Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Tư, 24/4/2019 16:29'(GMT+7)

“Mê trận" trừng phạt

Nhà máy lọc dầu của Iran.

Nhà máy lọc dầu của Iran.

Năm 2018, sau khi đơn phương rời bỏ Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt một loạt lệnh trừng phạt kinh tế, trong đó chủ yếu nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ trọng yếu của Iran. Mỹ đưa ra 12 điều kiện buộc Iran thực hiện để thoát khỏi “gọng kìm” cấm vận, bao gồm các điều kiện cốt lõi, như: Chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium, giảm hỗ trợ cho một số nhóm vũ trang tại Yemen và rút lực lượng khỏi Syria... 

Không loại trừ khả năng bằng những động thái gây sức ép mới với Iran, Mỹ muốn dồn ép Nhà nước Hồi giáo vi phạm những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, mà Tổng thống Donald Trump gọi là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử”, từ đó danh chính ngôn thuận xóa bỏ thỏa thuận này mà không vấp phải sự phản đối của các bên còn lại trong nhóm P5+1 đã tham gia ký thỏa thuận. Washington không giấu diếm mục tiêu "xóa bài làm lại" trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran, vì cho rằng không thể ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân mà chỉ giúp nước này “tạm cất” chương trình hạt nhân lại trong 10 năm thời hạn thực thi thỏa thuận mà thôi.

Nhưng dường như Iran không phải là đối thủ dễ chơi. Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran lâu nay chưa thể xoay chuyển được cục diện đối đầu hiện nay giữa hai bên. Iran vẫn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước châu Âu hay thiết lập các kênh thanh toán mới với đối tác mà không cần dùng đồng USD để né các lệnh trừng phạt… Thậm chí nước này còn “phản đòn” theo đúng cách Washington áp dụng với mình: Quốc hội Iran đã thông qua dự luật đưa Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM)-cơ quan giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, vào danh sách "tổ chức khủng bố". Thêm vào đó, Tehran một lần nữa đe dọa đóng cửa eo biển Hormut, tuyến hàng hải quốc tế chiến lược, điều nếu xảy ra chắc chắn sẽ dẫn tới những xung đột khó bề kiểm soát.

Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei còn bất ngờ bổ nhiệm Tướng Hossein Salami làm Tư lệnh mới của IRGC-động thái được cho là gửi tới Mỹ và đồng minh Israel bức thông điệp cứng rắn trong tình hình hiện nay bởi Tướng Salami thời gian gần đây thu hút sự chú ý của dư luận với những phát ngôn mạnh mẽ nhằm vào Mỹ và đồng minh Israel.

Còn quá sớm để đoán biết áp lực mới nhất của Mỹ lên Nhà nước Hồi giáo sẽ đưa lại kết quả ra sao bởi lần này, Washington không chỉ phải đối đầu với Iran mà còn phải thuyết phục được 8 nước và vùng lãnh thổ mà Mỹ vừa chấm dứt quy chế miễn trừng phạt, ngừng mua dầu của Tehran. Trong số đó có những nước, như: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ không dễ gì chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran. Họ càng không muốn bị một quốc gia bên ngoài áp đặt về quan hệ hợp tác với nước khác, như kiểu cấm mua dầu của Iran. Trung Quốc, một trong những quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đã lên tiếng tuyên bố hợp tác của nước này với các công ty Iran “cần được tôn trọng” và “sẵn sàng bảo vệ quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc”.

“Chĩa súng” vào IRGC, coi lực lượng này là "tổ chức khủng bố", Washington hy vọng sẽ gia tăng áp lực tài chính lên Iran, bởi IRGC được cho là có khả năng thao túng nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến tài chính” nhằm vào Iran hiện nay, việc coi IRGC là "tổ chức khủng bố" giống như một động thái gây áp lực về chính trị hơn là về kinh tế. Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phải thừa nhận rằng chính sách của Iran khó mà thay đổi bởi mọi quyết định cuối cùng đều do Đại giáo chủ Khamenei đưa ra. 

Hơn nữa, đưa lực lượng vũ trang thuộc một chính phủ nước ngoài vào danh sách FTO, Mỹ đã tạo ra tiền lệ chưa từng có khiến một số nước có thể lợi dụng để coi lực lượng quân đội của nước đối phương là "khủng bố", kéo theo những hệ lụy khó lường cho chính nước Mỹ cũng như thế giới. 

Khu vực Trung Đông vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ bùng phát xung đột và bất kỳ một động thái bất cẩn nào cũng có khả năng dẫn tới những hệ lụy dây chuyền khó kiểm soát. Chẳng hạn, nếu xảy ra kịch bản Iran phong tỏa đường biển qua eo Hormuz, tuyến vận chuyển huyết mạch đưa dầu mỏ từ vùng Vịnh ra thế giới, giá dầu chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao, gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy chưa lần nào lời đe dọa đóng cửa eo biển này của Iran thành hiện thực, nhưng không thể đoán biết điều gì sẽ xảy ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Iran. 

Vừa tìm cách chặn nguồn cung cấp về tài chính, vừa gây sức ép về chính trị, Mỹ đang tạo ra một “mê trận trừng phạt” đối với Iran trong bối cảnh các hoạt động triển khai quân sự không dễ gì thực hiện ở khu vực nhạy cảm này. “Mê trận” này của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đẩy hai bên vào một cuộc đối đầu mới không hồi kết./.

Mỹ Hạnh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất