Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương
các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, Ban An toàn giao thông các địa
phương và cơ quan báo chí đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả
những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng qua;
trong đó đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban An toàn
giao thông 9 địa phương giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao
thông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong 9 tháng qua, tình hình trật tự an toàn
giao thông trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực;
số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông tiếp tục giảm.
Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến
xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.
Nhiệm vụ trọng tâm trong quý 4/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu
cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp thu những ý kiến của các bộ,
ngành, địa phương về những vấn đề liên quan; đôn đốc, kiểm tra những
chủ trương từ đầu năm đã ban hành; tổng kết 5 năm công tác an toàn giao
thông quốc gia giai đoạn 2011-2015 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 88 của
Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tập trung xây dựng các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn thông
như Bộ luật Hàng hải, Luật Đường sắt và một số nghị định có liên quan;
tiếp tục tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời đẩy mạnh
một số công trình giao thông như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng...
Bộ Công an sơ kết Chị thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; mở đợt cao
điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục
mở rộng và xử lý nghiêm các vụ liên quan đến xe lôgô, xe “vua,” xe 80B
giả mạo; phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng kiểm
tra, xử lý nghiêm những vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông
đường sắt, đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông nơi giao cắt đường
sắt và đường bộ.
Bộ Quốc phòng tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88 của Chính phủ;
đồng thời tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe quân sự về tải
trọng, vượt tải khi tham gia giao thông, nhất là các biển số giả quân
sự.
Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao
thông Vận tải rà soát, hoàn thiện các chính sách về đảm bảo trật tự an
toàn giao thông; chỉ đạo Hải quan các cửa khẩu không thông quan cho các
phương tiện vi phạm quy định về tải trọng. Đồng thời, Bộ Tài chính phối
hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội vụ, Ủy ban An toàn giao thông quốc
gia xây dựng cơ chế, chính sách cho các lực lượng quản lý, điều hành
Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung tài liệu giảng dạy an toàn giao thông
chính khóa phù hợp với nội dung, lứa tuổi, cấp học và thời lượng theo lộ
trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới của Bộ.
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục củng cố, đồng thời
tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện tốt các chỉ thị có liên quan
đến công tác trật tự an toàn giao thông; có cơ chế công tác nghiêm túc,
rõ trách nhiệm từng thành viên; tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện Nghị
quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ và tổng kết 5 năm về an toàn giao thông
giai đoạn 2011-2015; sớm có biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao
thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Ban An toàn giao thông các
địa phương tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn
nông thôn; tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải
trọng phương tiện; xử lý nghiêm tình trạng xe “vua,” xe có phù hiệu lạ
và các trường hợp bao che cho tiêu cực, tham nhũng.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu sớm có
phương án chống ùn, ứ giao thông, nhất là khi điều kiện thời tiết xấu,
bằng cách phân luồng và xây các cầu vượt…
Theo Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia , 9 tháng qua, các
lực lượng của Bộ Giao thông Vận tải và 63 Sở Giao thông Vận tải trên
toàn quốc đã thực hiện hơn 100.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; lập biên
bản hơn 104.000 vụ vi phạm; xử phạt trên 92.000 vụ với số tiền trên 303
tỷ đồng; tạm giữ 875 xe ô tô; đình chỉ hoạt động 570 bến và 317 phương
tiện thủy nội địa.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra hơn 3 triệu trường
hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 3.000 tỷ đồng; tạm giữ 29.560 xe
ôtô và 377.420 môtô; tước 260.884 giấy phép lái xe. Bộ Quốc phòng tiến
hành kiểm tra 3.850 lượt xe ôtô quân sự hoạt động ở ngoài doanh trại;
chấn chỉnh, xử lý 308 lượt vi phạm các quy định của Quân đội về điều
khiển phương tiện quân sự khi tham gia giao thông.
Cùng thời gian trên, bám sát chủ đề năm 2015 là “Siết chặt quản lý kinh
doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện,” các đơn vị chức năng
của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và những đơn vị liên quan tiếp tục
tích cực tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp; qua đó tạo được sự
đồng thuận của doanh nghiệp và người dân đối với chủ trương tăng cường
kiểm soát tải trọng phương tiện.
Tính từ ngày 1/1-15/9/2015, các trạm kiểm soát tải trọng phương tiện
trên cả nước đã tiến hành dừng kiểm tra 345.986 xe, trong đó gần 34.000
xe vi phạm; xử lý tước hơn 11.000 giấy phép lái xe và xử phạt nộp kho
bạc nhà nước 184 tỷ đồng.
Mặt khác, về công tác đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp
tục được đẩy mạnh. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đúng và vượt
tiến độ 77 công trình, dự án để đưa vào khai thác; trong đó có nhiều dự
án quan trọng đã kịp thời hoàn thành phục vụ đi lại của nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo xử lý 25 điểm đen,
52 điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, sửa chữa tại 38 vị trí giao cắt
đường sắt với quốc lộ; kịp thời xử lý các điểm bất hợp lý, những điểm
nóng về ùn tắc, tai nạn trong quá trình khai thác trên quốc lộ.
Đối với tình hình tai nạn giao thông, 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra
16.459 vụ, làm chết 6.518 người và bị thương 14.929 người; so với cùng
kỳ năm 2014, giảm 2.239 vụ, giảm 240 người chết và giảm 2.906 người bị
thương. Có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết
vì tai nạn giao thông, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết
là: Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Bạc Liêu, Hà Giang, Tiền
Giang, Lào Cai, Long An. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương có số người
chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 20% là: An
Giang, Gia Lai, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Kạn.
Liên quan đến ùn tắc giao thông, từ đầu năm đến nay, tại Thành phố Hồ
Chí Minh và Hà Nội tuy không có vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhưng
tình trạng ùn, ứ kéo dài vẫn diễn ra, đặc biệt ở các tuyến đường cửa
ngõ ra vào hai thành phố này vì phương tiện tham gia giao thông đông
đúc...
Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng qua vẫn
còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Số người chết vì tai nạn giao
thông chỉ giảm được 3,55% so với cùng kỳ năm 2014. Vẫn để xảy ra một số
vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe
chở container. Tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt tăng cao cả 3
tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số người chết do tai nạn giao thông đường
sắt tăng 40,54% và đường thủy là 30,23%...
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ôtô tải đã giảm
mạnh nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên địa bàn các địa
phương có nhiều mỏ vật liệu; đồng thời còn hiện tượng xe chở quá tải
chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý. Tình trạng ùn ứ vào
giờ cao điểm buổi chiều trên một số tuyến phố tại thành phố Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh và có xu hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi
điều kiện thời tiết xấu…/.
Theo TXTVN