Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 1/12/2014 20:54'(GMT+7)

Mặt trận đối không của Bộ đội Phòng không-Không quân - những bài học kinh nghiệm.

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/10/1963, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân.

Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các lực lượng Phòng không, Không quân nói riêng; từ chỗ chỉ có một trung đoàn pháo cao xạ (Trung đoàn 367) tham gia trợ chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), phát triển thành một quân chủng chiến đấu, với 3 binh chủng: Không quân, Radar và Pháo cao xạ, với hàng chục trung đoàn Phòng không, Không quân; được trang bị các loại vũ khí hiện đại, làm nhiệm vụ tác chiến trên mặt trận đối không bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Đây cũng là bước chuẩn bị trực tiếp cả về tinh thần, lực lượng để Bộ đội Phòng không-Không quân cùng với quân và dân miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân, Hải quân của đế quốc Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.

Gần một năm sau ngày thành lập, cùng với các lực lượng vũ trang, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bước vào chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Ngày 5/8/1964, Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, sử dụng lực lượng không quân của hải quân Mỹ bất ngờ mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” ồ ạt tập kích vào các khu vực ven biển của ta.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Trung đoàn Pháo cao xạ 367, các đơn vị pháo cao xạ đã cùng quân và dân ở các khu vực Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Hòn Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa) chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bắn rơi 8 máy bay địch; trong đó nổi bật là chiến công của khẩu đội súng máy Tiểu đoàn 217 ở Hòn Gai bắn rơi tại chỗ 1 máy bay A-4D và bắt tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc. Chiến thắng của quân, dân ta trong đó có bộ đội Phòng không - Không quân đã làm cho Nhà Trắng và Lầu Năm góc sửng sốt bàng hoàng.

Từ 7/2/1965, Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh quy mô lớn đánh phá ra miền Bắc; các lực lượng của Quân chủng đã lần lượt vào trận và nhanh chóng phát triển về mọi mặt. Sau hơn 7 tháng về nước, lực lượng không quân tiêm kích non trẻ Việt Nam đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mở mặt trận trên không thắng lợi,” ra quân đánh thắng trận đầu bắn rơi 4 máy bay Mỹ trong hai ngày 3 và 4/4/1965.

Sự xuất hiện của không quân tiêm kích đánh địch trên không đã làm thay đổi đột biến hệ thống phòng không đất nước, chúng ta không chỉ có phòng không mặt đất mà đã có lực lượng đánh địch trên không. Ngày 24/7/1965, Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa 236 đã ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4C của không quân Mỹ.

Phát huy chiến công của những trận đầu ra quân, Quân chủng Phòng không-Không quân cùng các lực lượng phòng không ba thứ quân càng đánh, càng mạnh và nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, liên tiếp hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nghệ thuật tác chiến của Quân chủng đã từng bước phát triển từ đánh độc lập, nhỏ lẻ, phát triển lên đánh hiệp đồng tập trung quy mô nhỏ bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1966; phát triển nhảy vọt lên đánh tập trung hiệp đồng quy mô chiến dịch trong các chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng năm 1967; bảo vệ giao thông vận chuyển trên chiến trường Quân khu 4, đặc biệt là chiến dịch phòng không năm 1972.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch phòng không năm 1972, các lực lượng của Quân chủng đã vận dụng linh hoạt những biện pháp tác chiến, kết hợp chặt chẽ đánh rộng khắp với đánh tập trung hiệp đồng binh chủng, tập trung lực lượng tên lửa đánh B-52; cùng các lực lượng vũ trang trên miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại của địch; trong đó, có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, góp phần quyết định làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam; thực hiện thắng lợi lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút,” tạo tiền đề tiến lên “Đánh cho ngụy nhào,” giành toàn thắng, thống nhất đất nước.

Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch phòng không, cuối năm 1972 ở miền Bắc các lực lượng thuộc Quân chủng cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch binh chủng hợp thành để bảo vệ những lực lượng tác chiến trên chiến trường miền Nam trong các chiến dịch Trị-Thiên (1972); chiến dịch Tây Nguyên, Trị-Thiên-Huế, Đà Nẵng và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ đội pháo cao xạ (Trung đoàn 367) đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn rơi 52 máy bay, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, qua 2 lần chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ra miền Bắc, các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức 49.924 trận chiến đấu, bắn rơi 2.635 máy bay gồm: 36 kiểu loại, có 1.002 chiếc rơi tại chỗ trong tổng số 4.181 máy bay các loại của Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi, trong đó có 64 máy bay B-52. Quân chủng Phòng không-Không quân đã thể hiện xuất sắc vai trò nòng cốt trên mặt trận “đối không” bảo vệ bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày miền Nam giải phóng, cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng lại bước vào mặt trận mới: làm tốt công tác tiếp thu, chuyển loại, trực tiếp chiến đấu, bảo vệ các lực lượng tham gia giải phóng các đảo và trên biên giới Tây Nam...; xây dựng và điều chỉnh thế bố trí lực lượng, triển khai thế trận tác chiến phòng không trên địa bàn cả nước; sẵn sàng chiến đấu cao, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

Qua hơn 50 năm (1963-2014) xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân chủng Phòng không - Không quân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Mặc dù có sự thay đổi về tổ chức biên chế: Quân chủng Phòng không-Không quân (1963-1977); tách ra thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân (1977-1999); được hợp nhất lại thành Quân chủng Phòng không-Không quân (từ năm 1999 đến nay), nhưng dù ở bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Phòng không-Không quân cũng luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ trên mặt trận đối không bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân chủng Phòng không-Không quân, đặc biệt là nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Một là, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối tư tưởng quân sự của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng ý chí quyết đánh và quyết thắng.

Quân chủng Phòng không - Không quân luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tế của Quân chủng trong quá trình xây dựng, chiến đấu, phát triển. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân trên các khu vực tác chiến; đánh địch bằng mưu, kế, thế, thời; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện phòng không, không quân; thường xuyên quán triệt tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công địch.

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, quân và dân ta nói chung, các lực lượng Phòng không - Không quân nói riêng phải đối phó với những cuộc tiến công đường không hiện đại của không quân Mỹ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã thường xuyên chăm lo, giáo dục bồi dưỡng, củng cố ý chí, quyết tâm và nhân lên thành sức mạnh để đánh thắng địch, nhất là trong những thời điểm gay go, quyết liệt, phức tạp của cuộc chiến tranh. Ý chí quyết đánh và quyết thắng của Bộ đội Phòng không - Không quân đã được hun đúc ngay từ khi thành lập và được tôi luyện trong quá trình chiến đấu.

Ngày 3/4/1965, Không quân Việt Nam đã "mở mặt trận trên không" thắng lợi với chiến công bắn rơi 2 máy bay F-8U của không quân Mỹ; ngày 4/4/1965, mặc dù địch đông hơn ta gấp nhiều lần, nhưng với ý chí quyết thắng và tinh thần dũng cảm, ngoan cường, 4 MiG-17 của không quân ta đã bắn rơi 2 chiếc F-105 của không quân địch.

Trong chiến dịch Phòng không năm 1968, mặc dù ta đã đưa vào tham gia chiến dịch 3 trung đoàn tên lửa, nhưng khi trực tiếp tham gia chiến đấu chỉ có 3 tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu, 2 MiG-17 được đưa vào sân bay Vinh cũng bị địch đánh hỏng. Trước tình tình khó khăn, ác liệt đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã kịp thời động viên các đơn vị xây dựng ý chí quyết đánh và quyết thắng, kiên quyết bám trụ ở chiến trường để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong chiến dịch Phòng không năm 1972, đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch là máy bay ném bom chiến lược B-52, nhưng trước đó tên lửa, không quân được đưa vào chiến trường nghiên cứu đánh B-52 vẫn chưa bắn rơi tại chỗ đối tượng này. Để thực hiện yêu cầu đặt ra là phải đánh và bắn rơi tại chỗ B-52, bắt sống giặc lái, Quân chủng Phòng không - Không quân tập trung xây dựng ý chí quyết đánh, quyết thắng B-52 và đã bắn rơi 34 máy bay B-52 của không quân Mỹ.

Hai là, thường xuyên tổ chức nghiên cứu nắm chắc địch về mọi mặt

Đánh giá đúng địch là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động tác chiến. Nắm chắc, đánh giá đầy đủ, chính xác lực lượng, phương tiện chiến đấu và âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, ta mới có cơ sở chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và triển khai hiệu quả các hành động tác chiến để giành thắng lợi. Tuy nhiên, đối tượng tác chiến chủ yếu của Quân chủng (lực lượng, phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch) có nhiều nét mang tính đặc thù: Triển khai, bố trí lực lượng trên các căn cứ ở nước ngoài, trên hạm tàu; chủ động trong việc lựa chọn mục tiêu đánh phá, hướng tiến công; thời gian tác chiến ngắn, không gian hoạt động rộng...

Chính vì vậy, Quân chủng đã kết hợp chặt chẽ nghiên cứu địch ở cả phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sử dụng kết hợp mọi lực lượng, phương tiện để xây dựng một hệ thống trinh sát rộng khắp, liên hoàn, nhằm bảo đảm thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện, mọi hoạt động trên không của địch từ xa đến gần trong từng trận đánh, đợt tác chiến và chiến dịch.

Quá trình nghiên cứu nắm địch, các lực lượng của Quân chủng luôn coi trọng yếu tố khách quan, khoa học và kế thừa những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu được tích lũy từ các trận đánh trước để nắm chắc, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn hoạt động, những điểm mạnh, hạn chế của địch.

Kết quả nghiên cứu nắm địch góp phần quyết định vào việc xây dựng các phương án đánh địch hiệu quả điển hình là trong chiến dịch Phòng không năm 1972; trên cơ sở nghiên cứu nắm được âm mưu, thủ đoạn đánh phá địch, ta đã xác định chính xác lực lượng tiến công chủ yếu của chúng là máy bay ném bom chiến lược B-52 và tập trung lực lượng tên lửa, không quân tiêm kích đánh máy bay B-52, góp phần quyết định đánh bại chiến dịch tiến công hỏa lực đường không của địch.

Ba là, thực hiện cách đánh linh hoạt và sáng tạo

Quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến là lập thế ta, phá thế địch, phát huy sức mạnh tổng hợp đánh địch. Để tạo yếu tố bí mật, bất ngờ đánh địch, Quân chủng đã nghiên cứu xây dựng được cách đánh sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ tác chiến được giao trong các trận đánh, các chiến dịch phòng không; trên cơ sở đó, tổ chức làm tốt các nội dung xây dựng và chuyển hóa thế trận, xác định đối tượng đánh chủ yếu, tổ chức sử dụng và bố trí lực lượng, đánh đúng thời cơ đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Trong chiến dịch Phòng không năm 1967, bộ đội Phòng không - Không quân có: 8 Trung đoàn Tên lửa Phòng không, 21 Trung đoàn Pháo cao xạ, 2 Trung đoàn Không quân tiêm kích...; ta đã bố trí lực lượng phù hợp trên nhiều tuyến, bảo đảm đánh địch liên tục từ biên giới vào đến Hà Nội; đồng thời, tổ chức 2 cụm phòng không lớn bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận; trong từng cụm lớn, tổ chức các cụm phòng không nhỏ trực tiếp bảo vệ những mục tiêu quan trọng.

Chiến dịch Phòng không năm 1968, thế trận chiến dịch được bố trí tập trung ở một số trọng điểm giao thông kết hợp với bố trí cơ động trên một địa bàn rộng thuộc 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đến chiến dịch Phòng không năm 1972, do lực lượng ít, ta bố trí tập trung thành 2 cụm bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng, tập trung tên lửa ở thủ đô Hà Nội là chủ yếu.

Quá trình tác chiến, các lực lượng Phòng không, Không quân đã tập trung hỏa lực đánh đúng đối tượng nguy hiểm nhất của địch trong mỗi trận đánh, từng chiến dịch: Trong trận đánh mở đầu, Bộ đội Không quân xác định mục tiêu đánh chủ yếu là các máy bay cường kích vào đánh phá cầu Hàm Rồng; trong chiến dịch Phòng không năm 1972, ta đã tập trung lực lượng tên lửa, không quân tiêm kích để tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược B-52 - lực lượng nòng cốt trong cuộc tiến công đường không chiến lược của Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu quan trọng trên miền Bắc.

Bên cạnh việc xác định đúng đối tượng đánh chủ yếu trong từng trận đánh, chiến dịch, Quân chủng xác định: Tiêu diệt máy bay địch tại chỗ để bắt sống giặc lái là rất quan trọng. Để thực hiện chủ trương đó, Quân chủng thường tổ chức đánh hiệp đồng tập trung, đánh liên tục từ xa đến gần và chọn thời điểm đánh hiệu quả nhất. Với cách đánh này, trong chiến dịch Phòng không năm 1972, Quân chủng đã tập trung lực lượng không quân tiêm kích đánh địch ở vòng ngoài để lực lượng tên lửa tập trung hỏa lực đánh tập trung tiêu diệt máy bay B-52; đồng thời hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tổ chức bắt sống giặc lái trong các trận đánh.

Trong quá trình tác chiến, các lực lượng Phòng không, Không quân luôn vận dụng có hiệu quả các hình thức tác chiến, hình thức chiến thuật, phương pháp hoạt động chiến đấu, sử dụng linh hoạt phương pháp đánh, phương pháp bắn... để tiêu diệt mục tiêu một cách hiệu quả.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân, lấy lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt.

Trong các cuộc tiến công hỏa lực đường không, địch có ưu thế hơn ta về nhiều mặt, nhất là về lực lượng và mức độ hiện đại của vũ khí trang bị; chủ động tiến công ta bằng nhiều lực lượng, phương tiện trên nhiều độ cao, sử dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật và thủ đoạn chiến thuật khác nhau. Các lực lượng Phòng không, Không quân của ta được trang bị các loại vũ khí khác nhau và tổ chức thành nhiều bộ phận để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; mỗi lực lượng, đơn vị lại có sở trường, khả năng chiến đấu nhất định; trong đó, các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân được trang bị các loại vũ khí của phòng không, không quân hiện đại nhất và có khả năng chiến đấu cao nhất.

Quy luật chung của chiến tranh là “mạnh được, yếu thua.” Vì vậy, để đối phó hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn trinh sát, đánh phá của địch, đánh thắng tiến công đường không của địch trong mọi tình huống tác chiến, đòi hỏi ta phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân, lấy lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, tạo ra sức mạnh ưu thế hơn địch trong những thời cơ có lợi, đặc biệt là các trận then chốt và then chốt quyết định chiến dịch.

Trong tác chiến, các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân được sử dụng tập trung đánh các đối tượng tác chiến chủ yếu để bảo vệ các trung tâm, mục tiêu trọng yếu ở khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng; các lực lượng phòng không khác được triển khai rộng khắp để bảo vệ các mục tiêu nhỏ, lẻ và đánh máy bay địch bay thấp, cực thấp.

Năm là, bảo đảm chu đáo, toàn diện về mọi mặt

Trong tác chiến phòng không, tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời về mọi mặt theo yêu cầu tác chiến là vấn đề hết sức phức tạp, song có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát huy và duy trì khả năng chiến đấu của Bộ đội Phòng không - Không quân trong các trận đánh, đợt tác chiến tập trung cũng như các chiến dịch phòng không. Vì vậy, trong quá trình tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân luôn tập trung làm tốt công tác bảo đảm, đặc biệt là bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm công trình chiến đấu cho các lực lượng, đơn vị Phòng không, Không quân.

Về bảo đảm kỹ thuật: Lực lượng Phòng không - Không quân được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại như máy bay, rađa, tên lửa, pháo cao xạ... do nước ngoài sản xuất (chủ yếu là Nga); mỗi loại vũ khí, khí tài lại có những tính năng và yêu cầu bảo đảm kỹ thuật riêng. Trên cơ sở nắm chắc những đặc điểm đó, Quân chủng đã tổ chức hệ thống kho, trạm sửa chữa phù hợp trên từng địa bàn để đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị; đồng thời, tổ chức nhiều tổ sửa chữa cơ động để giúp các đơn vị nhanh chóng khắc phục sự cố, hỏng hóc... Trong chiến dịch phòng không năm 1967, ta sử dụng 479 quả tên lửa, 915 tấn đạn pháo; chiến dịch phòng không năm 1972, chỉ trong 12 ngày đêm ta đã sử dụng 384 quả tên lửa... Nhờ làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, Quân chủng đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời đạn theo yêu cầu tác chiến.

Về bảo đảm công trình chiến đấu: Trong quá trình chiến tranh, Quân chủng thường xuyên chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống công trình bảo đảm tác chiến như: Sở chỉ huy, các sân bay, trận địa tên lửa, pháo phòng không, trạm rađa, các công trình phòng tránh, sơ tán bảo toàn lực lượng...; tổ chức làm tốt công các ngụy trang, nghi binh, làm trận địa giả; đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương khai thác nhân lực, vật lực tại chỗ để xây dựng các công trình chiến đấu và nhanh chóng sửa chữa, khắc phục hậu quả do địch đánh phá. Công tác bảo đảm công trình chiến đấu đã góp phần cho các lực lượng, đơn vị Phòng không, Không quân phát huy hiệu quả tính năng chiến thuật, kỹ thuật của vũ khí, khí tài Phòng không, Không quân để đánh địch, hoàn thành nhiệm vụ tác chiến được giao trong các tình huống tác chiến.

Sáu là, thường xuyên đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế

Tác chiến Phòng không - Không quân là tác chiến hiệp đồng, lập công tập thể trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Sự đoàn kết gắn bó trên tinh thần đồng chí, đồng đội giữa cán bộ và chiến sĩ; giữa cấp trên và cấp dưới trong từng đơn vị; lực lượng và toàn Quân chủng là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp để Quân chủng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong chiến đấu, tinh thần đoàn kết của Bộ đội Phòng không - Không quân được thể hiện ở sự thống nhất về ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao và hành động phối hợp, hiệp đồng tác chiến của các kíp chiến đấu từ sở chỉ huy Quân chủng cho đến các phân đội Phòng không, biên đội Không quân trong công tác chuẩn bị chiến đấu và thực hành đánh trả các hoạt động tiến công hỏa lực đường không của địch, kiên quyết tiêu diệt địch để bảo vệ an toàn mục tiêu được giao.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ đội Phòng không - Không quân luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các lực lượng, cơ quan và nhân dân các địa phương trong khu vực tác chiến. Trên từng mâm pháo, bệ phóng và bên những cánh bay, cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân luôn được nhân dân và các lực lượng của địa phương giúp đỡ, động viên, tiếp đạn, tải thương, ngụy trang trận địa, sửa chữa gấp sân bay, đường lăn.... Không những chỉ bỏ công sức mà trong nhiều trường hợp nhân dân còn hy sinh cả tính mạng, tài sản của mình để cùng Bộ đội Phòng không - Không quân chiến đấu.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ tác chiến, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Phòng không - Không quân phải đặc biệt coi trọng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân để phát huy được sức mạnh tập thể của từng đơn vị, lực lượng; đồng thời, tăng cường đoàn kết quân dân để khai thác, tận dụng được các tiềm năng tại chỗ về nhân lực, vật chất và chính trị tinh thần của các địa phương, phục vụ cho các hoạt động tác chiến của Quân chủng.

Bên cạnh việc làm tốt công tác đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, Quân chủng Phòng không - Không quân coi trọng sự giúp đỡ tận tình cả về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, luôn xây dựng và giữ gìn tốt mối quan hệ đoàn kết quốc tế, để tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù.

Hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng Phòng không - Không quân luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong chống chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng Không quân, Hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta và trong sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần làm nên những chiến công chói lọi trong lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp; phương thức tiến hành chiến tranh nói chung, tiến công hỏa lực đường không nói riêng của các nước trên thế giới và khu vực đã có nhiều phát triển cả về quy mô sử dụng lực lượng, vũ khí trang bị cũng như thủ đoạn tác chiến. Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới và rất cao cho nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã quan tâm, đầu tư xây dựng một số quân binh chủng, lực lượng; trong đó có Quân chủng Phòng không - Không quân tiến lên “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta trong tình hình hình mới.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tác chiến đối không bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ đội Phòng không - Không quân phải tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều công tác với nhiều nội dung, hình thức và biện pháp khác nhau; trong đó tập trung nghiên cứu vận dụng các bài học kinh nghiệm về tác chiến đối không trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và của nước ngoài trong các cuộc chiến tranh xảy ra gần đây vào điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay cũng như sau này./.

(Nguồn: TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất