Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 11/8/2015 10:10'(GMT+7)

Mô hình bác sĩ gia đình: Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh 807.720 lượt, thực hiện 12.024 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà 3.094 ca và tư vấn 10.333 cuộc, phục hồi chức năng 87 ca…, góp phần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, giảm quá tải bệnh viện.

* Chuẩn bị kỹ càng


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để thực hiện Đề án bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020, Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức triển khai hàng loạt các văn bản hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình; xây dựng chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình… Bên cạnh tổ chức nghiên cứu thực trạng bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại một số tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã cho phép các tỉnh không thuộc phạm vi Đề án thí điểm thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình bao gồm Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Nghệ An.

Tại các tỉnh, thành phố, song song với việc xây dựng đề án trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, các địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Bác sĩ gia đình; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện tuyến cơ sở thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh; các trạm y tế phường, xã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép chức năng trạm y tế do bác sĩ có chuyên môn về y học gia đình phụ trách.

Các địa phương cũng đặc biệt chú trọng việc đào tạo định hướng để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình. Điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa đã cử 749 cán bộ đi học về y học gia đình, Khánh Hòa cử 1 bác sĩ đi học thạc sĩ y học gia đình tại Philippine.

Đặc biệt, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cử 174 bác sĩ theo học các lớp định hướng y học gia đình nhằm đảm bảo đủ nhân lực phục vụ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Sở Y tế đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn Y học gia đình 3 tháng và lớp định hướng chuyên khoa 10 tháng về bác sĩ gia đình cho bác sĩ đa khoa, lớp chuyên khoa 1 bác sĩ gia đình và và tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng cho bác sĩ gia đình tại các trạm y tế theo mô hình câu lạc bộ các bác sĩ hướng dẫn cho các nhân viên y tế khác tại trạm y tế, bệnh viện quận huyện. Trong năm 2014, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thẩm định được 47 trạm y tế đủ điều kiện thực hiện phòng khám bác sĩ gia đình...

“Đến thời điểm này, cả nước đã kiện toàn, thành lập 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang. Riêng các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Phòng chưa thành lập phòng khám bác sĩ gia đình. Tại Cần Thơ hiện chỉ có 1 phòng khám bác sĩ gia đình là cơ sở thực tập của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, tại các phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa, lồng ghép chức năng trạm y tế xã các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được đảm bảo để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật phê duyệt. Một số trạm y tế xã đã có máy tính được nối mạng Internet để ứng dụng trong quản lý đối tượng được chăm sóc theo hoạt động của mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.


* Kết quả khả quan



“Mặc dù Thông tư hướng dẫn thí điểm mới được ban hành năm 2014 và còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai, nhưng 6/8 tỉnh, thành đã nghiêm túc, triển khai thực hiện Đề án. Số phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập nhiều hơn so với chỉ tiêu dự kiến, tại 6 tỉnh dự án đã thành lập 240 phòng khám bác sĩ gia đình. Các tỉnh, thành cũng đã quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế về chuyên ngành y học gia đình và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất theo các quy định hiện hành”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.

Các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh 807.720 lượt, thực hiện 12.024 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà 3.094 ca và tư vấn 10.333 cuộc, phục hồi chức năng 87 ca. 158/240 phòng khám đã thực hiện quản lý sức khỏe 195.245 người bệnh, khám sàng lọc 500.919 lượt người.

Ngoài hoạt động tại phòng khám, các phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện các hoạt động tại hộ gia đình quản lý như: khám bệnh, kê đơn thuốc, thực hiện thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung; tiêm truyền…

Các phòng khám bác sĩ gia đình bước đầu đã tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng. Công tác quản lý và theo dõi tình hình sức khỏe toàn diện mỗi hộ gia đình đã góp phần quan trọng trong phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ xảy ra dịch bệnh tại cộng đồng. Người bệnh và gia đình người bệnh được tư vấn về tình trạng bệnh lý, cách phòng bệnh, được truyền thông, giáo dục trực tiếp về sức khỏe để nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các đối tượng trong các hộ quản lý được theo dõi khá toàn diện với thời gian liên tục, đây là giải pháp rất hiệu quả để phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh cho cộng đồng…


* Còn nhiều khó khăn


Tuy đã đã được những kết quả nhất định nhưng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình vẫn còn những bất cập cần giải quyết sớm góp phần nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Tại một số phòng khám, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh y học gia đình còn kiêm nhiệm nên rất khó khăn về nhân lực để thực hiện là một trong những bất cập của mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn. Đa số các đơn vị triển khai mô hình bác sĩ gia đình, cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình nên chưa được cấp phép thành lập phòng khám bác sĩ gia đình theo quy định.

Việc chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; chưa có văn bản quy định cụ thể về danh mục dịch vụ tại phòng khám bác sĩ gia đình; phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế ngay cả đối với các trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế… cũng đang là rào cản đối với sự phát triển của mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.

Đặc biệt, tại các phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến khám, chữa bệnh tại phòng khám. Người đến khám tại trạm y tế thường là người nghèo nên không đủ điều kiện chi trả theo mức giá dịch vụ, số bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế ít, đặc biệt ở những thành phố lớn. Danh mục kỹ thuật được phép thực hiện tại trạm y tế còn hạn chế. Trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ điều trị tại trạm y tế chưa được trang bị đầy đủ. Thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân tại trạm y tế hạn hẹp về số lượng, chủng loại. Một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, hen phế quản, COPD… không được cấp tại trạm y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, do công tác truyền thông chưa tốt nên đa phần người dân, thậm chí có không ít các vị lãnh đạo địa phương vẫn chưa hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, còn cho rằng bác sĩ gia đình là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh. Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông quảng bá mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nhằm giúp cộng đồng thay đổi nhìn nhận về tuyến y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho từng cá thể trong cộng đồng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.


* Tiếp tục hoàn thiện mô hình phòng khám bác sỹ gia đình



Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bác sĩ gia đình có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên…

“Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi các nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại các tỉnh, thành phố thí điểm và các tỉnh khác nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, Bộ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình, tiếp tục củng cố, phát triển cơ sở đào tạo đã có, thành lập cơ sở mới ở một số trường Đại học chuyên ngành y trong cả nước.

Song song với xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình, phát triển đội ngũ giảng viên chuyên ngành y học gia đình, Bộ tổ chức đào tạo định hướng ngành y học gia đình cho bác sĩ đa khoa để đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề y học gia đình; đào tạo, phát triển đội ngũ người hành nghề y học gia đình như đào tạo, tập huấn ngắn hạn để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; đào tạo liên tục và đào tạo sau đại học chuyên ngành y học gia đình.

Nhằm giải quyết những bất cập đang tồn tại, Bộ xây dựng, ban hành mẫu bệnh án giấy thống nhất, xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: xây dựng bệnh án điện tử y học gia đình và phần mềm tin học quản lý hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình; tổ chức truyền thông về mô hình, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của các phòng khám bác sĩ gia đình…/.


Nguyễn Bích Thủy 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất