(TG) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là hai
bệnh hô hấp phổ biến nhất với tỷ lệ tàn phế và tử vong cao trong các
bệnh hô hấp hiện nay ở Việt Nam.
Ngày 18/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2011-2015 và triển khai dự án giai
đoạn 2016-2020. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, mặc dù những năm gần đây y
học đã có nhiều cố gắng trong chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ
mắc và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và
hen phế quản vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt
Nam.
Những kết quả ban đầu trong nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam cho thấy,
tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,2% và tỷ lệ mắc hen phế quản
là 4,1%.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện, dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính và hen phế quản đã xây dựng được mạng lưới quản lý bệnh tại
các tuyến cơ sở ở các tỉnh triển khai dự án; cải thiện đáng kể năng lực
chẩn đoán, điều trị và dự phòng hai loại bệnh trên và nâng cao nhận
thức của người dân trong việc chủ động phòng chống bệnh.
Trong 5 năm thực hiện dự án từ 2011-2015, chương trình đã triển khai
được mạng lưới quản lý bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen
phế quản tại 45 tỉnh.
Dự án cũng đã triển khai mạng lưới quản lý bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính và hen phế quản trên địa bàn các địa phương tham gia dự
án với hạt nhân là 97 phòng quản lý đặt tại các bệnh viện đa khoa tỉnh,
bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh/thành phố, trung tâm phòng chống Bệnh xã
hội tỉnh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn 16 tỉnh chưa thành lập được
mạng lưới quản lý bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế
quản. Vì vậy, trong thời gian tới, ban quản lý dự án sẽ tiếp tục đẩy
mạnh để tiến tới thành lập mạng lưới ở các tỉnh còn thiếu.
Hiện, dự án đã và đang triển khai phần mềm Quản lý bệnh nhân và trang
web của dự án và thực hiện báo cáo, cập nhật thông tin qua phần mềm Giám
sát hoạt động của dự án. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền
thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hai loại bệnh trên nhằm
kiểm soát và phòng ngừa bệnh hiệu quả./.
Trọng Lê