Chủ Nhật, 22/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 7/8/2012 22:43'(GMT+7)

Môi trường Việt Nam: Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở Đồng Nai

Theo kết quả điều tra của tỉnh Đồng Nai, hiện diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn khoảng 181.000 ha; bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Những cánh rừng này có vai trò rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, sa mạc hoá và hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, song diện tích và trữ lượng rừng trên địa bàn Đồng Nai đã giảm đáng kể. Diện tích rừng ngập mặn chủ yếu tập trung ở huyện Long Thành và Nhơn Trạch, nhưng nhiệt độ có xu hướng tăng cao khiến rừng ngập mặn bị tác động. Do nồng độ CO2 tăng cao nên các rặng san hô ven bờ bị suy thoái, ảnh hưởng đến rừng ngập mặn vì thiếu hàng rào chắn sóng từ những rặng san hô này. Các chuyên gia chỉ ra rằng, thuỷ triều và lượng trầm tích là hai chỉ thị quan trọng nhất về khả năng thích ứng của rừng ngập mặn đối với việc nước biển dâng. Riêng khu vực triều quang rừng ngập mặn Long Thành và Nhơn Trạch được đánh giá có mật độ trầm tích cao, vì thế khả năng thích ứng của khu vực này sẽ tốt hơn những khu vực khác.

Đối với rừng đầu nguồn tại các huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu, xu hướng lượng mưa tăng giảm bất thường trong những năm gần đây đã gây ra nguy cơ làm thay đổi cấu trúc và hệ sinh thái rừng. Một số loài do không thích nghi được nên đã giảm cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến giảm sút các chuỗi thức ăn và gây mất cân bằng hệ sinh thái. Ngược lại, một số loài do phát triển quá mức, đặc biệt là các loài sâu bệnh đã gây tổn hại cho hệ thực vật rừng. Ngoài ra, những vùng có lượng mưa cao sẽ làm tăng xói mòn đất, lũ lụt, sụt lở đất; còn hạn hán làm tăng nguy cơ cháy rừng. Theo nghiên cứu, hiện nay mưa acid tại khu vực Đông Nam Bộ xuất hiện với tần suất từ 24% - 100%. Tại Đồng Nai, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 33.000 ha, nhưng chất lượng nguồn nước mặt bị ảnh hưởng do mưa acid đã gây tổn hại đến ngành thuỷ sản.

Diện tích đất trồng lúa của Đồng Nai đạt khoảng 73.000 ha và 18.000 ha trồng cây có củ. Qua đánh giá cho thấy những nguy cơ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp như thời tiết bất thường, dẫn đến sinh trưởng của cây lúa bị đảo lộn, sức đề kháng giảm và dịch bệnh nhiều hơn dẫn đến năng suất giảm. Cụ thể các đợt hạn hán năm 2010 đã làm cho năng suất lúa và ngô ở các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất giảm do tình trạng thiếu nước. Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản. Những cơn mưa trái mùa xuất hiện làm xáo trộn mọi hoạt động của thuỷ sản. Độ pH trong đất thay đổi nhanh chóng do những cơn mưa này mang theo acid, làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của tảo, dẫn đến thuỷ sản bị sốc và nguồn thức ăn bị giảm. Theo đánh giá của tỉnh, biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Để hạn chế thấp nhất những tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái cũng nhưng trong sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý; áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo tồn và phát triển đối với hệ sinh thái; tăng cường truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học; kêu gọi các nguồn đầu tư từ nhân dân, doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…/.


Sỹ Tuyên - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất