(TG) - Sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền có nhiều mặt, nhưng theo tôi hiểu thì sự quan tâm sâu sắc nhất của nhân dân là mong muốn Đảng xác định đúng đường lối, chính sách và đánh giá, bổ nhiệm đúng người lãnh đạo, quản lý vì đất nước, vì nhân dân.
Trong “Di chúc” cũng như nhiều lần trước đó, Hồ Chí Minh đã nói “Đảng ta là Đảng cầm quyền” và đưa ra những yêu cầu đối với một Đảng cầm quyền.
Nói ngắn và dễ hiểu thì đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo chính quyền khi đã giành được chính quyền. Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền khác với khi chưa giành được chính quyền. Khi chưa có chính quyền thì tổ chức đảng và đảng viên phải trực tiếp vận động, tổ chức nhân dân đứng lên giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ. Khi đã có chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ, sắc bén nhất để thể chế hóa quan điểm của Đảng thành luật pháp nhà nước, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” của Đảng ta đã được xác lập từ rất sớm và ngày càng có nội dung cụ thể hóa hơn nữa.
Tổng kết kinh nghiệm của Đảng ta, Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) cũng như Cương lĩnh bổ sung, phát triển (Cương lĩnh năm 2011) đều khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của cách mạng”. Sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền có nhiều mặt, nhưng theo tôi hiểu thì sự quan tâm sâu sắc nhất của nhân dân là mong muốn Đảng xác định đúng đường lối, chính sách và đánh giá, bổ nhiệm đúng người lãnh đạo, quản lý vì đất nước, vì nhân dân.
1. Khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, trong một thế giới chao đảo thì tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta đã xây dựng Cương lĩnh năm 1991, trong đó đã xác định những đặc trưng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng để thấy cái đích đi tới. Việc làm quan trọng đó tỏ rõ bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ của Đảng ta để “đổi mới mà không đổi màu” như Đại hội lần thứ VI đã xác định. Sau tổng kết 25 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XI đã xác định xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng gồm 8 đặc trưng. Những đặc trưng đó có những thay đổi quan trọng so với Cương lĩnh năm 1991, mà có dịp chúng ta sẽ bàn kỹ hơn.
Tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới, Cương lĩnh bổ sung và phát triển (Cương lĩnh 2011) trong quá trình tiếp tục đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã nêu rõ nội dung lãnh đạo của Đảng phải giải quyết 8 mối quan hệ. Đó là: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.
Việc bổ sung các nội dung đó rất quan trọng, là tư duy mới về sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhưng thực hiện các mối quan hệ đó không dễ. Có thể đưa ra nhiều ví dụ:
Thực hiện kinh tế thị trường, con người, doanh nghiệp đều quan tâm tới lợi ích kinh tế để làm giàu và phát đạt. Làm giàu là động lực của phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo cách nhau bao nhiêu là vừa phải và với chính sách gì để vừa giữ được động lực tăng trưởng vừa giữ được ổn định xã hội?
Thực hiện kinh tế thị trường, con người hướng tới lợi nhuận ngày càng cao, chủ nghĩa thực dụng, cơ hội phát triển, làm sao giữ được đạo đức cán bộ, viên chức và đạo đức xã hội? v.v..
Do đó, sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới đòi hỏi Đảng cần có bản lĩnh, trí tuệ lại vừa phải có nghệ thuật lãnh đạo, xử lý đúng các tình huống phức tạp.
2. Sự cầm quyền của Đảng ta là duy nhất cầm quyền. Cầm quyền trong điều kiện đó có thuận lợi là không có đảng đối lập cạnh tranh, công khai, hợp pháp, được Hiến pháp khẳng định, có chính quyền (nếu chính quyền đó thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân) thì việc thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng hợp quy luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có nguy cơ lớn mà Cương lĩnh đã chỉ ra là: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu xa rời nhân dân và sự thoái hoá biến chất của cán bộ, đảng viên. Những nguy cơ đó đang xảy ra như Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã chỉ rõ, làm mất lòng tin của nhân dân - một tài sản quý giá làm nên sức mạnh của Đảng.
Thực ra, đảng cầm quyền ở chế độ đa đảng, đảng nào cũng đều lo mất quyền và họ đã tổng kết về những nguyên nhân có thể dẫn tới mất quyền. Đó là: để kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm; không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá con người và phân phối lợi ích; lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để sử dụng lãng phí công quỹ... Có khi chỉ một việc thuộc các nội dung nói trên cũng có thể gây nên bất ổn xã hội, mất vị trí cầm quyền.
Tất nhiên, với bản chất tư bản chủ nghĩa họ không thể điều chỉnh căn bản các mối quan hệ trên nhưng cố gắng điều chỉnh theo hướng giải quyết các mối quan hệ đó để giữ chế độ tư bản và vị trí cầm quyền của họ.
Mấy vấn đề nêu trên không sâu sắc và đầy đủ bằng 8 mối quan hệ mà Cương lĩnh năm 2011 đã nêu lên nhưng lại cụ thể, xin đưa ra để tham khảo.
3. Cùng với những nội dung lãnh đạo đã nêu lên là việc đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền.
Cương lĩnh năm 2011 đã tổng kết 25 năm đổi mới, nêu rõ phương thức lãnh đạo của Đảng là: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, định hướng về chủ trương, chính sách lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”. Đảng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tham gia “phản biện và giám sát xã hội”; báo chí cũng có chức năng phản biện. “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp”.
Kết luận trong Cương lĩnh nêu trên còn cần phải cụ thể hơn: như thế nào là chủ trương, chính sách lớn; phương thức Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý cán bộ như thế nào thực sự dân chủ, các cuộc bầu cử đều thực chất và không xâm phạm quyền của các cơ quan trong việc đánh giá và bổ nhiệm cán bộ; rồi nhân dân có trách nhiệm “giám sát đảng” thì giám sát theo cơ chế nào?... Tuy còn những vấn đề cần cụ thể hơn nhưng phương thức lãnh đạo như thế là thích hợp, hoàn toàn bác bỏ luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch, cho là Đảng ta thực hiện “đảng trị”, lập “xã hội toàn trị”.
Trên đây là một vài nội dung góp bàn về những đổi mới của Đảng ta về nội dung và phương thức lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới. Nhưng dù sao mới chỉ là phương hướng, điều quan trọng là trong hành động thực tế. Cũng cần nói thật, nói thẳng là còn không ít việc Đảng chưa làm được, có việc làm trái ngược, nên phần nào gây nên mất niềm tin trong nhân dân, vì niềm tin chỉ có khi thấy hành động chứ không phải từ lời hứa cho dù lời hứa tốt đẹp với thành tâm.
Ở trên, tôi đề cập nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền đã rút ra từ kinh nghiệm lãnh đạo trong gần 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, nếu đọc các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh trong bộ toàn tập 15 quyển (xuất bản lần thứ ba năm 2011) thì đều là những nội dung Người đã nhắc tới, nhưng vì sao trong “Di chúc” khi nói Đảng ta là đảng cầm quyền thì Người chỉ nhấn mạnh: cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là người lãnh đạo và đày tớ thật trung thành của nhân dân. Phải chăng chính có nội dung đó thì mới thực hiện đúng nội dung, phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền. Vì chính sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm đang là nguyên nhân chính dẫn tới niềm tin trong nhân dân bị suy giảm và một số nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng chưa được thực hiện tốt?./.
Hữu Thọ