Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 27/7/2013 15:58'(GMT+7)

Mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với công đoàn các nước

Công đoàn Việt Nam đã chủ động mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với công đoàn các nước, các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, các hoạt động của phong trào công đoàn thế giới, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế đối với Công đoàn Việt Nam.

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng Liên đoàn Lao động và các cấp công đoàn trong cả nước có sự hợp tác và đã tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ cả về kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính của các tổ chức công đoàn quốc gia và quốc tế, của Tổ chức Lao động Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng thương lượng tập thể, kỹ năng tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở với sự tham gia của hàng nghìn lượt cán bộ công đoàn các cấp; đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ giảng viên công đoàn kiêm chức, được đào tạo bài bản, chuyên sâu về thương lượng tập thể, phát triển đoàn viên, giải quyết tranh chấp lao động. Đội ngũ giảng viên kiêm chức này tiếp tục mở hàng trăm khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở ở từng ngành, từng địa phương, góp phần vào việc nâng cao chất lượng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể của công đoàn cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Việc thành lập Công đoàn Dệt May Việt Nam và thí điểm thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành của ngành dệt cũng đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức công đoàn các nước.

Việc hình thành hệ thống các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật và đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn trong cả nước đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật và trang thiết bị cơ sở vật chất ban đầu của các tổ chức quốc tế. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu, khảo sát về pháp luật lao động ở một số nước nhằm rút kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và tham gia xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn các cấp trong cả nước về việc xây dựng dự thảo hai dự án luật trên đã được tổ chức bằng nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực vận động, tranh thủ và triển khai có hiệu quả hàng loạt các dự án do quốc tế tài trợ, phục vụ hoạt động công đoàn. Đó là các dự án “Tăng cường vai trò Công đoàn trong thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ở Việt Nam” do Liên hiệp Công đoàn Đức và Bộ Kinh tế - Phát triển Đức tài trợ; dự án "Tăng cường vai trò Công đoàn cơ sở" do ILO tài trợ tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai; dự án "Tăng cường vai trò của Công đoàn trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ" tại 3 tỉnh, thành phố do Cơ quan viện trợ Hải ngoại Công đoàn Úc – APHEDA và Tổng Công đoàn Phần Lan (SAK) tài trợ, Ủy ban Châu Âu tài trợ thông qua Hội đồng hợp tác Công đoàn Đan Mạch (LO/FTF) tại Khánh Hòa…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, chương trình hợp tác hàng năm với Công đoàn Thủy thủ Nhật Bản, Công đoàn các nước Na Uy, Thụy Điển, Viện FES, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và dự án BSPS của Chính phủ Đan Mạch. Các dự án, chương trình hợp tác quốc tế đã góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nâng cao kỹ năng thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất