh lớn phi dao. (Ảnh tư liệu của Mạc Can)

 

 

Xong tiết mục, ông chủ rạp tưng bừng chạy đến chúc mừng, hỏi dò Mạc Can: “Sao hôm nay anh biểu diễn thế nào mà người ta cười vui quá vậy?”. Mạc Can lắc đầu: “Tui hông biết nữa, nhưng hôm nay đang có chuyện buồn vô cùng”.

 

Bí quyết của nghề ảo thuật là hướng sự tập trung của người khác vào cái chỗ không đáng tập trung, còn giấu đi cái mà người ta muốn biết nhất. Nghề ảo thuật là nghề che giấu sự thật, đưa ra một cái sự thật giả tạo. Nghề này có từ lâu đời, công phu ghê gớm.

 

Nhưng, cái bi hài ở chỗ, thiên hạ bị đánh lừa chứ người nghệ sĩ thì không. Anh ta tồn tại giữa hai thế giới, giữa cái thực và cái hư. Giữa tiếng cười và sự thật, những sự thật có thể chấp nhận được có thể không. Anh ta là một chứng nhân im lặng, hay là sự im lặng đã cho anh ta một cái nghề, một cái sự mưu sinh.

 

Tôi biết Mạc Can đầu tiên qua phim ảnh. Một trong những bộ phim tôi thích nhất và là một trong những cảnh ấn tượng nhất, chẳng khác gì nghệ thuật trình diễn bây giờ. Nhân vật chính trong phim Ván bài lật ngửa, điệp viên Nguyễn Thành Luân vào một sòng bạc, nơi đang diễn ra một trò ảo thuật. Trong cái trò này, diễn viên ảo thuật bị cắt cổ, đầu của anh ta đặt trên một chiếc đĩa ăn. Cái đầu đó, là của Mạc Can và nó vẫn… đang hát cải lương.

 

Trong câu cải lương phát ra từ cái đầu người, Nguyễn Thành Luân đã nhận được mật báo.

 

Mạc Can nói: “Họ thuê tôi đóng cái vai đó, đồng thời cũng thuê tôi làm đạo cụ. Nhà làm phim sao có thể dựng được cảnh đầu người như vậy!”.

 

"Lúc trước cả nhà chúng tôi sống bằng việc phóng dao vào em gái tôi!"

 

Khác với các ảo thuật gia khác, Mạc Can tham gia đóng phim từ sau 1975 và nhờ đó ông giao du với rất nhiều nhà văn, những người viết kịch bản tiếng tăm, bản lĩnh. Ông là chỗ quen biết với Sơn Nam một nhà nghiên cứu văn hóa uyên thâm. Nhà văn nước ngoài ông thích là Fanz Kafka.

 

Ông nói: “Tôi thích cuốn Lâu Đài”. Đó là một tiểu thuyết phi lý của Fanz Kafka. Cuốn sách mô tả một cuộc sống cá nhân hầu như tê liệt khi sự phi lý bao trùm xã hội.   

 

Mạc Can nói: “Lúc trước cả nhà chúng tôi sống bằng việc phóng dao vào em gái tôi”.

 

Ông cho tôi xem những tấm ảnh cũ chụp hình quảng cáo cho gánh hát, trong đó mục phóng dao là tiết mục câu khách chủ yếu.

 

Trong một tấm hình, người anh lớn cầm con dao to bản, người em gái nhỏ đứng trước tấm ván, những mũi dao cắm quanh đầu cô bé. Một bức ảnh khác, khá ngộ nghĩnh: Mạc Can và cô em gái cùng ngậm một quả chuối. “Anh tôi sẽ phi dao cắt đứt quả chuối  - Mạc Can giải thích – dĩ nhiên đó là trường hợp anh tôi phi trúng dao vào quả chuối”.

 

Với lưỡi dao to bản, lại biểu diễn trong những cái rạp hát chẳng khác gì những cái lều giữa đồng ruộng, gió mạnh thình lình có thể làm thay đổi hướng đi của con dao bất kể lúc nào. Mạc Can nói: “Đây chỉ là hình chụp quảng cáo, chứ trong khi diễn thì không nhà nhiếp ảnh nào còn bấm máy nổi!”.

 

Ông tặng tôi cuốn “Tấm ván phóng dao” và nói: “Em gái tôi hẵng còn sống, có lần đã bị dao cắt vào gáy, những nỗi ám ảnh từ các lưỡi dao phi vào nó có lẽ không bao giờ chấm dứt”. Nghe nói em gái của ông không lập gia đình và sống một cuộc đời vô cùng lặng lẽ sau khi gánh hát phá sản.

 

 Tôi đã đọc lướt qua truyện của ông trên các trang web. Nhưng khi đọc kỹ từng trang sách, tôi càng hiểu hơn nỗi ám ảnh của những người anh phi dao và của người em gái nhỏ được nuông chiều nên rất đỗi ngây thơ.

 

Ở tuổi nó, một đứa con gái nhỏ bé đáng lý chơi trò búp bê, cột võng đưa em, nấu ăn hay nói chuyện với những bông hoa thì em tôi cứ phải nhìn những lưỡi dao bay về phía nó. Có lẽ lúc đầu vì còn nhỏ quá nó không biết sợ, nhưng thời gian trôi qua nó bắt đầu hiểu ra những lưỡi dao bén thật. Tôi vẫn còn nhớ một chuyện, tuy nhỏ, một hôm em tôi ngồi nhìn mẹ tôi làm cá, nó cứ nhìn trân trối con dao, bà có một con dao bằng thép thật bén. Những ngày sau đó nó cứ ngồi một chỗ lấy tay che mắt, tối lại, diễn xong màn phóng dao tôi thấy em tôi khóc, nó đã biết sợ”.

 

Những trang viết trong cuốn sách không hẳn là tự truyện nhưng nó được viết ra bằng những tri thức trải nghiệm của chính tác giả, và có lẽ, còn là trải nghiệm của những người trong gia đình.

 

Tôi đã một lần xem diễn trò phóng dao. Có lẽ người ta thích để nhân vật nữ đứng trước tấm ván. Cảm giác nghẹt thở, hồi hộp.

 

Những mũi dao bay chậm chạp, xoay từng vòng, trước khi cắm sát đầu, hông, nách của cô gái. Cứ thế, từng mũi dao cắm càng sát vào cô gái thì người ta càng cảm thấy như cổ họng bị nghẹt chặt.

 

Nhưng khán giả chẳng ai bỏ về. Người ta không ai muốn thấy lưỡi dao xuyên qua cổ cô gái, nhưng cũng thích nhìn những lưỡi dao ngày càng tiến sát đến yết hầu. Người ta muốn xem cái tài phóng dao của gánh hát này.

 

Cái khác của trò ảo thuật với văn chương là ở chỗ, trên sân khấu, hai người anh tìm cách che giấu sự lo sợ, tình cảm huynh đệ, bằng nét mặt pha trò vui vẻ, thì trong văn chương, người ta phải nhìn vào chính bản thân mình, gỡ đi mặt hề sân khấu, nhìn thẳng vào những suy nghĩ của mình.

 

Trong những trang viết khá lộn xộn, bố cục lỏng lẻo với những câu văn đôi khi tối nghĩa, thỉnh thoảng người ta lại thấy những dòng chữ tự bạch đau xót của người anh giữ tấm ván phóng dao: “Giờ đây tôi biến tôi thành kẻ lưu đày u tối, trong tiềm thức, trong tâm linh tôi như sương khói, nó cho thấy tôi là kẻ tội đồ, một kẻ thủ ác”.

 

Mạc Can nói: “Tôi viết cuốn truyện trong 10 năm, lúc đầu không biết viết thế nào, thậm chí không biết nên xuống hàng ở đâu mà cứ viết một mạch. Bây giờ thì tôi đã biết viết hoa và xuống hàng!”.

 

Tôi chúc mừng ông về việc cuốn sách được tái bản. Văn chương, văn hóa không thuộc sở hữu riêng của ai, của giới nào, nghề nào. Nó chỉ thuộc về con người nói chung.

 

Văn chương là sự phản tỉnh, giúp con người thoát ra khỏi lầm lẫn và tội ác. Với Mạc Can, cuốn sách đơn giản chỉ như trút đi được một phần nào đó gánh nặng trong lương tâm của ông, trả một phần nào món nợ với người em gái bé nhỏ của mình.

 

Nó cũng như một nỗ lực để thoát ra khỏi một cuộc sống mòn sáo vốn áp đặt lên con người ngay khi người ta chưa thể nào biết được đâu là đúng sai, như cái mơ ước của những nhân vật trong màn phóng dao:

 

"Một giọt nước mắt long lanh trên má em tôi, đàng xa, lẫn trong lau sậy cỏ hoang có ánh đèn leo lét. Trên khuôn mặt còn dính đầy cát của tôi lại sáng lên câu nói thật thà: Dại gì phải chết và dại gì không tìm thấy cho mình một cuộc đời khác. Thả sức bay khắp bốn phương trời” 

 Nguyên Anh-VietNamNet 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất