Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 19/3/2011 10:23'(GMT+7)

Mối lo mất cân bằng dân số

Dân số gia tăng quá mức khiến con người lâm vào cảnh thiếu lương thực - Ảnh: WASHINGTON POST

Dân số gia tăng quá mức khiến con người lâm vào cảnh thiếu lương thực - Ảnh: WASHINGTON POST

Nỗi lo về mất cân bằng dân số đã được nhắc đến từ khá lâu tại Châu Âu, là nơi xuất hiện những công trình nghiên cứu đầu tiên về nhân khẩu học. Nhưng nguy cơ trên chỉ thật sự xuất hiện vào giữa thế kỷ trước, khi các nước Phương Tây ghi nhận tình trạng bùng nổ về sinh đẻ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi số lượng các gia đình có từ 4 đến 5 con trở nên phổ biến, nhiều chuyên gia không ngần ngại dự đoán về “sự suy tàn của nền văn minh” cùng với những thảm họa không thể tránh khỏi liên quan trình trạng thiếu lương thực và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Năm 1972, các chuyên gia từ Câu lạc bộ Roma công bố báo cáo “Các giới hạn tăng trưởng”, yêu cầu phải bắt đầu các chương trình hạn chế gia tăng dân số từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nếu không sẽ có thêm 200 triệu người tại Châu Phi và Châu Á thiếu lương thực.

Ngày nay, các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ lệ gia tăng dân số. Các nước phát triển lại lo ngại về tình trạng mất cân bằng địa lý của tiến trình gia tăng dân số. Nếu như các nước phát triển tuân theo quy luật “tỷ lệ tử vong giảm - tỷ lệ sinh giảm” thì các nước đang phát triển vẫn có tỷ lệ sinh rất cao, trong khi các điều kiện y tế cũng giúp cho họ giảm bớt đáng kể tỷ lệ tử vong. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng về gia tăng dân số thế giới.

Theo các chuyên gia của LHQ, đến giữa thế kỷ 21 này, gần như toàn bộ số lượng gia tăng nhân khẩu (gần 97%) sẽ thuộc về các nước thế giới thứ ba. Đến năm 2050, dân số thế giới ước tính sẽ đạt 9 tỷ người. Vấn đề được đặt ra là liệu Trái đất có đủ lương thực và nguồn tài nguyên để nuôi sống con người hay không?

Để phòng ngừa, vấn đề an ninh lương thực bắt đầu được nhiều quốc gia chú trọng. Những nước chuyên nhập khẩu lương thực đã biết lo xa và có chiến lược dài hơi hơn để đảm bảo cho nguồn lương thực của mình không bị phụ thuộc quá nhiều thị trường bên ngoài.

Libya đã thuê của Ukraine 100 nghìn ha đất để trồng trọt. Nhiều quốc gia dựa vào các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, đáng kể nhất là mở rộng diện tích trồng cây biến đổi gen với nhiều đặc tính ưu việt như năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh… Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến Mỹ với 70% ngô và đậu nành được trồng là loại biến đổi gen, tiếp đó là các nước đông dân như Brazil, Argentina, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh “đất chật người đông”, một số giải pháp khác cũng được một số nước nghiên cứu và áp dụng, được gọi là “nông trại thẳng đứng”. Theo đó, người ta sẽ xây dựng nhiều ngôi nhà chọc trời tại các thành phố để… trồng rau và lương thực. Một vườn rau với mô hình như vậy đã được triển khai thành công tại Nam Cực, nơi một diện tích vỏn vẹn 22 m2 đã giúp bảo đảm nhu cầu rau cho 65 nhân viên tại trạm nghiên cứu vùng cực từ năm 2004 đến nay.

Thanh Hải (Theo WASHINGTON POST)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất