Hôm nay, kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh
- Liệt sĩ, mỗi người dân Việt Nam lại tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt
sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, nhớ ơn công lao các mẹ Việt Nam anh hùng, các
thương, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử
vẻ vang của dân tộc.
Đây cũng là
dịp nhắc nhở mỗi chúng ta phải có trách nhiệm phát huy đạo lý truyền
thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của ông cha
ta, từ đó có hành động thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Ngay từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, TPHCM là
một địa phương đi đầu trong cả nước với nhiều phong trào thiết thực, cụ
thể trong công tác đền ơn đáp nghĩa mang tính nhân văn cao cả. Hiện
nay, TPHCM có khoảng 271.000 người có công, đứng thứ ba toàn quốc về số
lượng người có công. Trong số đó có gần 30.000 liệt sĩ, 27.000 thương
binh, 3.000 bệnh binh, 5.333 mẹ Việt Nam anh hùng (248 mẹ còn sống)…
Chăm lo, ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương lớn, nhất
quán, xuyên suốt, được TPHCM thực hiện trên tinh thần “đền ơn đáp
nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” thực sự. Việc này hết sức cụ thể chứ không
chung chung.
Ngoài đảm bảo chính sách của Trung
ương, TPHCM còn có sự hỗ trợ thêm cho nhiều diện chính sách. Những năm
gần đây, TPHCM phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, bệnh
binh nặng, thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên… mỗi tháng 2 triệu
đồng/người/tháng. Gần 700 trường hợp hàng tháng được TPHCM phụng dưỡng
như thế, chưa kể các quận, huyện, phường, xã vận động doanh nghiệp phụng
dưỡng, chăm lo thêm. Khoảng 2.000 thương binh có nhu cầu dùng dụng cụ
chỉnh hình (chân tay giả) cũng được đáp ứng. Ngoài chế độ của Trung
ương, TPHCM đã hỗ trợ thêm 36 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng cho mỗi
trường hợp để đảm bảo các thương binh có dụng cụ chỉnh hình với công
nghệ hiện đại, nhẹ, bền, đẹp, di chuyển dễ dàng.
Không những được các ngành các cấp quan tâm, việc chăm lo cho người có
công còn có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. TPHCM là nơi khai
sinh “nhà tình nghĩa” và đến nay đã xây dựng 17.000 căn nhà tình nghĩa
tặng các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở. Với số lượng nhà tình
nghĩa này, TPHCM đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở của các gia đình chính
sách có công. Nhiều căn nhà đã xây dựng từ lâu, nếu bị xuống cấp mà các
gia đình còn khó khăn, thì TPHCM tiếp tục hỗ trợ xây, sửa mới. Chỉ hơn 3
năm qua, TPHCM đã sửa chữa, xây mới 3.061 nhà tình nghĩa.
TPHCM đã nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người có công, đảm
bảo các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình
của người dân ở địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát, chăm lo, vẫn còn
72 hộ chính sách nằm trong diện cận nghèo và 108 hộ nghèo. Với phương
châm không để đối tượng chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo, ngoài
hoạt động chung về giảm nghèo đa chiều, TPHCM có ưu tiên hơn, vận động
các doanh nghiệp, mạnh thường quân chăm lo thêm giúp các hộ sớm vượt
nghèo.
Mặc dù hầu hết các đối tượng, các gia đình chính sách có công đã được
chăm sóc tốt, song cũng còn nhiều trăn trở, còn nhiều việc phải làm. Đã
có gần 30.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, an nghỉ ở 7 nghĩa trang
trên địa bàn TPHCM, song cũng còn đến 5.000 hài cốt chưa xác định được
danh tính. Hàng năm, TP quy tập khoảng 50 hài cốt liệt sĩ. Nhưng không
ít liệt sĩ vẫn còn đang nằm đâu đó ở đồng ruộng, nơi xa xôi hẻo lánh
chưa được quy tập để liệt sĩ và thân nhân an lòng. Đó là trách nhiệm của
cả hệ thống chính trị, của mỗi chúng ta và công tác này vẫn tiếp tục,
gấp rút.
Cùng với trả nghĩa cho người đã hy sinh là đảm bảo chính sách cho người
đang sống. Trăn trở lớn nhất là giải quyết tồn đọng hồ sơ. TPHCM hiện
còn hơn 300 người tham gia cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch
bắt tù đày không còn hồ sơ gốc, và cũng không có nhân chứng. Căn cứ theo
các nghị định và thông tư trong lĩnh vực, thì quả thật, chưa thể giải
quyết được với các trường hợp có tính chất hồ sơ như thế. Sở LĐTB-XH
TPHCM giao cho cán bộ ngành LĐTB-XH phải có trách nhiệm đi tìm kiếm giấy
tờ gốc, nhân chứng giúp các trường hợp này. Nếu vẫn không có giấy tờ
gốc, nhân chứng thì thu thập các căn cứ từ bia tưởng niệm hoặc sổ truyền
thống của phường, xã, thị trấn... Với chủ trương hướng về cơ sở, cán bộ
ngành LĐTB-XH của TPHCM đến tận nhà tiếp xúc, đối thoại với từng đối
tượng chính sách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng trường hợp. Hẳn
nhiên, quá trình làm cũng cần thận trọng, không để các trường hợp lạm
dụng, lợi dụng ngụy tạo hồ sơ để trục lợi. Nắm bắt đầy đủ thông tin,
những băn khoăn, trở ngại từ thực tế để cán bộ ngành LĐTB-XH giải thích
cặn kẽ, từ đó tìm ra hướng giải quyết nhanh nhất, thấu đáo nhất và thiết
thực về các chính sách có công, giảm nghèo, học hành, dạy nghề, giải
quyết việc làm…
Không để các gia đình có công phải khắc khoải chờ đợi chính sách - đó
là mệnh lệnh của trái tim, của lương tâm và là trách nhiệm cao cả trong
mỗi chúng ta.
LÊ MINH TẤN Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM
Nguồn: SGGP