Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 1/3/2011 13:48'(GMT+7)

Hai hướng ưu tiên giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em

Với những kết quả đó, nước ta đã thật sự thoát ra khỏi nhóm những nước có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao trên thế giới và là nước có mức giảm suy dinh dưỡng được đánh giá là có ấn tượng nhất. Ðến nay, các thể suy dinh dưỡng nặng như suy dinh dưỡng thể phù, thể teo đét, bệnh khô mắt do thiếu vi-ta-min A gây mù lòa... đã hoàn toàn hiếm gặp không những ở trong cộng đồng mà ngay ở các bệnh viện. Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã phản ánh những tiến bộ nhanh chóng trong phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo.

Trong cùng một mức tăng trưởng kinh tế so với một số nước khác thì tốc độ giảm suy dinh dưỡng ở nước ta nhanh hơn do chúng ta đã có các can thiệp về dinh dưỡng và sức khỏe hiệu quả. Suy dinh dưỡng không chỉ chịu tác động của yếu tố kinh tế mà các yếu tố về chăm sóc, nhận thức và trình độ văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng.

Trong ba nội dung chính được Tổ chức Y tế thế giới đề ra nhằm giảm suy dinh dưỡng gồm có cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho từng thành viên hộ gia đình; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và môi trường - nhất là môi trường vệ sinh gồm cung cấp nước sạch và các điều kiện sống khác; và nhất là nội dung 'chăm sóc' gồm các hoạt động như chế biến, bảo quản thức ăn cho gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, vấn đề thức ăn bổ sung, chăm sóc phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú, các thói quen và tập quán vệ sinh, cách thức bảo vệ sức khỏe và cả các vấn đề về chăm sóc tâm lý cho trẻ em... Do đó, để giảm suy dinh dưỡng bền vững, cần có các tác động cải thiện toàn diện, trong đó nhấn mạnh tới chất lượng chăm sóc, nhất là chăm sóc dinh dưỡng tại gia đình.

Tuy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Ðộ chênh tỷ lệ suy dinh dưỡng các vùng lớn, ở những vùng khó khăn, suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao. Ðặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi đang tồn tại như một vấn đề nghiêm trọng ở nước ta, khi vẫn còn 29,3% số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ em sống ở các đô thị lớn cũng cần được quan tâm và khống chế sớm.

GS, TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Y tế cho rằng, các hoạt động dinh dưỡng cần tập trung vào xây dựng kế hoạch can thiệp giai đoạn 2011- 2015 với các mục tiêu cụ thể cho từng vùng. Cần phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của chương trình trên toàn quốc trong mười năm qua và kinh nghiệm của các mô hình điểm để phổ biến, mở rộng các mô hình này tại các địa phương. Bên cạnh các giải pháp định hướng chung của ngành, cần có những giải pháp đặc thù, phù hợp vấn đề và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ðặc biệt áp dụng và đẩy mạnh các can thiệp có hiệu quả để giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng  đánh giá, giai đoạn mười năm tới đang đặt ra những thách thức mới. Bên cạnh nhiệm vụ can thiệp vào những vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh như thừa cân, béo phì, bệnh chuyển hóa có liên quan đến ăn uống thì việc tiếp tục giảm suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng thiên tai... vẫn là mục tiêu ưu tiên.

Các giải pháp để giảm suy dinh dưỡng thấp còi - nguyên nhân chính làm hạn chế tầm vóc, chiều cao người Việt Nam đã được coi là mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020. Chiến lược mới tiếp tục phương châm dự phòng là chính, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ từ phụ nữ tiền thai đến khi mang thai và nuôi con nhỏ, trẻ em dưới năm tuổi cần được cung cấp đủ năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng, chú ý đến vi chất dinh dưỡng đủ theo nhu cầu.

Công tác xã hội hóa phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục cần được đẩy mạnh. Suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta phân bố không đồng đều giữa các vùng và các yếu tố nguyên nhân tác động khác nhau thay đổi theo từng địa phương, từng khu vực và thậm chí từng cộng đồng và gia đình. Ðiều đó đòi hỏi có các giải pháp đặc thù, cụ thể cho từng địa phương. Ở những vùng còn xảy ra mất an ninh lương thực - thực phẩm, cần coi trọng các giải pháp bảo đảm an ninh thực phẩm hộ gia đình, khuyến khích sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ bổ sung cho bữa ăn và đẩy mạnh hoạt động giáo dục dinh dưỡng. Ở những nơi điều kiện chăm sóc còn kém, cần có sự quan tâm nhiều hơn đến việc cải thiện các điều kiện chăm sóc như hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, dịch vụ y tế ở các cơ sở. Công tác giáo dục dinh dưỡng cần đi đôi với hướng dẫn thực hành, xây dựng 'văn hóa nuôi dưỡng' của mọi gia đình. Mỗi bà mẹ đều có được kiến thức và chủ động trong phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.

(Theo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất