Chủ Nhật, 10/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 20/4/2019 9:1'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi

1. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH 7 NƯỚC TRUNG ĐÔNG

Lần đầu tiên 7 nước gồm Iraq, Iran, Kuwait, Arab Saudi, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ nhóm họp vào ngày 20/4 tại Baghdad, Iraq để giải quyết hàng loạt mâu thuẫn và mở ra những cơ hội hợp tác mới.

Những người đứng đầu nghị viện của các quốc gia này sẽ là đại diện tham gia chính của Hội nghị. Theo thông tin mà Iraq đưa ra, đây là một hội nghị mang tính đột phá và rất khó để có thể mời các quốc gia này ngồi lại với nhau.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
                                                         Ảnh minh họa. (Nguồn: Mapsland).                                                            

Sự kiện này sẽ là bước đột phá trong vấn đề ngoại giao của khu vực trung tâm Trung Đông này. Và Baghdad kỳ vọng, với nỗ lực của mình, họ có thể duy trì Hội nghị theo hình thức thường niên hoặc có thời hạn để đảm bảo các quốc gia trong khu vực có một kênh đối thoại thường xuyên hơn.

Chưa có gì khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh 7 nước Trung Đông sẽ có một thỏa thuận chung, nhưng đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy các quốc gia Trung Đông đang cùng định hướng giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp đàm phán, hòa giải.

2. EU "BẬT ĐÈN XANH" CHO ĐÀM PHÁN THƯƠNG MẠI VỚI MỸ

Sau nhiều tháng trì hoãn do sự phản đối của Pháp, ngày 15/4, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Mỹ.

Theo đó, các nước EU thống nhất hai sứ mệnh trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ, đó là giảm thuế nhập khẩu hàng công nghiệp và nới lỏng những quy định cho phép các công ty tại hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
                                                       Ảnh minh họa. (Nguồn: European Union).                                                   

Quan hệ EU và Mỹ trở nên căng thẳng trong năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với các sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu từ EU và một số đối tác. EU đã đáp trả thông qua quyết định áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu có trị giá hơn 3 tỷ USD từ Mỹ, như rượu, quần bò và xe motor Harley Davidson. Đến tháng 7/2018, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng leo thang căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của EU.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Tổng thống Donald Trump ngày 9/4 tuyên bố Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phát hiện việc EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, gây bất lợi cho Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU có tổng trị giá 11 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian áp thuế chính thức không được công bố. 

3. LỰC LƯỢNG VỆ BINH CÁCH MẠNG HỒI GIÁO IRAN BỊ LIỆT VÀO DANH SÁCH TỔ CHỨC KHỦNG BỐ

Mỹ đã chính thức đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuyên bố này lập tức đã bị Iran lên án và làm dư luận dấy lên lo ngại về các vụ tấn công trả đũa nhằm vào các lực lượng Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Iran đang leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Trump ngày 8/4 thông báo sẽ liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, động thái bị cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
       Các binh sĩ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran diễu hành trong một lễ kỷ niệm. (Ảnh: Sputniknews).         

Bước đi chưa từng có tiền lệ này của Mỹ được dự báo sẽ khiến quan hệ giữa hai bên thêm căng thẳng và có thể làm phức tạp tình hình tại Trung Đông. Trong phản ứng ngay sau quyết định của Tổng thống Trump, Iran cũng tuyên bố coi các lực lượng Mỹ đóng tại khu vực Trung Đông là lực lượng khủng bố. 

Việc coi IRGC là một tổ chức khủng bố sẽ cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh, do sự tham gia của IRGC vào nền kinh tế Iran. Điều này cũng báo hiệu một cuộc leo thang mạnh mẽ về chính sách, gây áp lực lên chính quyền Tehran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5 năm ngoái và tiếp tục tái áp đặt các lệnh trừng phạt đã bị tạm đình lại sau thỏa thuận ký năm 2015. 

4. MỸ ÁP ĐẶT THÊM LỆNH CẤM VẬN MỚI VỚI CUBA, VENEZUELA

Ngày 18/4, chính quyền Mỹ đã áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mới lên Cuba và Venezuela, tìm cách gây sức ép buộc Cuba kết thúc hỗ trợ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Lệnh trừng phạt đang nhắm vào các cơ quan tình báo và quân đội của Cuba, trong đó có một hãng hàng không thuộc quân đội để tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, Washington cũng thắt chặt những hạn chế đầu tư và đi lại đối với Cuba.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
                                                         Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).                                                              

Việc Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Cuba được cho là để cảnh báo quốc đảo Caribe khi ủng hộ chính quyền ông Maduro. Như vậy, quan hệ Mỹ-Cuba lại chứng kiến thêm bước thụt lùi mới.

Đối với Venezuela, Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Venezuela để phong tỏa nguồn kinh phí giúp ông Maduro tiếp tục nắm quyền lãnh đạo. Nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới này của Mỹ.

5. XUNG ĐỘT Ở LIBYA CÓ THỂ GIA TĂNG

Các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn trong suốt hai tuần qua giữa lực lượng của chính phủ hòa giải Libya được quốc tế công nhận và lực lượng Quân đội quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar kiểm soát miền Đông chỉ huy. 

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp ngày 18/4 đã không thể đưa ra được một chiến lược rõ ràng nhằm yêu cầu các bên ở Libya ngừng bắn.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
                                    Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta tại Benghazi. (Ảnh: CBC).                                      

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.

Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

6. CHÁY NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Chiều 15/4 (giờ địa phương), một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris - địa danh nổi tiếng tại trung tâm thủ đô Paris của Pháp.

Sau 8 tiếng, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Hiện các chuyên gia đang đánh giá phần khung đã bị cháy đen của nhà thờ này để cân nhắc những bước đi tiếp theo nhằm cứu những phần còn sót lại sau thảm họa.

Thế giới tuần qua: Bước tiến, bước lùi
                                               Cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: Dailymail).                                               

Cấu trúc của nhà thờ có niên đại 850 năm được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá do đám cháy. Đỉnh mái của nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh đã đổ sập. 

Văn phòng công tố Paris cho biết đã mở ra cuộc điều tra về nguyên nhân vụ hỏa hoạn tồi tệ này. Dường như ngọn lửa đã bùng phát từ công trường cải tạo phần đỉnh mái của Nhà thờ. Dự án tôn tạo Nhà thờ Đức Bà Paris, bị xuống cấp nghiêm trọng và nằm trong danh sách 250 di sản của Pháp đang trong tình trạng nguy hiểm, đã bắt đầu từ tháng 8/2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm.

Cảnh sát và công tố viên Pháp đang nghiêng về khả năng “sơ ý gây hỏa hoạn”, đồng thời loại bỏ nguyên nhân phóng hỏa hoặc khủng bố.

Khánh Ngân/qdnd.vn (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất