Thứ Bảy, 23/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 8/7/2016 11:9'(GMT+7)

Giải pháp nào để trẻ em không bị đuối nước?

Từ mùa hè năm 2015, Trường Mầm non- Tiểu học Đức Trí (Đà Nẵng) đã đưa hai bể bơi vào phục vụ hè cho các cháu. Ngay từ những ngày đầu hè, các bể bơi đều được đăng ký kín lịch. Ảnh Khánh Thy

Từ mùa hè năm 2015, Trường Mầm non- Tiểu học Đức Trí (Đà Nẵng) đã đưa hai bể bơi vào phục vụ hè cho các cháu. Ngay từ những ngày đầu hè, các bể bơi đều được đăng ký kín lịch. Ảnh Khánh Thy

Nguyên nhân chủ yếu, là do nhận thức về giáo dục thể chất của các đối tượng cũng như trong xã hội còn rất hạn chế. Những năm gần đây, nhất là các thành phố lớn thay vì cần trang bị kỹ năng vận động như: chạy, bơi và chơi các môn thể thao khác để rèn luyện sức khỏe, đồng thời giúp trẻ có kỹ năng giảm thiểu tai nạn, nhất là đuối nước thì các bậc làm cha mẹ, các thầy cô, nhà trường chỉ quan tâm đến học văn hóa như: toán, văn, ngoại ngữ…

Ở các nước tiên tiến, ngay như Singapore trẻ được học bơi từ rất sớm, ngay từ khi còn là mẫu giáo (3-5 tuổi). Sự vận động sớm giúp cho trẻ vừa linh hoạt, khỏe mạnh, vừa phát triển toàn diện về trí tuệ và thể lực, vừa làm tăng khả năng thích nghi với môi trường sống. Các nước tiên tiến như Đức, Anh, Mỹ, Nhật… đối với học sinh, sinh viên họ giành phần lớn thời gian ngoại khóa cho giáo dục thể chất, tập luyện hàng ngày và cả các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật chứ không chú trọng học thêm văn hóa như ở ta. Một thực trạng cho thấy tầm vóc, thể lực hay kỹ năng vận động của học sinh Việt Nam là rất thấp bé so với các nước khác nhất là các nước tiên tiến trên thế giới.

Tiếp theo, nguyên nhân khá rõ nữa là do thiếu cơ sở vật chất, thiếu nguồn lực và sai về cách làm. Hiện nay, ngành giáo dục chưa đưa các môn thể thao vào học bắt buộc, nhất là đối với môn bơi lội. Chính vì các trường học không có bể bơi, nhiều trường không có sân vận động, không có nhà tập thể chất; đội ngũ giáo viên thiếu hoặc không có, chính vì vậy học sinh, sinh viên nước ta vừa nhỏ bé, một số ít vận động có dinh dưỡng tốt thì bị mắc bệnh béo phì. Nhiều khảo sát cho thấy, trong các trường học của nước ta từ trung học cơ sở, phổ thông trung học đến đại học có đến 1/2 là không biết bơi. Thậm trí có những người làm trong lực lượng vũ trang hoặc học xong đại học của nhiều ngành trong đó có cả ngành yêu cầu rất giỏi về bơi lội nhưng do nhận thức và cách làm sai, cộng với thiếu cơ sở vật chất, thiếu con người huấn luyện nên việc bơi lội cũng rất hạn chế.

Tai nạn xảy ra thì thương tâm và rất đáng tiếc, tai nạn cũng có thể đến rất bất ngờ với bất cứ ai, song nếu tất cả mọi người đều được trang bị kiến thức tối thiểu như bơi lội giỏi, có thể lực tốt thì không những cứu được mình khi bị tai nạn mà còn có thể cứu giúp được người khác trong hoàn cảnh tương tự. Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương nhiệm từ những năm 2000 đã phải quán triệt: “Hàng năm, cả nước có khoảng 2000 trẻ em chết đuối rất thương tâm - ngành giáo dục và ngành thể thao phải làm sao để hạn chế tỷ lệ đuối nước cho học sinh”. Câu nói này luôn được suy nghĩ trong tâm trí của nhiều người, nhất là đối với những người làm công tác giáo dục thể thao.

Từ đó, cần thực hiện một số giải pháp để hạn chế tối đa tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em, học sinh, sinh viên:

Một là, cần thay đổi cách nghĩ của tất cả mọi người đối với giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng. Muốn mỗi học sinh phát triển tốt về mọi mặt thì phải kết hợp giáo dục đạo đức nhân cách song song với việc học văn hóa được huấn luyện, giáo dục kỹ năng sống và thể chất như bơi, chạy nhảy, leo núi… mà các nước tiên tiến đã bắt buộc đưa vào trường học.

 Hai là, trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, khó khăn về con người thì ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với các ngành khác như thể thao, UBND các cấp, các tổ chức xã hội…, phải đưa bơi lội và một số môn thể dục khác vào học bắt buộc ngay từ khi học từ trung học cơ sở.

Ba là, nhà nước cần quan tâm chỉ đạo về công tác giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng thay vì chỉ chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức văn hóa để đạt ước mơ sau này trở thành người bác sỹ hay phi công… thì đồng thời phải chú trọng trang bị các kiến thức về giáo dục thể chất để giúp cho trẻ có đủ sức khỏe, trí lực, đạo đức, nhất là các kỹ năng trong cuộc sống, trong đó có kỹ năng bơi lội. Ở những vùng nông thôn nhiều ao, hồ, sông, ngòi thì điều kiện cho các em học bơi dễ hơn, các gia đình thường luôn chủ động dạy cho các em bơi từ khi còn nhỏ; còn ở thành phố nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nơi khu dân cư có từ 5000-10000 người sinh sống mà không có nổi một bể bơi thì trẻ em học bơi là điều rất khó khăn. Điều đó càng cần sự qua tâm thiết thực hơn của Nhà nước ngay từ khi tính toán phê duyệt các quy hoạch.

Bài toán quy hoạch về nơi ở của khu dân cư, các học đường phải gắn liền với điều kiện sống, bảo đảm dân sinh - phải quy trách nhiệm từ chính quyền cơ sở đến các cấp. Trong đó, ngành giáo dục và ngành thể dục thể thao phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục thể chất, phải học thật, làm thật và cần sự ủng hộ của tất cả hệ thống chính trị, của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và từ mỗi gia đình. Ý thức đó phải được hằn sâu vào trong suy nghĩ và giáo dục thể chất như một ứng xử văn hóa là văn hóa mọi người phải rèn luyện hằng ngày thì sẽ giảm được tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông và các tai nạn khác. Hàng năm, đất nước mất đi hàng 3000 trẻ em vô tội, hàng chục nghìn người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông, hệ quả để lại cho đất nước và cho các gia đình là quá lớn, bởi vậy cần phải làm ngay./.

ThS tâm lý. Nguyễn Mạnh Hùng,
GĐ Trung tâm thể thao quốc gia Hà Nội


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất