Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 18/12/2015 17:48'(GMT+7)

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 người chết vì bệnh hen

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo Bộ Y tế, bệnh hen hoàn toàn có thể được kiểm soát được. Tuy nhiên, công tác theo dõi và quản lý điều trị bệnh nhân hen vẫn gặp rất nhiều khó khăn và tiếp tục thách thức ngành y tế.

Một thực tế hết sức đáng lo ngại là bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang ngày một gia tăng. Có rất nhiều người tử vong do hen trong khi nếu chúng ta quan tâm thì hoàn toàn có thể tránh được. Đa số người tử vong do hen vì họ thiếu hiểu biết về bệnh, không được điều trị dự phòng và khi cơn hen lên đã không được cấp cứu theo đúng phác đồ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản là 3,9% dân số, tức là cả nước có gần 4 triệu người mắc bệnh hen​, trong đó mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 người chết mỗi năm.

Chi phí trực tiếp cho điều trị người bệnh tại bệnh viện lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể những chi phí gián tiếp do nghỉ làm, nghỉ học, giảm năng suất lao động. Đồng thời, số người kiểm soát tốt bệnh hen chỉ chiếm 5% đến 10%.

Các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường; các chi phí cho bệnh hen có thể giảm một nửa, có thể ngăn ngừa từ 70-80% các trường hợp tử vong do hen nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng hướng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh hen ngày một gia tăng như ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm trùng (do virus), nấm mốc, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, nhịp sống căng thẳng nhiều stress... Điều này cũng lý giải tại sao tỷ lệ người mắc bệnh hen ở Hà Nội cao hơn trung bình dân số cả nước.

Bên cạnh đó, đa số người mắc bệnh và cộng đồng còn coi thường và không quan tâm đúng mức đến việc chủ động kiểm soát hên một cách khoa học.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Bệnh hen (hay còn gọi là bệnh suyễn) là một bệnh lý mãn tính của đường dẫn khí. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm kéo dài của niêm mạc kết hợp với sự co thắt của cơ trơn đường dẫn khí (phế quản) gây ra những cơn khó thở kịch phát hay còn gọi là cơn hen.

Cơn hen thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiều tác nhân gây dị ứng hô hấp khác nhau như lông chó, lông mèo, phấn hoa, nấm mốc, khói, bụi nhà... Hen xuất hiện ở mọi lứa tuổi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày mà bệnh nhân không thể kiểm soát hết.

Là một bệnh mạn tính, hen cần được quản lý tại cộng đồng, nơi gần nhất với người bệnh. Hệ thống y tế cần đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị ngay tại tuyến cơ sở. Quản lý hen được lồng ghép trong quản lý các bệnh phổi mạn tính bao gồm hen, COPD, lao phổi và nhiễm trùng hô hấp khác.

Mặt khác, ngành y tế cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân về bệnh hen để người dân hiểu và dễ dàng sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tại y tế tại cơ sở.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng hướng dẫn thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm 4 chuẩn thực hành lâm sàng hen, COPD, viêm phổi và lao. Bệnh viện có đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính có trách nhiệm quản lý, tư vấn cho người bệnh, đào tạo và xây dựng mạng lưới tại cộng đồng. Bệnh viện đã lập kế hoạch áp dụng “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp-PAL” trong toàn bộ hệ thống trên toàn quốc để phát huy hiệu quả quản lý các bệnh hô hấp nói chung và quản lý bệnh hen nói riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các bệnh không lây nhiễm hiện nay là gánh nặng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì sẽ phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025. Chiến lược này có mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản./.

Thế Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất