(TCTG)- Đồng chí Nguyễn Thái Học, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh: Lãnh đạo Huyện chúng tôi đặt ra phương châm, trong lãnh đạo, điều hành là phải nói thẳng, nói thật và làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm.
Huyện Sông Hinh trước khi có Cuộc vận động:
Sông Hinh là huyện miền núi nằm ở phía Tây của Tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk. Do đặc điểm lịch sử cũng như diễn biến của tình hình mà Sông Hinh được Tỉnh xác định là Huyện trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Toàn huyện có trên 40.000 dân, với khoảng 50% là dân tộc kinh, còn lại là các dân tộc Êđê, Bana, Tày, Chăm H’Roi sinh sống ở 11 xã, thị trấn. Ngoài một bộ phận đồng bào dân tộc tại chỗ còn phần lớn là dân di cư từ Bắc vào, từ Nam ra và từ đồng bằng lên… Cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất Tỉnh với trên 30% hộ nghèo… Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự hoạt động của các phần tử Tinh lành phản động, Fulrô Đề Ga, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng, chính quyền và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đồng bào kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên bộc lộ nhiều tồn tại yếu kém, có địa phương tê liệt không đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống xấu xảy ra trên địa bàn; phong cách tác phong, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ từ huyện đến cơ sở chểnh mảng, tình trạng cán bộ đi muộn về sớm, cán bộ la cà ở hàng quán không chịu làm việc khá phổ biến nhưng chậm chấn chỉnh xử lý; vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng chưa cao, nhiều kỳ Đại hội Đảng cấp huyện nhân sự chủ chốt dự kiến Đại hội bầu không trúng… Tất cả những biểu hiện đó làm quần chúng nhân dân bức xúc, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng chưa được khẳng định và phát huy. Làm thế nào để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong dân, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của hệ thống chính trị đủ sức lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương là một câu hỏi lớn đặt ra đối với Đảng bộ huyện Sông Hinh lúc bấy giờ.
Từ khi có Cuộc vận động
Cuối năm 2006, khi được biết Trung ương sẽ phát động cuộc vận “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã gợi mở cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy nhiều suy nghĩ và trăn trở về cách tổ chức triển khai Cuộc vận động trên địa bàn Huyện. Tháng 10/2006, hưởng ứng tinh thần hãy chào cờ vào sáng thứ 2 trên những trang viết của báo Tuổi trẻ, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương tổ chức thí điểm việc chào cờ đầu tuần ở các cơ quan, ban ngành cấp Huyện và học tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ” dưới cờ, nhằm phát huy lòng tự hào dân tộc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lúc đầu khi thực hiện chủ trương này không phải là việc dễ dàng, nhiều người không mặn mà lắm với việc làm này, có người phản đối ra mặt, có người lo sẽ đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, có người đặt vấn đề việc làm này sẽ kéo dài được bao lâu… Trả lời câu hỏi này là một thử thách lớn đối với Ban Thường vụ Huyện ủy lúc bấy giờ. Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự kiên trì và quyết tâm của toàn Đảng bộ, việc làm điểm này có kết quả bước đầu. Đầu năm 2007, khi Bộ Chính trị BCHTW Đảng phát động trong toàn Đảng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì ngoài việc quán triệt triển khai thực hiện một cách nghiêm túc Cuộc vận động, Đảng bộ huyện Sông Hinh còn đưa ra chủ trương ngoài việc tham gia học các chuyên đề theo quy định, tất cả các cán bộ, đảng viên từ Huyện đến cơ sở đều phải tham gia chào cờ đầu tuần và học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ”, học tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ tại các cơ quan, công sở.
Ở một Huyện miền núi việc tìm có tài liệu về Bác để học cũng là một việc khó, riêng để có tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ” học vào cuối năm 2006, chúng tôi phải phô-tô phát cho mỗi TCCSĐ 01 quyển rồi nhân rộng dần, vì toàn Huyện chỉ có 01 cuốn sách phô-tô từ bản gốc ở Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nhận sách ở Huyện đi đường rừng về xã trên 30km, đường qua suối lầy lội, sách rơi xuống nước thế là phải mất cả tháng sau mới nhận được cuốn sách mới. Để có tài liệu học dưới cờ thường xuyên, chúng tôi phát động đợt sưu tầm tài liệu về Bác trong toàn Đảng bộ, kết quả có trên 3.000 tư liệu về Bác được sưu tầm. Qua 01 năm học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác viết tác phẩm này, Huyện chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên viết bản thu hoạch sau khi học xong tác phẩm và lần lượt trình bày dưới cờ bản thu hoạch của mình. Sau này cùng với những tài liệu của Trung ương, của Tỉnh gửi về, tài liệu học về Bác càng thuận lợi hơn và việc học tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ càng phong phú và ý nghĩa hơn. Khắc phục những khó khăn ban đầu, dần dà mọi việc trở thành thói quen, thành nề nếp. Hơn 02 năm qua, cứ mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần, mỗi cán bộ đảng viên từ Huyện đến cơ sở đều đến cơ quan sớm hơn, tác phong khẩn trương hơn thường ngày, đứng dưới cờ đúng giờ để chào cờ. Quốc ca vang lên bằng lời chứ không bằng băng đĩa, cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm và lần lượt là những trang, mục của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ”, những mẫu chuyện, những bài viết về Bác được đọc dưới cờ thật sự có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với mọi người. Càng ngày nhiều người càng nhận thức ra cái ý nghĩa thiêng liêng của buổi chào cờ đầu tuần, nó trở thành một nét đẹp văn hóa rất đời thường: Nét đẹp chào cờ đầu tuần và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ.
Bên cạnh đó để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, chúng tôi đã liên hệ với các đồng chí trong đội cảnh vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để có những bộ phim tư liệu về Bác như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh chân dung một con người, những giây phút cuối đời của Bác mang về các địa phương chiếu cho bà còn xem; những mẫu chuyện về Bác, những bài viết của Bác được dịch ra tiếng đồng bào dân tộc để cho bà con đọc, những thí sinh đạt giải cao trong cuộc thi “Kể chuyện tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” được đưa về thôn, buôn kể cho bà con nghe… Cứ vậy, mưa dầm thấm lâu, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những hình ảnh chân thật, những mẫu chuyện, những bài viết giản dị đã từng bước ăn sâu vào suy nghĩ, tình cảm của đông đảo cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh.
Thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm”:
Bắt đầu là từ công tác cán bộ:
Bác Hồ đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” do vậy một trong những nội dung quan trọng mà Ban chỉ đạo Cuộc vận động của Huyện quan tâm là phải chấn chỉnh lề lối làm việc, lập lại trật tự kỷ cương tại các cơ quan công sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quá trình học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc của Bác” phải gắn với việc thực hành trong từng hành vi của cán bộ, đảng viên bằng một Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy. Do vậy đến nay, giờ giấc làm việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị của Huyện được thực hiện khá nghiêm túc, phong cách, tác phong của cán bộ khá chuẩn mực, kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, quy chế của cơ quan, đơn vị được giữ nghiêm; cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm; cán bộ làm việc chây lười, trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng không tiến bộ sẽ bị thay thế. Nhờ vậy thái độ, tác phong, phong cách làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ Huyện đến cơ sở có bước chuyển biến mạnh mẽ so với trước đây, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Bác “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong, phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn nuôi trồng những cây cối quý”. 02 năm qua, Đảng bộ huyện Sông Hinh luôn dành sự quan tâm, chú trọng đến công tác phát hiện, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ. Xuất phát từ thực tế đội ngũ cán bộ ở cơ sở yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, Huyện đã luân chuyển 08 đồng chí về xã, trong đó có 04 đồng chí làm Bí thư xã, 02 đồng chí làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch xã và 02 đồng chí làm Chủ tịch xã. Ở một Huyện miền núi có 11 xã, thị trấn nhưng có đến 08 xã có cán bộ luân chuyển là một cố gắng lớn, bỡi vì điều đó đồng nghĩa với việc phải thay thế 08 đồng chí chủ chốt ở xã mà phần lớn những đồng chí này đều đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, những người đã công tác lâu năm ở xã hết nhiệm kỳ làm Bí thư rồi làm Chủ tịch và ngược lại. Các đồng chí cán bộ luân chuyển đều là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, năng nổ xông xáo cần được khẳng định và rèn luyện qua thực tiễn. Định kỳ hàng quý lãnh đạo Huyện gặp mặt làm việc với anh em cán bộ luân chuyển, hỗ trợ phương tiện đia lại, phụ cấp bồi dưỡng hàng tháng, quan tâm giải quyết những khó khăn vướng mắc đặt ra từ thực tiễn giúp anh em hoàn thành nhiệm vụ. Từ trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở cơ sở thông qua cán bộ luân chuyển, Huyện đã từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cơ quan ban ngành cấp Huyện. Đến nay hầu hết cán bộ chủ chốt ở xã đều ở độ tuổi dưới 40, có đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã ở độ tuổi 30. Nhiều đồng chí lãnh đạo các phòng ban cấp huyện khi bổ nhiệm ở độ tuổi dưới 30… Để chuẩn bị tạo nguồn cán bộ trẻ, Huyện đã triển khai Đề án đưa 20 trí thức trẻ tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng là con em địa phương về xã công tác, bên cạnh đó Huyện đã chú trọng lựa chọn những cán bộ trẻ có triển vọng cử đi đào tạo Cao cấp chính trị để chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận cho lâu dài. Sự quan tâm chăm lo công tác cán bộ của Huyện đã tạo ra một bước chuyển biến căn bản của hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị ở cơ sở mạnh lên rõ rệt qua vai trò của người đứng đầu là cán bộ luân chuyển. Giờ đây hệ thống chính trị ở cơ sở ngay cả ở những xã yếu nhất trước đây cũng đủ sức mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, những việc mà có lúc, có nơi tưởng chừng không phải là điều đơn giản.
Đi đến sát dân, tôn trọng nhân dân:
Xuất phát từ tình hình tranh chấp, khiếu kiện trong dân khá phổ biến trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… người dân ở rất xa nhiều lần đến chờ để gặp lãnh đạo đề nghị xem xét giải quyết nhưng không gặp được lãnh đạo. Đây là điều mà nhiều đồng chí lãnh đạo Huyện trăn trở, suy nghĩ và thấy mình có lỗi với dân. Thực hiện lời dạy của Bác “Cán bộ phải sát quần chúng, họp quần chúng”, bắt đầu từ năm 2007 Ban Thường vụ Huyện ủy chủ trương mỗi quý 01 lần lãnh đạo Huyện về xã, lãnh đạo xã về các thôn, buôn tiếp xúc đối thoại với dân để quan tâm giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng của dân. Mặc dù là chủ trương đúng nhưng lúc đầu không phải đồng chí nào cũng đồng tình ủng hộ, có đồng chí lãnh đạo phòng không muốn đi vì công việc ở cơ quan làm không hết còn đi tiếp xúc với dân, nhưng rồi thực hiện được ở 01 xã, 02 xã đến hết 01 quý, 02 quý… Kết quả nhận thấy rõ là đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 40% so với những năm trước. Bây giờ sau 02 năm thực hiện chủ trương này, lãnh đạo Huyện đã có 66 lượt đối thoại với dân ở 11 xã, thị trấn với gần 3.800 người dân đến gặp lãnh đạo, 980 người dân phát biểu ý kiến và hơn 1.000 nội dung lớn nhỏ được người dân phản ánh… nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh trong quá trình tiếp xúc đối thoại với dân cứ đọng mãi trong lòng lãnh đạo chúng tôi về tính chân thật, về những bức xúc trong đời sống của dân. Có nơi hội trường không còn chỗ cho người dân ngồi để gặp lãnh đạo, có hôm đến 12 giờ trưa rồi mà lãnh đạo vẫn chưa thể trả lời hết những vấn đề mà người dân quan tâm…
Có 1 giáo dân trong lần đối thoại với lãnh đạo đã để lại một ấn tượng nhớ mãi đối với những người lãnh đạo. Khi phát biểu giáo dân này nói sẽ phát biểu trong vòng 10 phút, nhưng mới 6 phút đã xin thôi vì muốn tiết kiệm thời gian và gửi lại nội dung đã chuẩn bị cho lãnh đạo. Chúng tôi cầm 4 trang đánh máy từ tay người giáo dân thì thật bất ngờ! Trong tất cả 4 trang giấy này đều đã được sử dụng trước 1 mặt, mặt còn lại người giáo dân tự đánh máy chữ những nội dung kiến nghị đến lãnh đạo.
Quá trình lãnh đạo Huyện tiếp xúc đối thoại với dân giúp chúng tôi rút ra những bài học sâu sắc: Đi tiếp xúc đối thoại với dân không chỉ để giúp dân, làm cho dân việc này việc khác mà còn học được ở dân rất nhiều. Câu chuyện khi tiếp xúc với người giáo dân đã dạy cho lãnh đạo một bài học về tinh thần tiết kiệm: Cán bộ lãnh đạo phải biết tiết kiệm thời gian, giấy mực. Đúng là quần chúng nhân dân là người thầy vĩ đại mà cán bộ, đảng viên phải luôn gần gũi để được dân tin yêu và chỉ bảo. Còn nếu xa dân, tách rời quần chúng nhân dân thì đó là quan dân, quan cách mạng chứ không phải là đầy tớ của dân và sẽ không được dân tin yêu, quý mến.
Nói thẳng, nói thật, làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm:
Thực hiện lời dạy của Bác “Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Lãnh đạo Huyện chúng tôi đặt ra phương châm: Trong lãnh đạo, điều hành là phải nói thẳng, nói thật và làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm. Bắt đầu là từ việc trung thực, thẳng thắn trong đánh giá thực chất tình hình của Huyện trên các lĩnh vực. Những năm trước đây số TCCSĐ được đánh giá là TSVM chiếm tỷ lệ cao từ 75-80%, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 80%... Trong 02 năm 2007-2008 với tinh thần đánh giá thực chất chất lượng TCCSĐ, đội ngũ cán bộ đảng viên, số TCCSĐ đạt TSVM chỉ còn trên dưới 30%, số đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chưa đến 50%. Nhiều đồng chí lãnh đạo từ huyện đến cơ sở trước đây được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi đánh giá thực chất có trên 10% chưa hoàn thành nhiệm vụ, gần 50% số các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy tự đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải tất cả là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từ thực trạng chất lượng dạy và học trên địa bàn Huyện còn nhiều yếu kém, qua khảo sát đánh giá thực chất Huyện đã công khai tỷ lệ này với trên dưới 20% học sinh yếu kém ở các cấp học và gần 800 em học sinh không biết đọc, biết viết hoặc đọc không thông, viết không thạo… Tất cả những việc làm đó đều với suy nghĩ là phải nhìn nhận đánh giá thực chất để có hướng phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó phải lập lại trật tự kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, 02 năm qua Huyện Sông Hinh đã tiến hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 47 cán bộ, đảng viên, tăng gần 50% so với cả nhiệm kỳ trước. Trong đó phần lớn là cán bộ cấp Trưởng, Phó phòng, Bí thư, Chủ tịch các xã, cán bộ có chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc làm kiên quyết này đã từng bước làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, kỷ luật kỷ cương trong Đảng được giữ vững, tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành kết quả đạt được đến đâu, đến mức nào thì Huyện nhận ở mức đó, không chạy theo phong trào, không phô trương hình thức. Đây là tâm niệm, là suy nghĩ, là quyết tâm của cán bộ, đảng viên và cũng là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Huyện Sông Hinh.
Cuối năm 2008, trong quá trình chuẩn bị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Huyện chúng tôi đã phát động cuộc thi viết cảm tưởng: “Cảm nhận của cá nhân sau 02 năm tham gia chào cờ đầu tuần và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ”. Đã có hơn 1.400 bài từ những em học sinh 14 tuổi đến những cụ già trên 80 tuổi tham gia dự thi. Tất cả các bài viết đều cho rằng: Việc tổ chức chào cờ đầu tuần và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ là việc làm rất có ý nghĩa, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc làm có ý nghĩa này cần được tiếp tục gìn giữ và phát huy. Thông qua cuộc thi này một lần nữa khẳng định một cách sinh động tình cảm trân trọng, niềm tin yêu sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của đồng bào các dân tộc Huyện Sông Hinh chúng tôi đối với Bác Hồ kính yêu.
Tất cả chỉ mới là bắt đầu, những kết quả đạt được sau 02 năm triển khai thực hiện ở Huyện Sông Hinh còn rất khiêm tốn so với yêu cầu, đòi hỏi của Cuộc vận động. Trong những ngày đầu xuân mới Kỷ Sửu, khi nhận được tin Đảng bộ Huyện Sông Hinh sẽ được Tỉnh đề nghị khen thưởng và báo cáo kết quả tại Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động ở Trung ương đã mang đến niềm vui, sự phấn khởi và nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Huyện. Nhiều già làng, nhiều đồng chí lão thành cách mạng, nhiều người dân đề nghị tôi báo cáo với Đảng, với các đồng chí lãnh đạo, với Bác Hồ rằng: Cảm ơn Bộ Chính trị BCHTW Đảng đã phát động Cuộc vận động có ý nghĩa này. Được học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, đồng bào các dân tộc của Huyện Sông Hinh nguyện một lòng phấn đấu đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn sống mãi và tỏa sáng trong lòng đồng bào các dân tộc Huyện Sông Hinh./.
P.V (Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Thái Học tại Hội nghị)