Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 21/2/2009 20:38'(GMT+7)

Báo cáo sơ kết hai năm (2007-2008) thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Ngày 07-11-2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về việc tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân. Mục đích của Cuộc vận động là : "Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Đảng, trong xã hội về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh…, nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng".

Trong hơn 2 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm được nhiều việc để triển khai Cuộc vận động, làm cho Cuộc vận động từng bước trở thành sinh hoạt chính trị rộng lớn trong Đảng và trong hệ thống chính trị, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động nhằm đánh giá những mặt đã làm được, những hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm để khẳng định quyết tâm và định hướng cho những năm tới, trước hết là những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội X.

I. Bối cảnh và nhiệm vụ triển khai Cuộc vận động

1.1. Bối cảnh triển khai Cuộc vận động

- Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát động và tiến hành trong bối cảnh đất nước đã thu được "những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử" sau hơn 20 năm đổi mới; đồng thời cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức; thuận lợi và khó khăn đan xen nhau, cụ thể là :

- Từ sau Đại hội X của Đảng, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ; hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa một số nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Từ cuối năm 2007, nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, lan rộng ra nhiều nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới.

- Ở trong nước, sau hai năm 2006, 2007 phát triển thuận lợi, cuối năm 2007 và năm 2008, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mất cân đối, đầu năm lạm phát tăng cao, cuối năm suy giảm kinh tế. Thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá và can thiệp vào công việc nội bộ, kích động bạo loạn, lật đổ và đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến" trong nội bộ ta.

Tất cả những điều đó có tác động lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra cho các năm 2007, 2008 và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

- Liên quan trực tiếp đến Cuộc vận động, những thuận lợi và khó khăn cũng đan xen nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và vô cùng kính yêu của dân tộc ta, được toàn thể các thế hệ người Việt Nam tôn kính, ngưỡng mộ nên cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài. Trước những bức xúc về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội gia tăng, dư luận xã hội coi đây là việc làm có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Đó là cơ sở quan trọng cho phép phát huy sức mạnh tổng hợp và lực lượng to lớn trong toàn Đảng, toàn dân để tiến hành có hiệu quả Cuộc vận động.

Mặt khác, trong bối cảnh cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng phát triển; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, Cuộc vận động cũng chịu tác động và thách thức không nhỏ từ những mặt trái của cơ chế và quá trình trên. Sự phân hóa và sự khác biệt nhất định về lợi ích trong quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và động cơ tham gia Cuộc vận động, giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức, giữa nói và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quá trình hội nhập kinh tế và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, bên cạnh những mặt thuận, còn có những mặt không thuận, đặc biệt là sự thâm nhập, tác động của các luồng tư tưởng, văn hóa, lối sống độc hại, không phù hợp với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, nhất là trong giới trẻ.

1.2. Những nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho năm 2007 và 2008

Theo Kế hoạch 03-KH/BTGTW ngày 14-5-2007 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đến năm 2011, nhiệm vụ của các năm 2007 và 2008 được xác định như sau :

- Năm 2007 có “nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao nhận thức về đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức động viên toàn Đảng, toàn xã hội tích cực tham gia Cuộc vận động”.

- Năm 2008 là “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện Cuộc vận động, từng bước đưa nội dung Cuộc vận động đi vào chiều sâu. Đồng thời với việc thực hiện các tiêu chí đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nhấn mạnh học tập gương Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Ngày 22-10-2007, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Cuộc vận động trong năm 2008, gồm 9 nhóm nhiệm vụ lớn cần thực hiện.

Báo cáo sơ kết tổng hợp kết quả đạt được của các ngành, địa phương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên.

II. Đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém

2.1. Đánh giá kết quả các hoạt động chủ yếu

2.1.1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Cuộc vận động

- Việc thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.

Để triển khai Cuộc vận động, cấp ủy các cấp đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. Ở Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương làm Trưởng Ban. Tham gia Ban Chỉ đạo có Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo Hướng dẫn của Trung ương, các cấp, các ngành, đoàn thể đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban; thành lập các cơ quan giúp việc, tổ thư ký; xây dựng quy chế hoạt động... Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo các cấp đã từng bước được hoàn thiện, hoạt động đi vào nền nếp.

Việc quy định thành lập Ban Chỉ đạo các cấp do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban thể hiện tầm quan trọng và yêu cầu chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của cấp ủy đảng trong tiến hành cuộc vận động. Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp đã có tác động tích cực đến tình hình triển khai Cuộc vận động.

Tuy nhiên lúc đầu, nhận thức chung, từ Trung ương đến địa phương về Cuộc vận động còn chưa thực sự đầy đủ và sâu sắc; đặt vấn đề còn đơn giản, thiếu toàn diện. Sự hướng dẫn triển khai của Ban Chỉ đạo Trung ương còn thiếu cụ thể. Thành phần Ban Chỉ đạo các cấp còn chưa thống nhất. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, nói chung chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa đồng đều. Việc tham gia của các cơ quan, nhất là của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, còn ít. Một số đồng chí là thành viên của Ban Chỉ đạo, cả Trung ương và địa phương, chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa dành thời gian cho công việc này. Một số nơi, nói là hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhưng chủ yếu là hoạt động của Ban Tuyên giáo.

Việc chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong triển khai Cuộc vận động với một số đối tượng, như công nhân khu công nghiệp, trong các doanh nghiệp tư nhân… còn chậm và có nhiều lúng túng; các hướng dẫn về kinh phí dành cho cuộc vận động còn chậm, gây khó khăn cho ngành, địa phương. Những yếu kém nêu trên có ảnh hưởng đến kết quả chung của Cuộc vận động.

Qua kiểm tra cho thấy, lãnh đạo các địa phương quan tâm và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời hơn so với các cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.

- Về chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động

Để đúc kết các mô hình tốt, kinh nghiệm hay, triển khai rộng rãi trong toàn quốc, tháng 10-2007, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết định chọn 24 đơn vị, đại diện cho các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành, tổng công ty nhà nước để chỉ đạo điểm. Ban Chỉ đạo Trung ương đã phân công các đồng chí ủy viên trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trên triển khai trước một bước các nội dung Cuộc vận động để rút kinh nghiệm. Thực hiện sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, các ngành, địa phương cũng chọn một số đơn vị trực thuộc để chỉ đạo điểm. Tiến hành chỉ đạo làm điểm là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhất là với cuộc vận động lớn xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong xã hội theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong hai năm qua, đa số các đơn vị được chọn chỉ đạo điểm đã tích cực triển khai, kịp thời rút kinh nghiệm phục vụ trực tiếp cho ngành, địa phương và giúp Trung ương triển khai trong toàn quốc. Thành phố Hồ Chí Minh từ kết quả chỉ đạo điểm ở Quận 3 và Quận Gò Vấp đã mở rộng phạm vi, đối tượng chỉ đạo điểm để rút thêm kinh nghiệm cho triển khai đại trà...

Hạn chế, khuyết điểm chính, ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng chỉ đạo điểm là việc xác định chưa thật rõ ngay từ đầu nội dung, hình thức, thời gian, các bước đi…, gây khó khăn, lúng túng cho ngành, địa phương được chọn. Một số đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo các cấp được giao chỉ đạo điểm chưa chủ động, tích cực giúp ngành, địa phương, cơ quan sớm triển khai và rút kinh nghiệm, góp phần vào Cuộc vận động chung. Một số ngành, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đến chỉ đạo điểm thuộc ngành, địa phương, đơn vị mình.

- Công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo các cấp

Cuối năm 2007, Ban Chỉ đạo Trung ương đã triển khai đợt kiểm tra tại các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phụ trách chỉ đạo điểm cũng có những đợt trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được phân công. Một số đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo, mặc dù bận rất nhiều việc vẫn chủ động bố trí, dành thời gian xuống tận cơ sở kiểm tra, đôn đốc và giúp cơ sở triển khai Cuộc vận động có hiệu quả. Năm 2008, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 04 hội nghị giao ban kết hợp kiểm tra các ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo các cấp cũng tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị trực thuộc ở địa phương, cơ sở.

Việc quan tâm đến công tác kiểm tra và được tiến hành thường xuyên, sâu sát đã góp phần thúc đẩy triển khai Cuộc vận động đúng tiến độ và có chất lượng. Hình thức kiểm tra cũng đã từng bước được đổi mới, như tổ chức các hội nghị giao ban, kết hợp với kiểm tra cuối năm 2008 được đánh giá là thiết thực, hiệu quả cần được tiếp tục cải tiến, nhân rộng.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác kiểm tra triển khai Cuộc vận động ở các cấp còn bị động, thiếu kế hoạch tổng thể; nội dung, hình thức kiểm tra chưa thực sự sát hợp. Nhiều đợt kiểm tra không phù hợp về thời gian và điều kiện của địa phương, ngành; còn trùng chéo. Hình thức kiểm tra còn nặng về nghe báo cáo, thiếu cụ thể, chưa trực tiếp nghe được nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, người dân ở cơ sở.

- Về việc tổ chức sơ kết, tổng kết

Trong hai năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quan tâm đến việc tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm, tổng kết chỉ đạo điểm nhằm rút ra những kinh nghiệm trong triển khai. Tháng 7-2007, sau khi phát động Cuộc vận động được 5 tháng, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc (tại Thành phố Hồ Chí Minh) để bàn các biện pháp triển khai Cuộc vận động. Hội nghị toàn quốc sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động (01-2008); Hội nghị sơ kết 01 năm công tác chỉ đạo điểm (7-2008) đã được tổ chức có kết quả. Tại các hội nghị sơ kết, ngoài việc thảo luận các báo cáo, nhiều tham luận của ngành, địa phương đã nêu lên được các kinh nghiệm, các điển hình thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau các hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổng hợp các nội dung, kinh nghiệm từ các ngành, địa phương để phổ biến và chỉ đạo thực hiện trong toàn quốc.

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chủ động, sáng tạo tiến hành sơ kết, tổng kết phù hợp với điều kiện của mình. Kết quả của hoạt động sơ kết, tổng kết đã góp phần làm ngày càng rõ hơn những công việc cần thiết phải làm để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động.

Trong hoạt động sơ kết, tổng kết, sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương còn chậm và có một số nội dung chưa thực sự cụ thể. Một số nơi chưa chú trọng phát hiện các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; còn tiến hành chậm, làm qua loa, đại khái. Báo cáo tổng kết còn chung chung, không cụ thể, không có tác dụng thiết thực, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.

2.1.2. Về tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

- Trong năm 2007, toàn Đảng và hệ thống chính trị đã tổ chức học tập chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc” của Người. Trong năm 2008 học tập “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc”.

- Việc tổ chức học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chủ đề đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn tài liệu, phát hành đến các chi bộ, đơn vị cơ sở và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng báo cáo viên giới thiệu các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác.

Các địa phương, ban, ngành đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức học tập, thảo luận, liên hệ thực tiễn về những nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Nhiều ngành, địa phương, như Hà Tây, Thái Nguyên, Ủy ban Kiểm tra…, đã biên soạn và phát hành các tài liệu về Bác Hồ với ngành, địa phương. Sau một thời gian triển khai, nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị… đã xuất bản các cuốn sách về các gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác... phục vụ cho công tác tuyên truyền. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam và nhiều nhà xuất bản đã phát hành các tài liệu, sách, đĩa hình… phục vụ cho Cuộc vận động. Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ cho báo cáo viên, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả tuyên truyền.

- Việc học tập được tổ chức theo tổ chức đảng cơ sở, kết hợp chặt chẽ giữa nghe giới thiệu các chủ đề về nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tổ chức thảo luận, đánh giá tình hình đạo đức, lối sống của cơ quan, đơn vị, cá nhân viết thu hoạch, liên hệ, đề ra các chỉ tiêu phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Bác... đã có tác dụng thiết thực hơn đối với mỗi người, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên trong việc nâng cao nhận thức và tự giác làm theo. Nhiều tỉnh, thành phố đã có trên 90% cán bộ, đảng viên, công chức tham gia học tập, thảo luận; lãnh đạo chủ chốt cơ quan, đơn vị tham gia học tập cùng cán bộ, đảng viên, nhân viên.

Kết quả tổ chức học tập tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chủ đề đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức về Cuộc vận động và về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là cơ sở quan trọng và cần thiết để mỗi người tiếp tục tự giác học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

- Trong việc tổ chức học tập các chủ đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các cấp, các ngành còn có hạn chế, khuyết điểm. Ở một số nơi, nhất là khối doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cả trung ương và địa phương, việc tổ chức học tập chưa được chỉ đạo và thực hiện tốt, còn tình trạng làm qua loa, đại khái; cán bộ, đảng viên, công chức tham gia học tập không đầy đủ; lãnh đạo chủ chốt ít dự cùng cán bộ, đảng viên; thời gian học không đảm bảo theo quy định; chất lượng báo cáo viên chưa tốt, cá biệt còn nói sai nội dung, định hướng tuyên truyền; thảo luận còn chiếu lệ, chưa tập trung vào những nội dung chính, né tránh nói về tổ chức và lãnh đạo cơ quan mình. Việc xây dựng chương trình hành động của từng cơ quan, đơn vị nói chung còn chậm hoặc chung chung, khó thực hiện, kiểm tra. Bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị còn sơ sài, đối phó, có hiện tượng sao chép của nhau...

2.1.3. Về việc cụ thể hóa, xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị

- Để giúp mỗi người chủ động, tự giác làm theo Bác trong công tác và sinh hoạt hàng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ trương và sớm hướng dẫn các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành những chuẩn mực đạo đức phù hợp với điều kiện của mình. (Hướng dẫn 09-HD-BTGTW ngày 14-5-2007). Nhiều ngành, địa phương đã xây dựng được các chuẩn mực đạo đức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với thực tiễn công tác của cơ quan, đơn vị, gắn với quy chế thực hành. Có nơi quy định khá cụ thể cho từng nhóm đối tượng, như cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, hưu trí… Một số cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức báo cáo kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong chào cờ sáng thứ hai hàng tuần; in, kẻ, treo các khẩu hiệu tuyên truyền, các quy tắc thực hành đạo đức ở cơ quan để nhắc nhở việc thực hiện và để nhân dân giám sát... Đảng ủy xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ban hành quy định về "Tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức của Đảng bộ" ngoài phần chung (gồm 5 điểm), được cụ thể hóa thêm 4 nhóm là : Cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã và trong các đơn vị kinh tế; cán bộ, đảng viên các chi bộ trường học; cán bộ, đảng viên trực tiếp sản xuất nông nghiệp; cán bộ, đảng viên hưởng chế độ hưu trí, mất sức…

Xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể, phù hợp là công việc quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức vận dụng và thực hiện. Nhiều nơi đã thực hiện tốt, có tác dụng tích cực và hiệu quả thực tế, giúp đưa Cuộc vận động trở thành nội dung hoạt động hàng ngày của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này, chưa quan tâm đúng mức, hoặc do lúng túng, cầu toàn nên tiến hành còn chậm. Không ít cơ quan, đơn vị chưa quan tâm và đầu tư đúng mức; có nơi còn trông chờ cấp trên "làm thay". Một số nơi xây dựng chuẩn mực đạo đức quá dài, khó nhớ, khó thực hiện và kiểm tra. Có nơi đã xây dựng được các chuẩn mực đạo đức tương đối tốt, cụ thể, phù hợp, nhưng chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, chưa đưa vào nội dung sinh hoạt hằng tháng của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị... nên chưa phát huy được hiệu quả thiết thực.

2.1.4. Về việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân với tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức

- Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị đã xác định yêu cầu lấy ý kiến nhân dân góp ý cho tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Đây là một quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng và ban hành mẫu phiếu xin ý kiến, hướng dẫn cách thức lấy ý kiến quần chúng nhân dân nơi công tác và nơi cư trú.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, nhiều ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo, bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp với đặc điểm của cơ sở. Nhiều nơi, như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu… nhân dân gói ý rất thẳng thắn, chân thành cho cán bộ, đảng viên, công chức. Kết quả xin ý kiến nhân dân ở nhiều địa phương đã có tác dụng tích cực đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trên cơ sở kinh nghiệm thu được, năm 2008 Ban Chỉ đạo Trung ương đã yêu cầu các ngành, địa phương tự xác định nội dung xin ý kiến nhân dân góp ý với cán bộ, đảng viên đang công tác, gắn với thực hiện Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về đảng viên giữ mối liên hệ với cấp ủy cơ sở nơi cư trú (sinh hoạt hai chiều).

- Lúc đầu sự hướng dẫn và mẫu phiếu của Ban Chỉ đạo Trung ương chưa cụ thể, chưa sát hợp với thực tiễn của các ngành, địa phương, cơ sở. Nội dung xin ý kiến còn nặng nề, thiếu toàn diện. Trong thực hiện, một số ngành, địa phương chưa xác định đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xin ý kiến nhân dân, có nơi còn e ngại, do dự, chậm triển khai. Có nơi chưa làm... Ý kiến nhận xét của một số cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận cơ sở nơi cán bộ, đảng viên cư trú và góp ý của quần chúng nơi công tác còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa có tác dụng tích cực đối với cán bộ, đảng viên, công chức. Khi Trung ương giao nhiệm vụ tự xác định nội dung xin ý kiến nhân dân, có nơi còn lúng túng, bị động, thực hiện chậm và kém hiệu quả.

2.1.5. Về tổ chức Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

- Nhằm tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và huy động sự tham gia của đông đảo của các tầng lớp nhân dân tuyên truyền về Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ cơ sở trở lên. Bắt đầu từ giữa năm 2007 tất cả các ngành, các địa phương đều đồng loạt triển khai Hội thi cấp cơ sở. Một số ngành, địa phương, đoàn thể, như Hội Nhà báo Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… đã tổ chức Hội thi cho các đối tượng khác nhau. Trong năm 2008, Hội thi cấp huyện, tỉnh thành phố đã được tổ chức ở tất cả các ngành, địa phương phục vụ cho công tác tuyên truyền ở ngành, địa phương và chọn người dự thi chung khảo toàn quốc. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 05 hội thi chung khảo khu vực (có 01 hội thi dành cho người Việt Nam ở nước ngoài với 30 thí sinh tham gia, trong đó có 16 Việt kiều). Hội thi chung khảo toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội ngày 17,18-10-2008 với 15 thí sinh được chọn lọc từ các hội thi khu vực, có tác dụng tuyên truyền tốt.[1] Các hội thi đã thu hút được hàng triệu quần chúng nhân dân trực tiếp tham dự, cổ vũ, động viên. Đây thực sự là một sinh hoạt chính trị rộng lớn, là hình thức tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động; tạo sự lan tỏa trong nhiều ngành, địa phương.[2]

Sau hội thi, nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Thuận…, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam… đã phát huy hiệu quả hội thi, tổ chức để các thí sinh đoạt giải cao đến kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… Thanh Hóa đã tổ chức để các thí sinh đoạt giải cao đến kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác cho các phạm nhân của một số trại giam trên địa bàn, gây xúc động lớn cho người nghe. Một số cơ quan duy trì đọc các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác trong chào cờ, sinh hoạt đầu tuần…

Tuy nhiên, trong khí thế chung đó, vẫn còn một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm; sự chỉ đạo chưa đúng tầm. Lúc đầu, việc xác định nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian tiến hành hội thi của cơ quan thường trực Trung ương chưa thực rõ, nên đã phải điều chỉnh nhiều lần. Ở một số hội thi có biểu hiện phô trương, hình thức, nặng về biểu diễn, "sân khấu hóa"… gây tốn kém. Ngược lại, có nơi làm qua loa, đại khái, chưa đảm bảo chất lượng người thi và bài dự thi. Trong một số hội thi ở các cấp trên cơ sở đã có biểu hiện “ăn thua”, chạy theo thành tích, có ảnh hưởng nhất định đến kết quả chung.

2.1.6. Công tác tuyên truyền Cuộc vận động

Bằng các hình thức phong phú, đa dạng, Ban Chỉ đạo các cấp đã thường xuyên quan tâm và đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động. Lễ phát động ở Trung ương trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng (03-02-2007) đã có sự hưởng ứng tích cực, truyền hình trực tiếp tại các địa phương, tạo khí thế chung, ban đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương đã phát động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về Cuộc vận động và về những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Một số cơ quan báo chí lớn ở Trung ương, như báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các báo của các ngành, đoàn thể chính trị… đã thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ : tổ chức Cuộc vận động trong phạm vi của cơ quan, đơn vị mình và tuyên truyền về Cuộc vận động, xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục...

Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về những tập thể, cá nhân điển hình học tập, làm theo đã được đông đảo văn nghệ sỹ, nhà báo hưởng ứng. Các hội văn học, nghệ thuật, như Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam... đã có nhiều tác phẩm mới sáng tác về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Hội Nhà báo Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, động viên và tạo điều kiện để hội viên sáng tác. Hàng ngàn tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật mới được sáng tác phục vụ tuyên truyền cho Cuộc vận động.

Hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động đã tạo nên sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, ở trong nước và nước ngoài về Cuộc vận động, góp phần tạo nên sự thống nhất nhận thức chung về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động; về sự cao quý, vĩ đại và gần gũi của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.[3]

Việc tuyên truyền về Cuộc vận động còn có một số hạn chế, khuyết điểm. Nội dung tuyên truyền còn ít nói về các hoạt động làm theo, về những gương điển hình trong nhân dân làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ban Chỉ đạo các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để các cơ quan báo, đài tuyên truyền về Cuộc vận động. Nguyện vọng của nhân dân muốn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có nhiều bài nói, bài viết về Cuộc vận động, về sự tham gia của bản thân… chưa được đáp ứng. Một số cơ quan báo chí chưa chủ động và thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Các cơ quan bộ, ngành Trung ương chưa quan tâm đến trách nhiệm tuyên truyền về Cuộc vận động. Trên các phương tiện giao thông công cộng, các công sở… còn ít các khẩu hiệu tuyên truyền về Cuộc vận động. Sự tham gia của các văn nghệ sỹ, nhà báo sáng tác các tác phẩm về đề tài Cuộc vận động chưa tương xứng với tiềm năng; chưa có nhiều tác phẩm hay, có tác động lay động và lan tỏa trong xã hội.

2.1.7. Về đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình giáo dục trong nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường chính trị

Đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình giáo dục trong nhà trường là một giải pháp cơ bản, lâu dài để xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Trong hai năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức rà soát các chương trình giáo dục chính khóa, đặc biệt là các môn khoa học xã hội và nhân văn, chính trị, giáo dục công dân trong nhà trường, các hoạt động ngoại khóa ngoài trời… để xây dựng phương án bổ sung hoặc tích hợp các nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo một số tỉnh, thành phố thí điểm các phương án nêu ra. Nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo làm thí điểm (như Hà Nội, Ninh Bình…) và đạt kết quả tốt. Những việc làm trên tạo cơ sở cho việc đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình học tập của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hạn chế, khuyết điểm chủ yếu là việc triển khai còn có nhiều lúng túng và chậm, nhất là đối với các trường đại học, cao đẳng, trường chính trị, những nơi trong chương trình chính khóa đã có môn học tư tưởng Hồ Chí Minh với thời gian học khá dài. Chưa có sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong thực hiện thí điểm đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình của các trường chính trị tỉnh, thành phố và các Học viện. Việc xử lý những quy định về thời gian giờ giảng với nội dung dạy và học chưa thống nhất, nhiều ý kiến còn thiên về việc đưa nội dung tư trưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào các hoạt động ngoại khóa.

2.2. Đánh giá chung

2.2.1. Kết quả

Đã tạo được những chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" [4]

- Các cấp ủy đã nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết triển khai Cuộc vận động, coi đây là Cuộc vận động lớn, thông qua đó để xây dựng Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội. Trong Đảng và trong xã hội đã hình thành nhận thức chung, thống nhất về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn hiện nay, coi đó trước hết là trách nhiệm của tổ chức đảng.

- Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân coi việc phát động Cuộc vận động là đúng đắn, là sự lựa chọn "đúng" và "trúng" nhằm xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ và nền tảng đạo đức trong Đảng, trong xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ lão thành cách mạng, hưu trí, cựu chiến binh… rất quan tâm, kỳ vọng vào việc thực hiện Cuộc vận động; đã nhiệt tình tham gia trong triển khai Cuộc vận động ở cơ sở. Các chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có tác động tích cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nguyện vọng của nhân dân, thu hút được sự đồng tình ủng hộ, tự giác tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kể cả chức sắc tôn giáo, người tu hành… Đó là cơ sở đảm bảo cho việc triển khai sâu, rộng, có hiệu quả Cuộc vận động trong Đảng và trong xã hội.

- Thông qua cuộc vận động, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên được nâng lên, biểu hiện qua các hành động tự giác hàng ngày, trong các mối quan hệ với gia đình, công việc, tập thể và cộng đồng.

Cuộc vận động đã góp phần thiết thực, tạo nên sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

- Từ các báo cáo và kết quả kiểm tra cho thấy, ở tất cả các nơi, từ Trung ương đến địa phương, cuộc vận động đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đề ra cho năm 2007 và 2008. Trong phạm vi cả nước, những kết quả thu được trong các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng… đều có sự đóng góp của Cuộc vận động.

- Việc tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong những công việc hàng ngày của mỗi người đã diễn ra trên phạm vi rộng với cấp độ khác nhau. Tuy chưa đều và chưa trở thành phong trào rộng lớn, có chiều sâu, nhưng ở tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực công tác đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

- Sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đã góp phần khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Kết quả thống kê bước đầu cho thấy, các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng của cán bộ, đảng viên, công chức xảy ra trong năm 2008 giảm đi so với trước. Các cấp ủy đã quan tâm đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm (trước đây chủ yếu là do nhân dân, báo chí). Tinh thần tự giác, tự phê bình, nhận khuyết điểm, phấn đấu khắc phục các yếu kém của cán bộ, đảng viên có tiến bộ. Việc xử lý các vụ việc vi phạm được đẩy mạnh hơn.[5]

- Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một nội dung cơ bản của Cuộc vận động năm 2008, đã có chuyển biến rõ nét, ở cả Trung ương và địa phương. Ở tất cả các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đều có những kết quả cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả đó đã góp phần thiết thực vào việc khắc phục những khó khăn mới nảy sinh trong năm 2008, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.[6]

- Cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc được nhiều cơ quan quan tâm và có chuyển biến nhất định. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; ý thức trách nhiệm trong công tác của cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị được nâng cao hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quan tâm sâu sắc đến Cuộc vận động, tổ chức nhiều hoạt động phong phú để triển khai Cuộc vận động có hiệu quả thiết thực. Năm 2008, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng số tiền huy động được vào Quỹ vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 2007. Trong nhân dân, những phong trào xã hội được đẩy mạnh; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn… thể hiện đậm nét hơn. Hoạt động của chị em phụ nữ cơ sở, mỗi người mọt chút giúp nhau vượt qua khó khăn do Liên hiệp Hội Phụ Nữ Việt Nam phát động rất cụ thể, thiết thực và có ý nghĩa lớn...

Đánh giá kết quả triển khai Cuộc vận động, báo cáo tại Hội nghị Trung ương 9, khóa X nêu rõ: Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai thực hiện sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "tạo được những chuyển biến quan trọng về nhận thức, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và bước đầu làm theo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".

2.2.2. Về hạn chế, yếu kém

- Việc triển khai Cuộc vận động trong Đảng và trong hệ thống chính trị chưa đều, hiệu quả chưa cao. Nói chung, ở các địa phương việc triển khai Cuộc vận động tích cực, kịp thời, đồng bộ hơn ở Trung ương; các cơ quan đảng, đoàn thể làm tốt hơn các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Việc triển khai Cuộc vận động trong công nhân các doanh nghiệp tư nhân, khu công nghiệp còn lúng túng, khó khăn, chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ.

- Kết quả chuyển biến về nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức chưa đồng đều. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc viết thu hoạch, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, đề ra phương hướng phấn đấu của cá nhân còn mang tính hình thức. Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh việc thực hiện nguyên tắc trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau… chưa tốt.

- Kết quả "làm theo" còn chưa thực sự rõ nét, chưa tạo ra phong trào rộng lớn, tự giác làm theo Bác. Chuyển biến về hành động chưa mạnh, chưa đều, nhất là chống tham nhũng, lãng phí kết hợp với thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X. Các gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác được phát hiện còn ít. Sự chuyển biến về lượng chưa tạo nên sự biến đổi về chất, do vậy chưa đủ sức thuyết phục, tạo nên niềm tin vững chắc trong cán bộ hưu trí, trong một số tầng lớp nhân dân vào thắng lợi của Cuộc vận động. [7] So với yêu cầu đề ra trong Chỉ thị 06-CT/TW, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa X nhận định : "Kết quả đạt được của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chưa đều khắp ở các cấp, các ngành và địa phương; những chuyển biến trong việc làm theo còn nhiều hạn chế".

2.2.3. Nguyên nhân của những yếu kém

Các hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về khách quan, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng nền tảng đạo đức của Đảng và xã hội là cuộc vận động lớn nhằm phát huy tính tự giác, tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, mỗi người dân. Đây là một quá trình lâu dài, phải tiến hành thường xuyên, liên tục nhiều năm. Thực tế, tính từ khi Đảng ta phát động Cuộc vận động đến nay mới được 2 năm, thời gian triển khai chưa nhiều; các nội dung tiến hành chủ yếu mới nhằm nâng cao nhận thức trong Đảng và trong xã hội về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác. Do vậy những kết quả cụ thể, nhất là làm theo tấm gương đạo đức của Bác chưa rộng khắp là một thực tế khách quan.

Kết quả trực tiếp của việc triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng một cách khách quan từ kết quả của các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác. Những yếu kém của các lĩnh vực này có thể coi vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của việc triển khai Cuộc vận động. Những hạn chế trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sự chậm chạp và ít hiệu quả trong cải cách hành chính; sự yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, cả vĩ mô và vi mô; những thiếu sót trong công tác cán bộ, trong quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ… đã tác động không nhỏ đến niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là cán bộ hưu trí, vào Cuộc vận động, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai và hiệu quả xã hội của Cuộc vận động.

Ngoài những nguyên nhân khách quan và gián tiếp nêu trên, hạn chế, yếu kém của việc triển khai Cuộc vận động trong hai năm qua chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan, trực tiếp sau :

Một là, lúc đầu còn chưa có sự thống nhất cao về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng trong triển khai Cuộc vận động.

Khi bắt đầu triển khai Cuộc vận động, chưa tổ chức quán triệt kỹ Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị, do vậy trong nhận thức của một số cấp ủy và cán bộ, đảng viên chưa có sự thống nhất cao về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương còn lúng túng, thiếu nhất quán và đồng bộ. Một số hướng dẫn của Trung ương, như việc xin ý kiến quần chúng nhân dân nơi công tác, nơi cư trú, sơ kết, tổng kết, xây dựng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, khen thưởng, nguồn và sử dụng kinh phí… chưa phù hợp hoặc còn chậm; trong thực hiện còn thiếu thống nhất và chưa kiên quyết.

Các thành viên của hệ thống chính trị tham gia Cuộc vận động chưa đều; sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, nhất là giữa các cơ quan đảng, cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai Cuộc vận động còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương chưa làm tốt vai trò là cơ quan chiến lược, thực hiện tốt Cuộc vận động để tạo sự thống nhất và lan tỏa cho cả ngành, cả nước; chưa có các hướng dẫn theo ngành dọc về sự tham gia của tổ chức mình trên phạm vi địa phương.

Hai là, hạn chế trong hoạt động và sự chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp.

Nhiều cấp ủy, ban chỉ đạo các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Một số ủy viên Ban Chỉ đạo các cấp chưa thực sự quan tâm đến trách nhiệm tham gia lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động; chưa tích cực đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện…, thậm chí còn "khoán" cho thường trực và bộ phận giúp việc.

Ban Chỉ đạo một số ngành, địa phương còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại; hoạt động theo sự đôn đốc của Ban Chỉ đạo cấp trên. Việc chỉ đạo điểm chưa có tác dụng thiết thực, kinh nghiệm thu được còn ít và không kịp thời triển khai nhân rộng, tạo sự lan tỏa đến các đơn vị khác.

Ba là, việc cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động ở các cấp, các ngành, nói chung còn chưa thực sự sâu sắc, cụ thể.

Việc xây dựng nhiệm vụ triển khai Cuộc vận động từng năm của các ngành, địa phương còn dừng lại ở mức chung chung. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa cụ thể hóa các chương trình hành động thành kế hoạch, gắn nội dung Cuộc vận động với thực hiện các nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ chính trị của bộ, ban, ngành, đoàn thể, nhất là các vấn đề về chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị, địa phương làm chưa tốt nên chưa giúp cho cán bộ, đảng viên cụ thể hóa nhiệm vụ phấn đấu, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Việc xin ý kiến nhân dân còn hình thức, kém hiệu quả, chưa phát huy được vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chưa có những hướng dẫn cụ thể việc phát hiện, nhân rộng điển hình. Công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết chưa có kế hoạch hợp lý và cách làm có hiệu quả thiết thực.

Bốn là, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, chưa đủ độ sâu, phong phú và đa dạng.

Nhiều cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia, chưa xác định rõ nhiệm vụ của mình, dành thời gian "giờ vàng, trang nhất"… để tuyên truyền cho Cuộc vận động. Thậm chí có báo, đài còn đứng ngoài cuộc, nhưng cơ quan chủ quản vẫn bỏ qua, chưa quan tâm chỉ đạo.

Chất lượng các bài tuyên truyền trên báo, đài chưa cao; chưa quan tâm đầy đủ việc tuyên truyền có hiệu quả các tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Số lượng các báo thường xuyên có bài viết về các gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như báo Quân đội Nhân dân, báo Nhân Dân…, còn ít.

Chậm đưa nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động không kịp thời, thiếu sắc bén, kém hiệu quả.

Năm là, tính chủ động và nêu gương nói và làm, tích cực tham gia tuyên truyền về cuộc vận động của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kể cả các cơ quan Trung ương, chưa tốt.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn các đồng chí lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp, nhất là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cần hoàn thành tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cuộc vận động; thực sự nêu gương trong làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nhiều ý kiến đề xuất: các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp cần nêu gương, đi đầu làm trước để cán bộ, đảng viên và nhân dân làm theo mình. Có nhiều người cho đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm hạn chế kết quả Cuộc vận động.

2.2.4. Những kinh nghiệm bước đầu

Thực tiễn hai năm triển khai Cuộc vận động đã chỉ ra cho chúng ta những kinh nghiệm thiết thực:

Một là, sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của Cuộc vận động.

Cần củng cố, hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, các ủy viên Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt; thực hiện phương châm "trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau", cán bộ cấp càng cao càng phải gương mẫu, nêu gương, làm trước; "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"...

Hai là, kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo, giữa tổ chức nghiên cứu, quán triệt với hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện để mọi người đều tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Thường xuyên quan tâm và triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao nhận thức với thúc đẩy làm theo, đưa Cuộc vận động phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Quan tâm phát hiện các hành động tích cực, các gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để bồi dưỡng, nhân rộng.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo điểm, rút ra những kinh nghiệm bổ ích để triển khai trong toàn Đảng, toàn xã hội.

Kiên định mục tiêu lâu dài của Cuộc vận động là xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong Đảng, trong xã hội để tránh nóng vội hoặc chủ quan.

Ba là, kết hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả nội dung Cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với các cuộc vận động, phong trào khác.

Kết hợp triển khai các nội dung của Cuộc vận động theo từng năm với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng Đảng... Gắn kết nội dung Cuộc vận động với các cuộc vận động, các phong trào có liên quan, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, trước hết là để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định thực hành đạo đức cụ thể phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị. Kết hợp giữa nói và làm, giữa xây và chống.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về Cuộc vận động và đặc biệt là về các tập thể, cá nhân điển hình học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác, góp phần tạo phong trào và sự lan tỏa của Cuộc vận động trong Đảng và trong xã hội. Kiên quyết phê phán, phản bác các luận điệu xuyên tạc; đấu tranh, làm thất bại các thủ đoạn chống phá Cuộc vận động của các thế lực thù địch.

Năm là, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, quan tâm đến công tác vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia Cuộc vận động.

Tổ chức tốt việc lấy ý kiến quần chúng nhân dân góp ý cho tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, đưa hoạt động này thành nền nếp, hiệu quả. Kết hợp sự góp ý với giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Xây dựng cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở với cán bộ, đảng viên, công chức về đạo đức.

III. Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Cuộc vận động trong năm 2009 và đến năm 2011

3.1. Bối cảnh tình hình

- Năm 2009 và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội X tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường… có tác động nhiều mặt tới nước ta.

- Ở trong nước, bên cạnh mặt thuận lợi là tình hình chính trị, xã hội ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần ổn định, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, củng cố lòng tin của nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dự báo tình hình năm 2009 và vài năm tới có thể sẽ còn khó khăn hơn năm 2008.

- Trong tình hình chung đó, việc triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một biện pháp quan trọng, tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2009, tạo cơ sở hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và chuẩn bị tốt cho Đại hội XI. Đẩy mạnh Cuộc vận động trong năm 2009 là một bước quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho Cuộc vận động đến năm 2011.

- Năm 2009 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành các hoạt động động kỷ niệm 40 năm thực hiện bản "Di chúc" thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Làm tốt các hoạt động kỷ niệm, đánh giá việc thực hiện những nội dung sâu sắc, những lời dặn dò ân cần trong "Di chúc" của Người có tác dụng lớn đến triển khai có hiệu quả Cuộc vận động.

3.2. Mục tiêu, phương hướng

- Đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, trở thành nội dung quan trọng trong mọi hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở mọi cấp, mọi ngành. Chú trọng nhiệm vụ cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương... để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người tự giác làm theo.

- Đề cao sự nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ chủ trì ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị, trước hết là các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo là ủy viên các tổ chức đó, như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội…

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động đẩy mạnh Cuộc vận động, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2009 và kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác. Chú trọng các trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo triển khai Cuộc vận động ở các địa phương, cần tập trung sức, tăng cường chỉ đạo triển khai Cuộc vận động ở các cơ quan ban, ngành trung ương, cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở, doanh nghiệp nhà nước, công nhân các khu công nghiệp tập trung, doanh nghiệp tư nhân…

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành thường xuyên, liên tục, sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú để tiếp tục nâng cao nhận thức và động viên sự tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

3.3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Thực hiện tốt 9 nhóm công việc được nêu trong Kế hoạch số 06-KH/BCĐTW ngày 10-11-2008 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, tập trung chỉ đạo làm tốt một số công việc cụ thể sau:

Một là, trong tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" gắn với kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác cần tiếp tục quán triệt, triển khai các chủ đề đã học tập năm 2007 và 2008, nhất là vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh cải cách hành chính.

- Chú trọng hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên, công chức xây dựng kế hoạch cá nhân làm theo tấm gương đạo đức của Bác với các nội dung cụ thể và thiết thực. Cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, từ địa phương đến Trung ương đều phải có bản đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Bác với chi bộ nơi sinh hoạt. Nghiên cứu cơ chế công bố bản đăng ký của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trên phương tiện thông tin để mọi người biết, giúp đỡ thực hiện và kiểm tra, giám sát. Trong sinh hoạt đảng, mỗi đảng viên định kỳ báo cáo kết quả thực hiện trước chi bộ. Đây là nội dung mới, quan trọng nhằm thúc đẩy việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác.

- Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ quan báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động. Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm đến công tác tuyên truyền về kết quả triển khai, các điển hình tiên tiến trong phạm vi ngành, địa phương. Trưởng Ban và ủy viên Ban Chỉ đạo các cấp cần chủ động, gương mẫu thực hiện công tác tuyên truyền và bằng sự làm theo của mình để tuyên truyền có hiệu quả trong nhân dân.

- Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Cuộc vận động. Bám sát các hội nghị biểu dương tập thể và cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp huyện và cấp tỉnh để sáng tác các tác phẩm về các điển hình. Xây dựng các ấn phẩm thông tin, văn học, nghệ thuật về thực hiện Di chúc của Bác để tuyên truyền cho Cuộc vận động. Tổ chức tốt, có sức lan tỏa việc trao giải các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về Cuộc vận động vào dịp 19-5-2009 và 19-5-2010.

Ba là, mở rộng diện thí điểm triển khai việc giảng dạy và học tập đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường chính trị.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động này, báo cáo kết quả với Ban Chỉ đạo Trung ương; chuẩn bị triển khai đại trà từ năm học 2010 - 2011. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bốn là, tổ chức tốt Hội nghị gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo sự lan tỏa, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ticwh cực làm theo. Đây là một hoạt động quan trọng, có tác động lớn đến toàn xã hội, thực hiện từ dưới lên, cần được quan tâm chỉ đạo. Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn và chỉ đạo làm điểm trước khi triển khai trên diện rộng. Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch chu đáo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, chú trọng tuyên truyền về các hội nghị này.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo điểm. Các ủy viên Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện định kỳ ít nhất 6 tháng một lần làm việc với các đơn vị làm điểm được phân công, giúp địa phương, đơn vị triển khai sớm và rút ra các kinh nghiệm, công bố trên hệ thống thông tin đại chúng để các ngành, địa phương khác nghiên cứu, vận dụng.

Sáu là, tiếp tục tổ chức giao ban kết hợp kiểm tra định kỳ thực hiện cuộc vận động ở các ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, chú trọng các đơn vị làm điểm, các địa bàn trọng yếu. Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức giao ban và kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần, chia thành các khu vực để nâng cao hiệu quả chỉ đạo.

Bảy là, tổ chức tốt việc tổng kết năm 2009, sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động và thông qua kế hoạch năm 2010; gặp mặt, giao lưu, tọa đàm và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn quốc vào dịp 03-02-2010. Ban Chỉ đạo Trung ương sớm hướng dẫn nội dung và hình thức tiến hành sơ kết, tổng kết, khen thưởng… để các ngành, địa phương chủ động tiến hành./.

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG



[1] Theo tổng hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong toàn quốc đã có 19.097 hội thi được tổ chức, huy động được 234.858 người tham gia kể chuyện, bao gồm đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, cả những người tu hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài….

[2] Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong nước đã chọn Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kiện nổi bật số 1 trong 10 sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội năm 2008.

[3] Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết : có 90,64% ý kiến được hỏi cho rằng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là sự kiện số một trong các sự kiện được quan tâm của công tác tư tưởng, văn hóa trên địa bàn thành phố năm 2008.

[4] Kết quả điều tra với 1.450 phiếu của Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Thái Bình cho thấy: 64,46% người được hỏi ý kiến cho rằng: nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến rõ. Trong việc làm theo các ý kiến cũng cho rằng có sự chuyển biến rõ: có 64,3% trong chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 62,07 % trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; 59,84% trong chấp hành quy định của cơ quan, đơn vị địa phương; 51,86% trong trách nhiệm với tập thể, cộng đồng; 48,58% trong đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực. Kết quả điều tra dư luận của Kiên Giang cho thấy: So với trước khi tiến hành cuộc vận động, đa số cho rằng có chuyển biến tốt: 74,9% cho rằng có chuyển biến tốt về đạo đức; 62,2% trong thái độ phục vụ nhân dân; 46,8% trong gương mẫu, làm theo. Về những nội dung chuyển biến, có 72,99% cho rằng có chuyển biến tích cực về rèn luyện phẩm chất đạo đức; 67,97 % về thực hành tiết kiệm; 54,82% về chống tham nhũng, lãng phí; 72.19% trong sửa đổi phong cách, lề lối làm việc. Nhiều cuộc điều tra dư luận xã hội đã cho kết quả tương tự.

[5] Kết quả điều tra dư luận tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy : Năm 2008 có 82,1 % ý kiến cho rằng có chuyển biến sau học tập (30,5% cho rằng có chuyển biến tốt, 51,6% cho rằng chuyển biến có mức độ), so với 66,6% ý kiến của năm 2007.

[6] Riêng các đơn vị thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp nhà nước trong năm 2008 đã tiết tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng.

[7] Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương, kết quả cuộc vận động đứng thứ 7 trong tổng số 27 sự kiện được dư luận quan tâm nhất trong năm 2008.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất