Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 22/6/2012 18:44'(GMT+7)

Moody's hạ bậc tín nhiệm 15 ngân hàng lớn nhất thế giới - Chứng khoán Mỹ đồng loạt sụt giảm mạnh

Trong số các ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm lần này Mỹ đóng góp 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Xếp hạng nợ dài hạn của Bank of America bị giảm 1 bậc, trong khi bốn ngân hàng khác là Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley bị hạ 2 bậc. Ngân hàng Hoàng gia Canađa và 9 ngân hàng châu Âu khác bao gồm Barclays Bank, Deutsche Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, UBS, Agricole, HSBC Holdings, Royal Bank of Scotland và Societe Generale cũng bị hạ bậc. Riêng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, bị hạ tới 3 bậc từ Aa1 xuống còn A1.

Thông cáo của Giám đốc quản lý ngân hàng toàn cầu của Moody Grếch Bauơ (Greg Bauer) nhận định triển vọng về lợi nhuận và tăng trưởng trong dài hạn của các định chế tài chính này đang suy giảm. Ông Bauơ nhấn mạnh Moody’s cũng đặc biệt quan tâm đến nhiều hoạt động liên quan đến thị trường vốn của các ngân hàng trong bối cảnh các thị trường này ngày càng biến động. Việc bị hạ xếp hạng đồng nghĩa với các khoản nợ mà ngân hàng bán ra tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, và do đó các định chế tài chính này sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn bởi nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lãi suất cao đối với các khoản nợ bị coi là rủi ro hơn.

Đợt hạ xếp hạng tín nhiệm này nằm trong chương trình đánh giá hoạt động của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu của Moody’s. Trước đó, trong hai tháng vừa qua, tổ chức này cũng đã hạ bậc tín nhiệm của 16 ngân hàng Tây Ban Nha, và 10 ngân hàng lớn của Đức và Ôxtrâylia. Những quyết định này cũng cho thấy quan ngại của Moody's về khả năng thanh toán nợ của các ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng.
Việc Moody's công bố hạ bậc tín nhiệm được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang diễn biến ngày càng phức tạp, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại cùng với những biến động mạnh trên các thị trường tài chính thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/6, hàng loạt chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đồng loạt giảm sau những báo cáo về tình trạng sụt giảm mạnh trong chỉ số sản xuất của Mỹ và Trung Quốc cùng thông tin Moody's hạ bậc tín nhiệm của các ngân hàng lớn. Cụ thể, chỉ số Dow Jones đã giảm 250,82 điểm, tương đương 2%, xuống còn 12.573,57 điểm, và là phiên sụt giảm thứ hai lớn nhất kể từ đầu năm tới nay. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) "bốc hơi" 30,18 điểm, tương đương 2,2%, đóng cửa ở mức 1.325,51 điểm. Đây là phiên sụt giảm mạnh nhất 3 tuần của S&P 500 khi cả 10 nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu và năng lượng trượt giá mạnh nhất. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite "tuột" 71,36 điểm, tương đương 2,4%, và chốt phiên ở mức 2.859,09 điểm.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 20/6 chứng khoán Mỹ cũng giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay xuống còn khoảng 1,9%-2,4%, đồng thời tuyên bố mở rộng gói hoán đổi trái phiếu thêm 267 tỷ USD cho đến cuối năm 2012, nhằm giảm thấp tỷ lệ thất nghiệp và duy trì đà tăng trưởng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất