Thứ Năm, 12/12/2024
Tư liệu
Chủ Nhật, 3/9/2017 14:51'(GMT+7)

Miền ký ức không thể nào quên về đất bạn Lào

(Ảnh nhân vật cung cấp)

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Là một người lính Cụ Hồ tham gia trong đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp nước bạn Lào giành độc lập (từ năm 1969-1974), Đại tá Trần Văn Dần luôn tự hào là người đã góp phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước triệu voi.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào” hay “Ta phải nhận thức rõ rằng, hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thực sự và hoàn toàn” và “giúp bạn là tự giúp mình”, ông Dần đã đến với chiến trường Lào, sống chiến đấu bên những đồng chí, đồng bào nước bạn bằng “Tinh thần quốc tế trong sáng”, và những tình cảm thắm thiết quân dân Việt-Lào đã nảy nở từ đó.


Chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và thiếu sinh quân Lào tại căn cứ Tây Nam Attapeu.(Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Một lần trộm rau

Đại tá Trần Văn Dần nhớ lại: “Đó là năm đầu tiên tôi sang Lào- sau khi mới được huấn luyện được 2 tháng - vì lúc đó còn trẻ nên rất nghịch mà tiếng Lào tôi chưa biết mấy.

Có một hôm, vào buổi chiều tối, nhìn thấy luống rau ngon của một nhà dân, thèm quá mà không thấy có người, tôi liều vào ngắt một ít. Đang lấy thì có người ra vườn, tôi xấu hổ bỏ chạy và để lại phần rau đã lấy.

Khi về đến đơn vị, tôi càng lo sợ hơn vì thấy bà mẹ Lào, chủ vườn rau mà tôi đã vào lấy, đang ngồi nói chuyện với chỉ huy của tôi. Tôi nghĩ thế nào sau vụ này mình cũng bị kỷ luật và vì chưa biết mấy tiếng Lào nên tôi cũng không biết họ đã nói chuyện gì.

Đến lúc bà mẹ Lào về, nhìn nét mặt Trung đội trưởng không lộ vẻ gì, tôi cũng mạnh dạn hỏi: “- Thế người ta đến cho rau hả anh?”Trung đội trưởng hỏi: “Mày nhổ rau của người ta hả?” Và lúc đó tôi thú thật: “Thấy rau của họ ngon quá và bọn em thèm nên đã nhổ trộm rau của dân. Thế làm sao không hả anh?”

Người Trung đội trưởng nhẹ nhàng kể với tôi, bà mẹ Lào nói: “Nếu các con bảo trước, bố mẹ sẽ mang rau đến chứ các con không phải bỏ chạy. Vì mẹ biết khi các con đi đánh giặc sẽ không trồng được rau nên dân bản và bố mẹ trồng rau rồi mang đến cho các con.”


Người dân Lào tặng quà và thăm hỏi bộ đội Việt Nam sau chiến dịch Thượng Lào. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Sau lần đó nhiều người dân trong bản đã trồng rau mang đến cho quân tình nguyện Việt Nam. Hành động này đã làm chúng tôi nhớ mãi về tình cảm thân thiết của người dân Lào với quân tình nguyện Việt Nam, còn bản thân tôi cũng học được một bài học về cách ứng xử cần có.

Những chiến công vang dội

Trong những trận đánh trên chiến trường Lào, ký ức về những chiến công không thể nào phai mờ trong tâm thức người cựu chiến binh Trần Văn Dần. Và chiến công làm ông nhớ mãi là trận đánh ông cùng đồng đội tham gia tiêu diệt cụm cứ điểm Phu Keng.

Những ký ức trên từng nẻo đường của mảnh đất Cánh đồng Chum-Xiêng khoảng đã ngấm vào máu thịt của mỗi người lính. Dường như không ngày nào Cánh đồng Chum ngớt tiếng bom đạn Mỹ, thậm chí có những thời gian dài, nơi đây còn không phân biệt được ngày và đêm - chiến tranh.

Lúc cao điểm quân số ở đây lên tới hơn 3 sư đoàn. Một điều thường xuyên diễn ra là mùa khô ta chủ động tiến công giành thắng lợi, đến mùa mưa khó khăn về tiếp vận hậu cần và cơ động, ta phải rút về hậu cứ (miền Bắc) củng cố, để rồi mùa khô tới lại sang giành lấy những địa bàn đã “nhường” cho địch.

“Đầu mùa mưa năm 1971, địch huy động 36 tiểu đoàn Lào và Thái Lan đánh chiếm lại khu vực Cánh đồng Chum. Tại đây, địch hình thành 2 cụm cứ điểm phòng ngự chiến dịch lớn: Cụm Phu Tôn, Phu Tâng ở phía Nam và cụm Phu Keng ở phía bắc. Nối liền hai cụm phòng ngự lớn là dãy đồi 5 mỏm ở trung tâm Cánh đồng Chum. Ngoài ra, địch còn bố trí một loạt các điểm tựa khác có thể kiểm soát được một vùng đông dân rộng lớn.


Bộ Chỉ huy Quân giải phóng Lào bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Đế quốc Mỹ đã đánh giá: “Cánh đồng Chum là chìa khóa của nước Lào, là mái nhà của Đông Dương.” Bởi vậy, Quân ủy Trung ương Lào và ta đã thống nhất tập trung lực lượng để bảo vệ và củng cố khu vực chiến lược trọng yếu này, đồng thời mở chiến dịch tấn công mùa khô 1971-1972”

Chiến dịch nhằm mục tiêu tiêu diệt lực lượng đặc biệt Lào-Thái Lan trên khu vực cánh đồng Chum, giải phóng Sảm Thông-Loong Chẹng, trên cơ sở đó, ta và bạn tổ chức phòng thủ vững chắc và lâu dài khu vực Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng-Mường Sủi.

Trong đợt 1 chiến dịch (từ ngày 18-22/12/1971), Trung đoàn chúng tôi (trung đoàn 335) cùng các trung đoàn 174, 178 được pháo binh sư đoàn chi viện, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Phu Keng, bao vây tiến công quân địch ỏ Phu Thoong và dãy đồi 5 mỏm, sau đó truy kích địch đến Bản Na-1900A.

Ngày 20/12/1971, Trung đoàn 335 tập trung đánh tan 2 BC (606 và 608) ở Phu Keng, địch rút chạy và ra hàng. Quân ta đã chiếm lại toàn bộ khu cứ điểm chiến dịch Phu Keng của địch, tiêu diệt và bắt hơn 400 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang.”

Căn cứ Phu Keng, một cứ điểm quan trọng thuộc khu vực trung tâm Cánh dồng Chum, đã trở thành nỗi khiếp đảm của lính Thái Lan và lính Vàng Pao trong chiến dịch mùa khô 71-72, bởi đòn tấn công hiệp đồng binh chủng bất ngờ của liên quân chúng tôi.


Bộ đội Việt-Lào trực sẵn sàng chiến đấu bằng súng phòng không trên xa thiết giáp. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Vẫn còn đó đồng đội tôi

Nhắc đến những kỷ niệm buồn, giọng Đại tá Trần Văn Dần như nghẹn lại. Ông bảo: “Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi nhiều đồng đội của tôi. Nhiều người đã nằm lại trên mảnh đất Lào và không bao giờ trở về nữa.”

Từng đau đớn chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt, ông kể: “Tôi cũng đã từng mai táng rất nhiều đồng đội, nhưng ngày đó trong chiến tranh ác liệt, có người được mai táng cẩn thận, có người tôi chỉ kịp lấy dao găm đục lên 1 viên đá, hoặc khắc lên viên đá tên đồng đội, quê quán của đồng đội, tên đơn vị đặt vào phần mộ với hy vọng sau này đồng đội tìm thấy các anh, đưa các anh trở về Đất Mẹ.

Có lần, khi chuẩn bị mai táng anh em, bom đánh liên hồi, chúng tôi những người còn sống phải nhảy xuống huyệt đào chôn người chết để tránh bom. Đau đớn lắm vì “người sống tranh mộ người chết” nhưng lúc đó trước hết mình phải sống thì mới mai táng anh em được, ông Dần chia sẻ.

Cũng theo Đại tá Trần Văn Dần, chính sự thiếu thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ khiến công tác quy tập liệt sỹ khó khăn hơn bao giờ hết.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tìm kiếm, quy tập được 939.462 hài cốt liệt sỹ, an táng tại 3.077 nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước. Hiện còn khoảng 200.000 liệt sỹ cần tìm kiếm, quy tập, trong đó, có hàng nghìn liệt sỹ đang còn nằm lại tại Lào, Campuchia.

Đại tá Trần Văn Dần, hiện là Chánh Văn phòng Ban Liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào toàn quốc. Ông cho biết trong những năm qua, Ban Liên lạc đã tham gia công tác tham mưu với Cục Người có công trong công tác quy tập mộ liệt sỹ ở Lào./.

Hồng Hạnh-Thúy Lan (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất