Theo thống kê của ngành ung thư và Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng
150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do
ung thư.
Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho
thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó
ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu.
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại hội
thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả” do
Bộ Y tế tổ chức ngày 12/4 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ
những thông tin và kinh nghiệm trong tiếp cận điều trị ung thư góp phần
làm cơ sở xây dựng các giải pháp giúp bệnh nhân bị ung thư có thể tiếp
cận với các dịch vụ chăm, sóc điều trị một cách hiệu quả, chất lượng với
chi phí thấp nhất, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và khả năng
chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Ung thư đang trở thành một trong những
nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu cũng như tại châu Á và
Việt Nam.
Hiện nay ở Việt Nam, 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới là phổi, dạ
dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt và
ung thư bàng quang. 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú,
đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng,
hạch và ung thư máu.
Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung,
gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP
của Việt Nam năm 2012...
Trước tình hình trên, Chiến lược quốc gia phòng chống ung thư 2011-2015
đã tiến hành sàng lọc, phát hiện sớm bệnh cho 532.000 người đối với các
loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, ung thư khoang
miệng. Kết quả khám lâm sàng tuyến vú có bất thường là trên 20%, tỷ lệ
phát hiện ung thư vú là 63,7/100.000 phụ nữ. Kết quả xét nghiệm tế bào
học có tỷ lệ bất thường chiếm 53-75%, tỷ lệ ung thư cổ tử cung phát hiện
qua khám sàng lọc là 22,6/100.000 phụ nữ.
Tỷ lệ phát hiện các tổn thương bất thường ở khoang miệng (chủ yếu là
viêm nhiễm) chiếm 10-13% và tỷ lệ phát hiện ung thư khoang miệng qua
khám sàng lọc là 15/100.000 dân...
Đồng thời, mạng lưới chẩn đoán, điều trị được phát triển ở cả ba miền
Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, hoạt động phát triển kỹ thuật cao mới chỉ
tập trung tại bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều kỹ thuật cao vẫn chưa
được thực hiện tại Việt Nam. Việc kê đơn, quản lý thuốc giảm đau còn
nhiều bất cập, đặc biệt tại tuyến cơ sở; chưa triển khai được chăm sóc
tại nhà; điều trị thể chất là chủ yếu, thiếu hỗ trợ tâm lý, xã hội.
Đại diện Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo đánh giá
ảnh hưởng của bệnh ung thư lên tình hình kinh tế và tài chính trong 12
tháng của hộ gia đình bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cho thấy có 24%
bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống nhưng gặp khó khăn về kinh tế,
tài chính; 45% bệnh nhân còn sống không có khó khăn về tài chính, kinh
tế. Theo đó, một số yếu tố liên quan đến khó khăn về tài chính gồm: Bệnh
nhân bị ung thư sống trong hộ gia đình có thu nhập thấp; trình độ học
vấn thấp, không có bảo hiểm...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như:
Chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam, chi trả bảo hiểm y tế đối với
bệnh nhân ung thư, xu hướng điều trị ung thư hiện nay...
Theo thống kê, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc
hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này;
trong đó có tới 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình./.
(TTXVN)