Thứ Bảy, 8/8/2015 15:20'(GMT+7)
Xây trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung bộ ở thành phố Vinh
Nghệ An chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở y tế tại thành phố Vinh trở thành Trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ.
Đây là việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các tỉnh trong vùng, góp phần xây dựng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo đề án xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh giai đoạn 2015-2020, mục tiêu đến năm 2017, các bệnh viện phát triển 100% các kỹ thuật tương đương với phân hạng bệnh viện và 30% kỹ thuật của tuyến trên đối với bệnh viện hạng ba; 25% kỹ thuật của tuyến trên đối với bệnh viện hạng hai và 20% kỹ thuật của tuyến Trung ương đối với bệnh viện hạng nhất.
Ngoài ra, phát triển một số kỹ thuật cao lần đầu tiên áp dụng tại Nghệ An và tiếp tục hoàn thiện các kỹ thuật đã triển khai trong giai đoạn như can thiệp tim mạch, mổ tim hở; hỗ trợ sinh sản (IVF); ứng dụng tế bào gốc trong điều trị; xạ trị và y học hạt nhân; ghép tạng; phẫu thuật thần kinh; vi phẫu tạo hình thẫm mỹ; phẫu thuật ghép giác mạc; sàng lọc chẩn đoán trước sinh; lọc máu liên tục...
Tỉnh cũng sẽ xây dựng Trường đại học Y khoa Vinh trở thành trường Đại học Y khoa hoàn chỉnh, đầy đủ các bộ môn, đào tạo đại học và sau đại học cung cấp nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh khác; tiếp tục triển khai các dự án lớn trong ngành y tế, như dự án xây dựng Khu B (Khu xã hội hóa) thuộc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu, dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình, dự án xây dựng Bệnh viện Mắt.
Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư, để khắc phục tình trạng này, cùng với tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư từ Trung ương, Nghệ An cũng đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho y tế, đẩy mạnh xã hội hóa y tế và tăng cường hợp tác quốc tế; kêu gọi và tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư từ các dự án trong và ngoài nước cho ngành y tế về cả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.
Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên sử dụng ngân sách cho y tế dự phòng, đặc biệt là các lĩnh vực chưa được đầu tư; từng bước chuyển việc đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở y tế dịch vụ công sang đầu tư trực tiếp cho người hưởng dịch vụ bằng cách mua thẻ bảo hiểm y tế.
Tại Nghệ An, theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh, mạng lưới y tế đã được đầu tư và phát triển về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên môn cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiện toàn tỉnh có 38 bệnh viện, tăng 13 bệnh viện so với năm 2007; hơn 6.490 giường bệnh, đạt 22,1 giường bệnh/10.000 dân, tăng 2.486 giường bệnh và 8,29 giường bệnh/10.000 dân so với năm 2007.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển y tế của tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập.
Nổi lên, đó là việc triển khai, phát triển kỹ thuật mới ở các bệnh viện tuy đã làm được một số kỹ thuật, nhưng chưa nhiều; chất lượng khám chữa bệnh chưa ngang tầm; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện chưa được giải quyết tốt.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm tiến độ như dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình./.
Giao Tuyến