Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/12/2010 10:20'(GMT+7)

Mạnh về biển, giàu lên với biển - Nhìn từ cửa ngõ Đông Bắc

"Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" xác định nước ta phải phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên với biển, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP của cả nước. Với ưu thế nằm trên “Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ”, vùng Đông Bắc Việt Nam, mà trọng tâm là Hải Phòng và Quảng Ninh đã khai thác triệt để lợi thế tiềm năng để phát triển kinh tế biển, trở thành vùng đất có vị trí quan trọng trong hoạt động giao thương nội địa và quốc tế, trở thành cửa ngõ ra biển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả miền Bắc.

Phát huy thế mạnh của biển

Hơn 100 năm phát triển, cảng Hải Phòng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh Bắc bộ, được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong số hơn 530 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Lượng hàng qua cảng từ 6 triệu tấn những năm 1996- 1997, tăng lên 38 triệu tấn trong năm nay.

Không nhiều lợi thế như Hải Phòng, nhưng hệ thống cảng biển Quảng Ninh như Cái Lân được xây dựng thành cảng tổng hợp, khả năng đón tàu 4 vạn tấn và tiếp nhận tàu chở hàng container; cảng chuyên dùng Cẩm Phả để bốc rót than lớn nhất, tàu 7 vạn tấn có thể cập cảng lấy hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngành than. Cảng Xăng dầu B12 xây dựng từ năm 2002 với các công trình xây lắp hiện đại có thể tiếp nhận tàu 5.000 tấn ra vào. Sản lượng tàu, hàng hoá thông qua khu vực cảng biển Quảng Ninh liên tục tăng, khối lượng hàng hoá qua cảng đã đạt trên 23 triệu tấn.

Cùng với cảng là sự phát triển nhanh dịch vụ kho bãi, vận chuyển đường bộ, đường biển, các nhà máy, xí nghiệp phân phối xăng dầu, gas, sản xuất và phân phối sắt thép, xi măng, đóng và sửa chữa tàu biển, dệt may… Ngành đóng và sửa chữa tàu biển của Hải Phòng và Quảng Ninh phát triển mạnh với các nhà máy đóng tàu Sông Cấm, Nam Triệu, Tam Bạc, Bạch Đằng, Phà Rừng, Hạ Long, chiếm trên 50% công suất toàn ngành đóng tàu ở Việt Nam.

Ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: “Cảng Hải Phòng có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hậu cần đầy đủ nên nó có thể thu hút hàng hóa của thế giới đưa đến các địa phương cả nước và các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng 70% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Cho nên chiến lược phát triển của Hải Phòng là tập trung phát triển cảng. Không chỉ cho Hải Phòng mà là cho cả miền Bắc và các tỉnh Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây…”.

Thế mạnh về kinh tế biển giúp Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, 5 năm qua bình quân hơn 11%/năm. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ chiếm 90% tổng sản phẩm quốc nội, trong đó dịch vụ chiếm trên 52%, trở thành một trong 4 địa phương đứng đầu cả nước về nộp ngân sách. Hải Phòng nhanh chóng vươn lên thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Vốn FDI vào Hải Phòng tăng nhanh trong nhiều năm qua. Đến nay, vốn FDI đạt trên 4,3 tỉ USD với 280 dự án từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

Cùng với phát triển công nghiệp, cảng biển, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, Quảng Ninh tập trung phát triển du lịch biển đảo. Năm nay, khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt trên 4 triệu lượt. Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với các tỉnh thành của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Kinh nghiệm làm du lịch biển của Quảng Ninh sẽ là cơ sở để 2 địa phương liên kết khai thác du lịch biển Hạ Long - Cát Bà và vùng Đông Bắc…

Ông Nguyễn Công Thái - Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho rằng: “Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có sức hấp dẫn rất lớn, là mảnh đất tốt để khai thác phục vụ phát triển du lịch biển. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác để phục vụ phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc chưa có điều kiện khai thác hết. Ngoài giá trị thắng cảnh, Di sản này còn chứa đựng bên trong những giá trị to lớn về văn hóa, nhân văn, lịch sử. Phải khai thác tốt hơn nữa những giá trị đặc trưng của di sản này”.  

Cần sự liên kết

Quy hoạch cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định Hải Phòng là cửa ngõ quốc tế loại 1A, cảng tổng hợp quốc gia lớn nhất, tiêu biểu nhất toàn miền Bắc gồm 4 bến chính là Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm, sông Chanh và một số bến chuyên dùng vệ tinh. Hải Phòng đang kỳ vọng vào Dự án Cảng quốc tế Lạch Huyện vốn đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng gồm 2 bến cảng, dự kiến đến năm 2014 - 2015 sẽ đưa vào khai thác, đủ sức đón tàu 100.000 tấn vào làm hàng, đón đầu sự tăng trưởng lượng hàng qua cảng dự kiến 60 triệu tấn vào năm 2015. Cảng container quốc tế Cái Lân đang được đầu tư khai thác với số vốn 179 triệu USD, tiếp nhận tàu container trọng tải đến 40.000 tấn; cung cấp dịch vụ cảng, thiết lập các phương tiện và hệ thống logistic để hỗ trợ vận hành cảng hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, cần phải đổi mới từ khâu qui hoạch sao cho sát với sự tăng trưởng nhanh chóng lượng hàng qua cảng Hải Phòng (dự kiến 60 triệu tấn vào năm 2015). “Phải có liên kết thành một chuỗi các cảng. Vì con đường thông thương từ Móng Cài xuống Hải Hà, rồi xuống đến Hải Phòng, Đình Vũ thành một chuỗi. Để làm được điều này, theo tôi, công tác qui hoạch phải có một tầm nhìn xa và phân bố trong qui hoạch phát triển của cả nước. Cần có qui hoạch cảng cho miền Bắc, có sự phân công hợp lý, làm thế nào phát huy hết lợi thế của các cảng chuyên dùng. Làm được như vậy sẽ có một hiệu quả cao hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam xác định mục tiêu phải mạnh lên từ biển, giàu từ biển. Việt Nam phải trở thành cường quốc biển. Muốn vậy, ngoài cảng nước sâu, còn phải có tàu lớn. Điều đó cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa địa phương với các doanh nghiệp. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đang tiếp nhận một số dự án từ Tập đoàn Vinashin và đang đẩy mạnh đầu tư, Vinalines đặt mục tiêu đến năm 2015, có đội tàu vận tải biển xếp nhất nhì Đông Nam Á, đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, đảm bảo thị phần vận tải biển trong nước và quốc tế. 

Những bất cập trong chính sách đầu tư, thủ tục hành chính, sự thiếu hụt nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng đường bộ, sân bay, dịch vụ kho bãi... đang được từng bước khắc phục; Vùng kinh tế động lực phía Bắc gồm 8 địa phương gắn với Hải Phòng như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… đang ngày càng phát triển. Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là điểm kết nối quan trọng giữa khu vực Đông Bắc bộ với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc trong Hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc thông qua các cửa ngõ Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái. Đất nước sẽ thênh thang hơn khi đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội, Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành. Một vùng kinh tế năng động nơi cửa ngõ Đông Bắc của Tổ quốc đang chuyển mình tiến ra biển lớn./.

(Theo VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất