Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 19/1/2020 10:41'(GMT+7)

Mở rộng diện bao phủ chính sách bảo hiểm xã hội cho khu vực kinh tế phi chính thức

(Ảnh minh họa: Thái Nguyễn)

(Ảnh minh họa: Thái Nguyễn)

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH là: đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhưng trên thực tế, trong hơn 10 năm triển khai thực hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Ðến thời điểm này mới chỉ có hơn 240 nghìn người và chủ yếu là những người đã đóng BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Vì vậy, việc đạt mục tiêu do Nghị quyết số 28 đề ra là rất khó khăn.

Với 18 triệu việc làm năm 2016 và tăng dần qua các năm tiếp theo, quy mô lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam còn rất lớn và chưa có xu hướng giảm. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội. Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.

Điều 34 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền an sinh xã hội của công dân và đảm bảo an sinh cho mọi người dân, tuy nhiên đến nay lao động khu vực phi chính thức tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách BHXH - một biện pháp an sinh xã hội bền vững còn nhiều hạn chế.

Cần phải khẳng định lại rằng BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng quá trình triển khai thực hiện pháp luật BHXH tự nguyện ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nhất định như: Số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên qua các năm, từ trên 6 nghìn người tham gia năm 2008 đến nay đã có trên 231 nghìn người đóng BHXH tự nguyện, tổng số thu từ đóng góp 10 năm qua lên trên 6.416 tỷ đồng. Mức đóng góp bình quân năm 2013 đóng 2,7 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên trên 5,7 triệu đồng, cho thấy giá trị đóng góp và sự hưởng ứng của người dân đã được nâng lên đáng kể.

Chính sách BHXH tự nguyện đã phát huy tác dụng rõ rệt, số người hưởng lương hưu các năm tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2014-2017 tăng 51%. Năm 2017 đã có trên 35 nghìn người hưởng lương hưu của BHXH tự nguyện với số tiền chi trả lương hưu là trên 759 tỷ đồng, lương hưu bình quân gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, bằng 138% so với mức lương cơ sở, cao gấp hơn 3 lần so với trợ cấp giảm nghèo chung cả nước. Ngoài ra người hưởng lương hưu đều được cấp thẻ BHYT, thanh toán chi phí chăm sóc y tế góp phần hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, rủi ro, bệnh tật khi về già tuổi cao sức yếu.

BHXH tự nguyện bước đầu đáp ứng được nhu cầu đảm bảo các chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất cho khối lao động thuộc khu vực phi chính thức; công tác quản lý và tổ chức thực hiện cũng đã được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính hiệu quả áp dụng của loại hình BHXH này.

Tuy nhiên, ở cả hai góc độ quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng BHXH tự nguyện tại Việt Nam hiện nay cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và 2% so với BH thất nghiệp và chiếm chưa đầy 0,6% so với lực lượng lao động (LLLĐ) thuộc diện tham gia, điều này dễ thấy mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện là rất thấp và vẫn còn trên 99% LLLĐ chưa tham gia, họ là những đối tượng tiềm năng cần khai thác. Với số thu bình quân mỗi năm chúng ta thu đạt trên 642 tỷ đồng, chia đều bình quân cho các tỉnh/thành phố thì mới ở mức 10,2 tỷ/năm, số này là chưa đáng kể so với số nguồn thu BH khác và còn rất thấp. Tốc độ tăng trưởng qua các năm của BHXH tự nguyện chưa ổn định, số người tham gia tăng nhanh vào các năm 2012 và 2013 lần lượt 38% và 26% nhưng từ năm 2014 trở đi lại giảm dần.

Nguyên nhân của các khó khăn, hạn chế theo ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng do nhận thức người lao động về BHXH còn hạn chế. Mặt khác các chế độ BHXH tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn đối với người lao động và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được tiến hành đồng bộ và hiệu quả.

Tình hình số lượng đối tượng tham gia nêu trên đang là vấn đề hết sức khó khăn để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và cơ hội để người dân có lương hưu, chăm sóc y tế khi về già đang trở nên khó khăn và tiếp tục khó khăn đối với phần đông trong số gần 38 triệu người thuộc diện đối tượng nhưng chưa thể tiếp cận vào chính sách nhà nước.

Với mức lương hưu mà người tham gia BHXH tự nguyện nhận được có tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động, giúp họ cải thiện được cuộc sống khi hết tuổi lao động. So sánh với mức sống trung bình cả nước thì lương hưu bình quân đã tác động đến đời sống người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2016 và 2017 tương ứng là 107% và 111%.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng diện bao phủ BHXH ở Việt Nam thời gian vừa qua, các nguyên nhân dẫn đến tốc độ mở rộng diện bao phủ tăng chậm có thể phân thành các nguyên nhân thuộc về thiết kế chính sách và các nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện.

Các nguyên nhân thuộc về chính sách có rất nhiều, có thể kể đến 5 nguyên nhân chính là:

Thứ nhất, Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc. 1) Chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thực tế nhóm đối tượng này với khoảng trên 5 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, tính đến hết 30-9-2016 có khoảng hơn 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký và thực tế cơ quan BHXH đã tổ chức thu và giải quyết hưởng các chế độ BHXH; 2) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Thứ hai, trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo Luật BHXH, kể từ năm 2018 mới có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước, đây cũng là lý do số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng chậm

Thứ ba, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe. Về thời gian, phải tham gia 20 năm mới được được hưởng lương hưu dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài, thậm chí đến 18-19 năm nhưng  vẫn rời khỏi hệ thống, hưởng BHXH một lần thay vì được hưởng lương hưu.

Thứ tư, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu tham gia nhiều chế độ hơn nhưng chưa được đáp ứng.

Thứ năm, thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH. Chẳng hạn, ở nhiều nước, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự hỗ trợ cho người lao động không bị rời khỏi hệ thống BHXH qua các hỗ trợ rất cụ thể. Lao động tuổi trung niên dễ bị sa thải, Quỹ BHTN có thể hỗ trợ một phần tiền lương để doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính khi sử dụng lao động có năng suất không cao bằng lao động trẻ; hoặc miễn giảm một phần chi phí đóng BHXH bằng cách trích từ Quỹ BH thất nghiệp để đóng thay doanh nghiệp; nhờ đó, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng lao động, người lao động tiếp tục có việc làm và tiếp tục nằm trong hệ thống BHXH, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng. Hệ thống chính sách BHXH của Việt Nam chưa có các quy định như vậy. Trong bối cảnh lao động tuổi 35 trở lên đang có nguy cơ sa thải hiện nay thì các chính sách này là hết sức cần thiết.

Ngoài 5 nguyên nhân chính nêu trên, còn có những nguyên nhân liên quan đến tổ chức thực hiện, như chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương; tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao (nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc); công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; cơ quan BHXH mặc dù đã tích cực đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuy nhiên quá trình này vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện...

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là đối với lao động khu vực phi chính thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu: phát triển thêm đối tượng mới; duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống. Theo đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, giải pháp phát triển các đối tượng tham gia mới sẽ tập trung vào việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện như: có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Ba là, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Bốn là, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH, thu hút sự tham gia tích cực của nông dân, lao động khu vực phi chính thức; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH./.

Nguyễn Thị Minh
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất