Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 10/12/2008 21:46'(GMT+7)

Mỗi ngày có hơn 2.000 trẻ em tử vong do thương tích

Trẻ em nghèo thường chịu nguy cơ thương tích lớn hơn

Trẻ em nghèo thường chịu nguy cơ thương tích lớn hơn

 Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức lễ công bố báo cáo toàn cầu về phòng chống  thương tích trẻ em. Tới dự lễ công bố này, có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, ông Ala Din Alwan, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO và nhiều quan chức khác.
 
Theo báo cáo của WHO và UNICEF, hiện nay mỗi ngày có hơn 2.000 trẻ em tử vong do thương tích không chủ ý và mỗi năm có thêm hàng chục triệu trẻ em trên toàn cầu phải đưa tới bệnh viện do thương tích và thường hậu quả gây ra cho các em là thương tật lâu dài.

Thương tích trẻ em là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y tế công cộng và phát triển. Bên cạnh 73.000 ca tử vong mỗi năm, hàng triệu trẻ em phải gánh chịu các thương tích không gây chết người nhưng lại phải nằm viện và phục hồi chấn thương dài. Vì vậy, thương tích được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em sau 9 tuổi và 95% các thương tích trẻ em này xảy ra ở các nước đang phát triển.

TS.Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO cho biết, chi phí cho việc điều trị về tai nạn thương tích ở trẻ em có thể khiến các gia đình lâm vào cảnh đói nghèo. Trẻ em tại các gia đình và cộng đồng nghèo thường chịu nguy cơ thương tích lớn hơn vì các em ít được hưởng lợi từ các chương trình phòng chống và các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Tại Lễ công bố, các chuyên gia còn cho biết, các quốc gia có thu nhập cao đã giảm được 50% số ca tử vong do thương tích ở trẻ em trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề đối với họ, vì thương tích không chủ ý vẫn chiếm 40% trong tổng số các ca tử vong tại các nước này. Những nguyên nhân dẫn tới thưong tích ở trẻ em là tai nạn giao thông đường bộ (giết chết 26.000 trẻ em mỗi năm và làm bị thương 10 triệu em khác), đuối nước (giết chết hơn 175.000 trẻ em mỗi năm), bỏng (bỏng do lửa giết chết gần 96.000 trẻ em mỗi năm), ngã (gần 47.000 trẻ em tử vong mỗi năm) và ngộ độc (45.00 trẻ em tử vong mỗi năm). 

Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, tử vong trẻ em do TNTT chiếm khoảng 20,5 tổng số tử vong do tai nạn thương tích trên toàn quốc, trong đó độ tuổi từ 0-4 tuổi và 15-19 tuổi chiếm cao nhất. Đặc biệt, trẻ em Việt Nam tử vong do tai nạn thương tích có nguyên nhân từ đuối nước lại chiếm cao nhất.

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra các biện pháp phòng chống đã qua kiểm chứng để hạn chế những tai nạn thương tích ở trẻ em, như: đội mũ bảo hiểm và đeo dây an toàn phù hợp với trẻ em, quy định độ nóng của nước máy, xả hết nước không dùng đến ở bồn tắm và thùng chứa nước; thiết kế lại các đồ đạc, đồ chơi, thiết bị dành cho trẻ nhỏ và đẩy mạnh các dịch vụ phục hồi chức năng và cấp cứu.

PV

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất