Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 17/9/2014 16:51'(GMT+7)

Mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế cho khu vực phi chính thức luôn là một thách thức

Đạt tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Tổ chức y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương và cũng là trọng tâm của Chiến lược Tài chính y tế cho châu Á – Thái Bình Dương (2013-2015), được Ủy ban Khu vực thông qua năm 2009. Ông Shin Young Soo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương đánh giá: “Chúng tôi hài lòng ghi nhận những thành tựu mà khu vực đã đạt được trong thời gian qua với các động thái bảo trợ tài chính cho bảo hiểm y tế (BHYT) ở Philippin, trợ cấp cho người nghèo ở Campuchia, BHYT hoàn toàn cho người nghèo và một phần cho người cận nghèo ở Việt Nam… Thách thức hiện nay đối với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguy cơ nghèo đói cao là thiếu bảo vệ xã hội trong đó có BHYT, dẫn đến nguy cơ dễ bị tổn thương hơn. Do đó, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, phù hợp với từng quốc gia, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ ở cấp lãnh đạo để tạo cơ hội bình đẳng về BHYT cho tất cả mọi người”.

Khu vực phi chính thức, được hiểu là nhóm đối tượng lao động tự do, không dựa trên các hợp đồng lao động, không có mối liên hệ mang tính pháp lý giữa người lao động với người sử dụng lao động và không thực hiện các quy định về bảo hiểm xã hội; thu nhập không đều đặn, khó đánh thuế trực tiếp. Ngoài ra, còn có nhóm người khó khăn trong việc đóng góp tài chính cho việc tham gia BHYT. Một số nhóm đối tượng trong số này đã được hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT như người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người trên 80 tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi... Việc tham gia BHYT đối với nhóm này gặp khó khăn do thiếu thông tin và chưa có hiểu biết về BHYT; do hạn chế về khả năng đóng góp và chưa có cơ chế tham gia BHYT phù hợp. 

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và bài học về mở rộng bao phủ BHYT đối với khu vực lao động phi chính thức giữa các nước ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Từ đó, giúp các chính phủ lựa chọn các giải pháp phù hợp, vượt qua thách thức để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT cho người lao động và gia đình thuộc khu vực lao động phi chính thức. Hội nghị cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các nước thành viên của ASEAN + 3 cùng chung tay thúc đẩy tiến trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khu vực.

Theo TS. Wame Baravilala, cố vấn cao cấp về sức khỏe bà mẹ và sức khỏe sinh sản thuộc Văn phòng UNFPA Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hàng năm có khoảng 150 triệu người gặp khó khăn về tài chính cho các nhu cầu khám và chữa bệnh và 100 triệu người bị rơi vào tình trạng sống dưới mức nghèo khổ do phải chi tiền túi cho chăm sóc y tế. Có ít nhất 1 tỷ người phải gánh chịu thiệt thòi do hậu quả của việc quản lý y tế kém, lãng phí nguồn lực y tế, thiếu đối tác kinh doanh và chiến tranh địch họa. Lợi ích y tế của họ phần lớn bị bỏ qua.

TS. Aparnaa Somanathan, chuyên gia kinh tế của Tổ chức phát triển con người khu vực Đông Á, Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới cho hay: Hiện nay, các nước đang mở rộng độ bao phủ BHYT bằng các giải pháp: tăng kinh phí, tăng hiệu quả tuyên truyền; nâng cao chất lượng thông tin và tăng cường mức độ tiện lợi. Philíppin triển khai trợ cấp mua bảo hiểm, in những bộ tài liệu tuyên truyền, gửi lời nhắc bằng tin nhắn, tuy vậy, 85% đối tượng “khoảng giữa” vẫn chưa tham gia sau can thiệp. Việt Nam thực hiện trợ cấp và phân phát tờ rơi… nhưng 90% đối tượng vẫn chưa tham gia. Bà Aparnaa Somanathan phân tích 4 lý do vì sao tỷ lệ tham gia bảo hiểm tăng quá chậm là: hoàn cảnh kinh tế, do quá nghèo do đó không có khả năng chi trả bảo hiểm; khả năng phòng ngừa rủi ro hạn chế; bảo đảm tài chính hạn chế; chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng vốn thấp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Mở rộng bao phủ BHYT trong khu vực phi chính thức luôn là một thách thức với các quốc gia, đặc biệt với nhiều nước ASEAN – nơi mà khối phi chính thức còn chiếm tỷ lệ lớn trong dân số”.

Bộ trưởng cho biết: Trên lộ trình thực hiệm BHYT toàn dân, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 6% dân số (năm 2013). Cùng với mở rộng bao phủ, tỷ lệ chi từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế cũng gia tăng qua các năm. Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách BHYT, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến các đối tượng người nghèo và dễ bị tổn thương. Từ năm 2006, 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số đã được bao phủ BHYT thông qua nguồn thu ngân sách. Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 13/6/2014 đã quyết định kể từ 01/01/2015, người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ không phải chịu đồng chi trả khi khám chữa bệnh BHYT”. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh: “Điều này thể hiện nỗ lực của chúng tôi trong việc xóa bỏ các rào cản tài chính đối với người nghèo trong khám chữa bệnh. Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để tiếp tục mở rộng bao phủ BHYT đối với nhóm dân số hiện còn chưa được bao phủ, chủ yếu thuộc khối phi chính quy. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT và trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2013-2015 và đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Luật BHYT sửa đối cũng đã thể chế hóa những cam kết này để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân với nhiều điểm mới quan trọng: Bắt buộc tham gia BHYT, khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; nâng cao hiệu quả quản trị toàn hệ thống…

Tuy nhiên, thách thức mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang phải đối mặt là mở rộng bao phủ BHYT đối với khoảng 30% dân số còn lại, chủ yếu thuộc khu vực phi chính quy.

Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi dự định một loạt giải pháp như tuyên truyền cung cấp đầy đủ thông tin, gắn với những cơ chế chính sách khuyến khích để họ chủ động, tự giác tham gia BHYT trong khối chính quy cần được củng cố, giải quyết tình trạng “lựa chọn ngược” thông qua BHYT theo hộ gia đình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tính hấp dẫn của BHYT... Đồng thời, phấn đấu để có một hệ thống y tế hoạt động tốt với nguồn kinh phí đầy đủ, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn y tế có chất lượng, hệ thống thông tin y tế phát triển, mọi người được tiếp cận với thuốc thiết yếu, công nghệ phù hợp, công tác quản lý và quản trị hiệu quả”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa nội dung này vào các chương trình nghị sự của các nước nhằm đạt được cam kết chính trị và tài chính cao nhất là cần thiết.

Thảo Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất