Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 15/10/2008 17:43'(GMT+7)

Mở cửa thị trường bán lẻ: Chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước


  Ngày 1-1-2009 là thời điểm mở cửa cho doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tại hội thảo về mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ phân phối và bán lẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 13-10, những khiếm khuyết về cơ chế chính sách phát triển hệ thống phân phối trong nước tiếp tục được mổ xẻ và chưa có hồi kết.

Chuộng nhà đầu tư ngoại

Tuy thời điểm cam kết mở cửa chưa đến nhưng trên thực tế đã có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang bắt đầu “làm mưa, làm gió” trên thị trường tiêu dùng trong nước (ước chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ Việt Nam). Điển hình như hệ thống 8 đại siêu thị của tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức) cùng với các đại gia khác như Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Hàn Quốc)... đã “hốt” từ tay các DN kinh doanh hệ thống siêu thị gần 60% lượng khách hàng. Sắp tới sẽ có nhiều tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài vào Việt Nam, như Dairy Farm (Singapore), Lotte (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Mỹ đang làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam. Nhưng điều đáng nói là trong khi các “đại gia” phân phối của nước ngoài đang âm thầm “đổ bộ” vào Việt Nam thì các DN bán lẻ Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO vẫn còn những tồn tại cố hữu: chưa có chiến lược, định hướng kinh doanh rõ ràng, năng lực tài chính hạn chế và hầu hết còn thiếu tính chuyên nghiệp – bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận xét.

Thừa nhận ngành thương mại đã không thành công phát triển hệ thống bán lẻ trong nước, nhưng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên nhân là Nhà nước không có cơ chế khuyến khích, các nhà DN trong nước muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại không được vay ưu đãi như sản xuất. Thậm chí hiện còn có tình trạng, nhiều DN trong nước xin đất để làm thì một số địa phương ưu ái cho DN nước ngoài. Ví dụ như Saigon Co-op muốn lên Bình Dương xây dựng hệ thống phân phối thì Bình Dương lại muốn DN nước ngoài vào.

Chia sẻ thực tế này, bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho biết: Hiện nay, mặt bằng bán lẻ cho DN trong nước là vấn đề hết sức khó khăn, trong khi đó, địa điểm đẹp có ý nghĩa quyết định đối với DN kinh doanh bán lẻ. Tôi chia sẻ mong muốn của các địa phương muốn DN bán lẻ nước ngoài đầu tư vào địa phương mình. Tuy nhiên, sẽ là không hợp lý nếu chỉ ưu tiên cho DN nước ngoài.

“Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần công khai các nhà bán lẻ có nhu cầu đầu tư vào địa phương để các cơ quan chức năng cũng như các nhà chuyên môn có ý kiến tham vấn. Bên cạnh đó, cần có khuyến khích nhất định với các nhà bán lẻ trong nước vì các DN trong nước phần lớn đều là DN nhỏ và vừa, vốn ít. Nếu ai trả giá cao thì được có mặt bằng đẹp, thực sự DN trong nước không thể có được mặt bằng đó. Và như vậy, cuộc chiến là không cân sức” – bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét.

Nước đến chân mới nhảy

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, trong nhóm các nước đang phát triển, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành địa điểm hấp dẫn nhất trong lĩnh vực đầu tư vào ngành bán lẻ. Công bố mới nhất của AT Kearney’s về tăng trưởng bán lẻ toàn cầu thì Việt Nam đã cải thiện được vị trí của mình lên hàng thứ nhất (năm trước ở vị trí thứ 4) do tăng trưởng GDP cao, chính sách hợp lý hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhu cầu nội địa lớn. Dự kiến, doanh số bán lẻ năm 2008 sẽ đạt khoảng 54,3 tỷ USD, tăng khoảng 20,5% so với năm 2007.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, sự hiện diện của nhiều DN phân phối và bán lẻ nước ngoài đang đặt ra nhiều thách thức như sức cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn còn yếu kém; sự thu hẹp thị phần của nhiều DN vừa và nhỏ có thể ảnh hưởng đến công việc làm ăn của hàng vạn người buôn bán nhỏ, xu hướng tiêu dùng hàng ngoại và sức ép nhập siêu gia tăng...

Thậm chí, một DN phân phối trong nước đã từng than thở, nếu Tập đoàn Wal Mart (Mỹ) vào Việt Nam khoảng 10 chuỗi cửa hàng thì tương lai sẽ có tới 80% DN bán lẻ Việt Nam phá sản!

Lo ngại là như vậy nhưng trên thực tế, cho đến nay, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để củng cố và phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại rất ít và lúc có, lúc không. TS Đỗ Trường Giang, Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, hầu như chưa có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng…) cho đầu tư phát triển dịch vụ phân phối, cho lưu thông hàng hóa nói chung và cho kết cấu hạ tầng thương mại nói riêng.

Nhưng, ở một góc độ khác, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã chỉ ra một “góc khuất” chưa được nhiều người nói đến: “Những cam kết mở cửa thị trường bán lẻ trong WTO được “bê nguyên” từ Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ sang. Gần 10 năm đã trôi qua nhưng hầu như chúng ta không chuẩn bị gì cho việc mở cửa này cả, cả Chính phủ và DN đều đợi nước đến chân mới nhảy”.

Đến đầu tháng 10 này, khi “sức nóng” của việc mở cửa ngày một gia tăng thì Bộ Công thương mới hoàn thành và trình Chính phủ đề án giải pháp đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ nước ta hiện nay và những năm tiếp theo. Về thực chất, đây là việc đổi mới và tổ chức lại thị trường trong nước, trọng tâm là thị trường bán lẻ theo hướng hình thành và phát triển các hệ thống phân phối bán lẻ chủ lực làm nòng cốt trên thị trường. Nhưng DN nào sẽ làm nòng cốt, cơ chế chính sách ra sao để tạo ra cú hích cho hệ thống phân phối trong nước vẫn còn bỏ ngỏ, dù giờ G đã sắp đến.

SGGP.online

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất