Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng cả về số ca mắc và số tử vong. Trao đổi về nguyên nhân khiến diễn biến bệnh dịch trở nên phức tạp có phải do phân nhóm mới (B2) của nhóm EV71 gây ra.
TS Trần Thanh Dương, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết:
- Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6.112 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 96,7% số ca bệnh) và đã có 17 trường hợp tử vong. Riêng TP.HCM, đến nay có 2.239 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chiếm hơn 1/3 số mắc của cả nước, trong đó 11 trường hợp tử vong (chiếm 64,7% số tử vong cả nước).
Đúng là năm nay dịch tay chân miệng gây tỉ lệ mắc và tử vong cao hơn hẳn mọi năm, nhưng nếu quy về nguyên nhân chính do phân nhóm B2 là chưa đúng. Các năm trước Việt Nam chưa có điều kiện gửi mẫu ra nước ngoài phân tích nên không cập nhật được các phân nhóm virut mới đã xuất hiện. Bộ Y tế tham khảo Tổ chức Y tế thế giới và nhận được câu trả lời nhóm B2 đã xuất hiện nhiều năm tại các quốc gia Đông Nam Á.
* Vậy tỉ lệ biến chứng và tử vong cao như vừa qua có được xem là bất thường?
- Bộ Y tế đang điều tra nguyên nhân của sự gia tăng này. Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các sở y tế, đơn vị điều trị theo dõi, giám sát chặt các ca bệnh để có báo cáo đầy đủ, sớm nhất về nguyên nhân khiến số ca bệnh nặng gây tử vong tăng cao. Nguyên nhân được xem xét là do bệnh nhi đến muộn, do thể trạng hay do các bội nhiễm phối hợp...
* Liệu phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng đang áp dụng tại các cơ sở điều trị có đáp ứng tốt với phân nhóm mới này?
- Phác đồ điều trị đang áp dụng cho kết quả điều trị bệnh tốt từ trước đến nay. Còn mức độ nhạy của nó đối với phân nhóm B2 ra sao thì cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia lâm sàng.
* Cục Y tế dự phòng có khuyến cáo gì đối với người dân?
- Tại nước ta bệnh có quanh năm, nhưng tăng mạnh theo hai đợt: từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Do đó, thời điểm hiện nay đang là đỉnh dịch. Bệnh không có văcxin dự phòng, không có thuốc đặc hiệu điều trị, miễn dịch trong quần thể ở mức thấp nên khả năng lây lan rất lớn. Bệnh gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là nhóm dưới 5 tuổi, nhất là trẻ 1-2 tuổi. Bệnh dễ lây theo đường tiếp xúc với đồ chơi bị nhiễm bệnh, ăn uống không bảo đảm vệ sinh, tiếp xúc với môi trường lớp học không sạch sẽ...
Cục đã có công văn gửi Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục - đào tạo) yêu cầu phối hợp, khi có từ hai trẻ trở lên trong lớp bị mắc bệnh trong vòng bảy ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Với phụ huynh, cần cho trẻ mắc bệnh ở nhà, không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Các gia đình có trẻ nhỏ nên thường xuyên mở cửa sổ vì virut có thể bị tiêu diệt dưới ánh sáng mặt trời.
TS Trần Thanh Dương lưu ý thời điểm vào mùa hè, ngoài bệnh tay chân miệng, trẻ còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh lây truyền khác có triệu chứng tương tự, phụ huynh cần phân biệt rõ để phát hiện bệnh sớm, cách ly hiệu quả:
|
Theo Tuổi trẻ