Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 13/2/2013 10:42'(GMT+7)

Màu xanh Trường Sa

Trồng rau sạch ở Trường Sa. Ảnh internet

Trồng rau sạch ở Trường Sa. Ảnh internet

“Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Giai điệu của bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long dường như theo suốt hành trình hơn 20 ngày đêm trên con tàu Trường Sa HQ – 571 ra với Trường Sa trong những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013. Vượt qua đại dương mênh mông, lần đầu đến với Trường Sa – nơi tiền tiêu của Tổ quốc, thật nhiều kỷ niệm, nhưng ấn tượng khó phai, có lẽ là màu xanh mát mắt ở nơi khắc nghiệt đầu sóng, ngọn gió. 

Vững vàng như cây phong ba, bão táp 

Trên biển Đông mênh mông, màu xanh của cây lá bao trùm lên đảo Trường Sa lớn – “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa như một bức tranh tuyệt đẹp với đảo xanh màu lá giữa bốn bề nước biếc, trời trong xanh. “Thủ đô” Trường Sa đón chúng tôi bằng một màu xanh mát mắt của những hàng cây phong ba, bão táp tạo thành một vành đai chắn sóng bảo vệ đảo nằm giữa biển cả mênh mông. Phong ba, bão táp là hai loại cây kiên cường chịu sóng, chịu gió, phủ xanh những đảo san hô bỏng rát. 

Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa lớn cho biết: Những người đi biển quen gọi Trường Sa là quần đảo bão tố, vì nơi này hay sinh ra bão nhưng cây phong ba, bão táp lại là loại cây sống được, chống chọi được sự tàn phá của bão, gió. Ngoài ra, trên đảo còn có cây bàng quả vuông. Ðây là loại bàng quý với đặc điểm sinh trưởng giống như cây bàng thường ở đất liền nhưng có trái vuông 4 cạnh. 

Cũng theo thượng tá Trung, trái bàng vuông khi chín có màu tím. Hiện nay, cây bàng quả vuông có ở nhiều đảo nổi của quần đảo Trường Sa. Có một điều lý thú khác của những loại cây này là mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng chúng luôn trổ hoa và tỏa hương dịu nhẹ về đêm như một đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho vùng biển, đảo Trường Sa. Trước đây, trên đảo mới chỉ có vài cây bàng quả vuông. Sau đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chiết và nhân giống khắp đảo. Cây phong ba, bão táp chịu sóng gió rất tốt, mặc cho nước mặn, sóng gió, cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Còn cây tra trên đảo thì được mang từ đất liền ra, mới đầu chỉ có vài cây, nay cũng nhân rộng ra khắp đảo. Trồng cây cũng lắm công phu: đào hố, đổ đất, bón phân, che chắn, giữ gìn để cây “trưởng thành” như hôm nay là cả một thành công to lớn. 

Màu xanh quê hương 

Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, người lính Trường Sa còn tích cực tăng gia trồng rau xanh để cải thiện đời sống và cũng để thấy được màu xanh của quê hương, màu xanh đất liền dấu yêu. Để đỡ nhớ nhà, các chiến sĩ Trường Sa còn mang theo cả những giống cây quen thuộc của quê mình ra trồng. Mỗi mầm cây sống là một niềm vui lớn của lính đảo Trường Sa. 

Trong đất liền, trồng rau là chuyện bình thường. Còn trồng rau ở Trường Sa giữa biển cả mênh mông khi nước ngọt quý như máu, vậy mà vẫn có màu xanh của rau trên đảo, nhất là ở những đảo chìm, đúng là chuyện phi thường. Trong điều kiện xa đất liền, việc cải thiện đời sống gặp khó khăn, nhưng người lính Trường Sa không đầu hàng sự khắc nghiệt. Họ tận dụng từng khoảng trống, chắt chiu từng giọt nước ngọt, dành thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt cá tự túc một phần thực phẩm tươi sống để nâng cao đời sống. Hiện nay, các đảo ở Trường Sa đều trồng được nhiều loại rau quen thuộc như: rau muống, mồng tơi, bầu đất, cải,... Một số đảo còn nuôi được cả lợn, chó, vịt, gà, mèo. 

Cách trồng rau trên đảo đều mang đặc trưng riêng tùy theo yếu tố "chìm, nổi" của từng đảo. Tại các đảo chìm như Thuyền Chài, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông…, rau xanh được trồng trong khay và chậu; còn ở đảo nổi như Trường Sa lớn, Trường Sa Ðông, An Bang…ngoài việc trồng trong khay, chậu thì rau còn được trồng trong những khu vườn nhỏ, nhưng đều có đặc điểm chung là tất cả phải được chăm sóc tỉ mỉ, che chắn cẩn thật để tránh gió, bão, sóng biển cùng hơi nước mặn thổi vào làm hỏng rau. 

Theo các lính đảo Trường Sa, việc trồng rau phải được chăm sóc cực kỳ công phu, vì đất, phân vi sinh, giống cây, rau được chở ra từ đất liền ra và thiếu nguồn nước ngọt để tưới. Nước ngọt trên đảo cực kỳ hiếm. Nếu khoan được giếng thì mạch nước cũng lợ, chỉ phục vụ cho sinh hoạt chứ không tưới rau được. Còn nước mưa hứng được dự trữ trong các bể, thùng phi để dành cho ăn uống. Nhưng những người lính Trường Sa đã nghĩ cách tái sử dụng lại nước ngọt từ vo gạo, rửa rau, tắm rửa để tưới rau. Tại những hố nước sinh hoạt đều có hồ phụ chứa nước sau sinh hoạt để dành tưới rau. 

Thượng tá Dương Đức Hân, Phó Chỉ huy quân sự đảo Trường Sa lớn cho biết: Để rau luôn tươi xanh còn cần phải thường xuyên theo dõi khí hậu thời tiết trên biển, khi nào có gió mùa thì tổ chức che chắn, hết gió lại mang ra phơi nắng cho rau có đủ lượng ánh sáng mặt trời. Hiện nay, bộ đội trên đảo luôn được ăn rau xanh 3 bữa/ngày: sáng canh, trưa luộc, tối xào. 

Nói thêm về cách trồng rau xanh ở Trường Sa, trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho hay: Muốn rau xanh sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài việc chăm sóc tỉ mỉ, che chắn gió, bão cẩn thận thì các anh còn ủ những con cá nhỏ, đầu cá, đuôi cá biển vào thùng, rồi bón xuống đất để thêm chất dinh dưỡng nuôi rau. Anh Vinh cũng khoe: Ở Trường Sa quanh năm nắng chói chang, thế nhưng lại là nơi trồng rau xanh rất tốt. Những chiếc lá mồng tơi to bằng hai bàn tay vươn lên giữa gió biển. Chính nhờ những vườn rau này mà bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện rất nhiều… 

Trong bữa cơm trên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi đã được thưởng thức món canh rau mồng tơi và cảm nhận thấy vị ngọt của lòng hiếu khách mà trong đó có cả vị mặn những giọt mồ hôi của những người lính đảo…/. 

Nguyễn Cường
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất