Nông sản, thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đây là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay.
Thực tế ở nước ta, vấn đề mất an toàn thực phẩm đáng báo động ở mức quá cao, gần như sắp “tức nước vỡ bờ” rồi chứ không chỉ nói là cao nữa.
Đó là nhấn mạnh của ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội thảo nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp,” diễn ra sáng nay (15/7) tại Hà Nội.
Ông Hùng cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay là do trong thời gian dài sản xuất nông nghiệp tập trung nhiều vào mục tiêu về số lượng, năng suất, mà ít quan tâm chất lượng.
“Chúng ta đã đưa quá nhiều thành quả của khoa học vào sản xuất, nhưng lại không biết chọn lọc các thành quả đó. Các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật có thể coi là thành quả của khoa học, nhưng đã gây ra tình trạng mất an toàn thực phẩm vì nông dân không tuân thủ được đúng quy trình sử dụng trong canh tác,” ông Hùng nói.
Theo chuyên gia này, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, sử dụng chất cấm, hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản, chế biến diễn biến phức tạp, đang gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy có 4,2% mẫu rau, 10,93% mẫu thịt ; 1,61% mẫu thủy sản nuôi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng NAFIQAD cũng cho rằng, trên thực tế, công tác xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn ở nước ta hiện nay vẫn còn rất nhiều thách thức. Điều này có thể thấy ở một số quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được rà soát và ban hành kịp thời, đặc biệt lĩnh vực nông sản. Việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm ở các tuyến huyện, xã chưa rõ ràng, cụ thể và nguồn lực còn rất hạn chế.
Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội chỉ rõ, hiện nay thực phẩm được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ) và hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Mạng lưới chợ được phân bố tới cấp xã, phường.
"Do đó, muốn làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng phải cộng đồng trách nhiệm. Để đẩy lùi vấn nạn về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý phải xiết chặt các quy định và thanh, kiểm tra để giám sát và ngăn chặn tối đa thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; tiếp tục rà soát, đưa ra các văn bản, quy định phù hợp, để có thực phẩm ngày càng an toàn hơn," Phó Chủ tịch Quốc Anh đề xuất./.
Theo VietNam+