(TG) - Nhiều
đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi của các quy định tại Dự thảo
như: cấm không sử dụng bia tại công viên, nhà chờ xe buýt... Vậy lực
lượng nào sẽ thực hiện quy định này, liệu thanh tra chuyên ngành có thể
đến tận công viên hay nhà chờ xe buýt để thực hiện việc xử lý vi phạm?
Sáng 10/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Viêt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Về quy định quảng cáo và thương mại điện tử trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia".
Dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội có liên quan, các chuyên gia kinh tế, pháp luật cùng đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia và một số cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương.
Tọa đàm là dịp để các cơ quan ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trao
đổi, góp ý về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác của
hại rượu, bia nhằm góp phần đảm bảo tính khả thi của Nghị định và tính
thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và tạo điều kiện cho ngành
phát triển bền vững.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề lớn được Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn, như các quy định về quảng cáo; quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử...
Thảo luận về đề xuất “Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời", các đại biểu đề nghị lựa chọn quy định: Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục, khuôn viên cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng...
Đối với quy định “Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia”, nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung đề nghị chọn quy định: Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia".
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi của các quy định tại Dự thảo như: cấm không sử dụng bia tại công viên, nhà chờ xe buýt... Vậy lực lượng nào sẽ thực hiện quy định này, liệu thanh tra chuyên ngành có thể đến tận công viên hay nhà chờ xe buýt để thực hiện việc xử lý vi phạm?
Liên quan đến những quy định kinh doanh rượu, bia bằng thương mại điện tử với nhiều đề xuất được đánh giá là chưa theo kịp đời sống thương mại điện tử và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, cần có những quy định phù hợp với các quy định liên quan đến thương mại điện tử cũng như thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, cần ứng dụng khai báo tên, tuổi trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin và khai báo tên người mua, địa chỉ cư trú của người mua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước khi giao dịch. Bởi, Dự thảo yêu cầu khai báo thông tin trước khi người dùng truy cập website không có ý nghĩa trong việc kiểm soát thông tin người dùng, do không có cơ sở để xác thực thông tin nếu người dùng khai báo thông tin không đúng. Hơn nữa, việc yêu cầu người dùng khai báo địa chỉ cư trú chỉ vì họ truy cập, tiếp cận và tìm kiếm thông tin mua hàng, trong khi họ chưa quyết định mua hàng là yêu cầu không phù hợp với quyền thông tin cá nhân, dẫn đến mâu thuẫn với các quy định về an toàn bảo mật thông tin cá nhân.
Thực tế, hầu hết các website thương mại điện tử không chỉ bán bia mà còn bán một loạt hàng hóa khác hoặc là một thị trường cho các cửa hàng tiêu dùng. Do đó, một hạn chế được đặt trên một danh mục hàng hóa riêng biệt sẽ ảnh hưởng đến nền tảng rộng hơn của trang thương mại điện tử đó và điều đó sẽ không khả thi trên thực tế hoặc sẽ dẫn đến việc các trang đó phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia.
Một số đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định: “Có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn quảng cáo rượu, bia trên website thương mại điện tử của mình liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng” và “Không được đặt các đường dẫn trên website thương mại điện tử của mình cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia khác”.
Đại biểu cho rằng những quy định nêu trên trong Dự thảo được hiểu tương tự như cấm bán bia bằng thương mại điện tử và cấm quảng cáo bằng phương tiện kỹ thuật số. Điều này mâu thuẫn với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (cho phép bán bia bằng thương mại điện tử và quảng cáo bằng kỹ thuật số theo các điều kiện tối thiểu nhất định) và mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ: "Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện phát triển công nghệ 4.0 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”; đồng thời cũng không phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh là “Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch”.
Hơn nữa, khi xem xét thông lệ quốc tế, đặc biệt là ngay cả ở các thị trường phát triển hơn với các ngành thương mại điện tử đặc biệt phát triển (như các nước trong khối Châu Âu, ASEAN,…) cũng chưa phổ biến áp dụng các điều kiện hạn chế về quảng cáo kỹ thuật số và các điều kiện về thương mại điện tử như trong quy định của dự thảo Nghị định. Trong bối cảnh chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung của Việt Nam vẫn ở mức trung bình - Nếu những quy định này của dự thảo đưa vào áp dụng - có thể sẽ là bước thụt lùi của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Viêt Nam cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm việc quy định các địa điểm không được uống rượu, bia trong Dự thảo Nghị định để bảo đảm tính khả thi và loại bỏ quy định “cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet” được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để phù hợp với các quy định của Luật./.
Liễu Nguyên
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương