Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 16/12/2012 11:15'(GMT+7)

Một cách tiếp cận tư duy mới về giáo dục

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của GD-ĐT đối với sự phát triển đất nước trong tình hình mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định một trong ba đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ” (1). Đây cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất để đưa nước ta phát triển ngang tầm với xu thế phát triển của thời đại.

Xã hội muốn ngày càng tiến bộ thì phải dựa vào sức mạnh của tri thức được bắt nguồn từ việc khai thác tiềm năng sáng tạo vô tận của con người, lấy việc phát huy nguồn lực của con người làm nhân tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Và, muốn con người ngày càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm của sự phát triển, đồng thời là chủ thể của sự phát triển thì vấn đề cốt lõi là sự phát triển toàn diện về giáo dục. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới về triết lý giáo dục, làm cho giáo dục không thể giữ mãi cách thức cũ mà phải liên tục đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của nhiều biến đổi trong tự nhiên và xã hội.

Trong quá trình vận động và phát triển, bản thân giáo dục cũng phải thường xuyên tự đổi mới, bởi trong quá trình phát triển xã hội, nhiều tri thức mới được bổ sung do những tư duy sáng tạo của con người, đòi hỏi tri thức phải thường xuyên cập nhật trong quá trình giảng dạy và học tập. Vậy, tư duy mới về giáo dục hiện nay là gì? Đó là câu hỏi luôn “nóng” đối với các nhà nghiên cứu, quản lý và thực hiện giáo dục.

Công việc đổi mới GD-ĐT luôn được Đảng ta quan tâm. Từ khi giành được độc lập năm 1945 đến nay, nước ta đã tiến hành ba lần cải cách giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1979 và tiến hành đổi mới giáo dục liên tục từ năm 1986 đến nay. Tuy đã đạt được thành tựu to lớn, nhưng giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém. Tại Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”. Nghị quyết không chỉ nêu rõ tầm quan trọng của GD- ĐT “là quốc sách hàng đầu” mà còn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó. Đó là: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ, là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”(2).

Quan điểm đó đến nay vẫn còn mang tính thời sự cấp thiết. Ngày nay trước xu thế phát triển của thời đại, đòi hỏi giáo dục nước ta không thể dập khuôn như cũ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương và chính sách hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT nhằm có đủ nguồn nhân lực để thực hiện công cuộc đổi mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI), Đảng ta chỉ ra những yếu kém, bất cập về công tác quản lý, cơ chế chính sách. Bên cạnh đó là những yếu kém về nội dung và phương pháp trong giáo dục: “Nội dung giáo dục-đào tạo vừa thừa vừa thiếu, nhiều phần chưa gắn với cuộc sống... chưa kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất, nhà trường chưa gắn với gia đình và xã hội”(3); “Phương pháp giáo dục-đào tạo chậm đổi mới, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học”(4). Đó là nguyên nhân làm cho nguồn nhân lực của nước nhà không đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển. Tất cả những yếu kém trong giáo dục là những vấn đề “nóng, gây bức xúc trong xã hội” khi nói về thực trạng GD-ĐT ở nước ta hiện nay.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhận định: “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển,... Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình nội dung, phương pháp lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội”(5).

Nhận định trên đây, không có nghĩa là đánh giá nền giáo dục nước ta không phát triển, hoặc như một số ý kiến cực đoan cho rằng giáo dục nước ta ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Phải khẳng định rằng, trong quá trình đổi mới giáo dục nước nhà đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển ấy đã không theo kịp trước những đòi hỏi của thời đại mới. Đòi hỏi GD-ĐT phải có sự thay đổi cơ bản, toàn diện mới có thể thích ứng với xu thế phát triển. Trong đó, giáo dục phải tạo ra mô hình nhân cách con người phù hợp với một xã hội hiện đại; phải xây dựng nền giáo dục nhân văn, giúp cho mỗi người học hình thành, phát triển, phát huy đầy đủ giá trị nhân bản của giáo dục để phát triển tốt nhất năng lực của mình. Muốn vậy, mọi người phải thực học, thực nghiệp. Đó là điều căn bản mà giáo dục nước nhà phải hướng tới. Nếu giáo dục vẫn theo lối tư duy cũ, cách làm cũ thì không thể tạo ra được những con người mới hiện đại, không đáp ứng những yêu cầu tối thiểu để trở thành những chủ nhân của một xã hội hiện đại.

Tư tưởng chủ đạo của tư duy mới về giáo dục là lấy học thường xuyên, học suốt đời làm nền tảng; lấy phát triển nhân cách con người theo hướng hiện đại là mục tiêu. Muốn vậy, giáo dục của nước ta phải đổi mới toàn diện theo hướng hiện đại, công cuộc đổi mới giáo dục phải dựa vào bốn trụ cột để phát triển. Bốn trụ cột đó là: học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau và học để làm người. Thực ra, trong giáo dục truyền thống cả bốn trụ cột này đã được Đảng ta và Bác Hồ quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh lịch sử mức độ hướng tới có khác nhau. Hiện nay, GD-ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc thực hiện đồng bộ cả bốn trụ cột đó, đòi hỏi tư duy về giáo dục cũng phải đổi mới.

Học để biết, là nắm được những công cụ để hiểu những vấn đề mình được học. Điều đó, đòi hỏi một cách tiếp cận luôn chủ động trong việc học, phải hiểu cách nắm vững kiến thức, rèn luyện những khả năng phê phán, tò mò và cả trí nhớ. Học để biết trong tương lai là “học cách học” và hướng tới “học cách sáng tạo”, cách làm chủ kiến thức, chứ không phải chỉ là học để biết những thứ in sẵn trong sách giáo khoa, được truyền thụ một chiều.

Học để làm việc, là phải học để hình thành nên khả năng hoạt động sáng tạo. Học để nắm được tri thức phát triển. Do đó, học không phải chỉ dừng lại “để biết” mà còn trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống, và tạo được kỹ năng sống, có khả năng thích ứng với nhiều tình huống và biết làm việc cùng mọi người. Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy chúng ta: "Mục đích học để làm gì? Không phải như trước, học để làm ông thông ông ký. Chúng ta học cho tốt, để lao động cho tốt... Bây giờ phải biết học để làm đầy tớ tốt cho nhân dân".

Với quan niệm như trên, Người luôn yêu cầu tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải biết học ở mọi nơi mọi lúc, coi trọng tự học, học suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, để vừa có đức vừa có tài, phục vụ cống hiến được nhiều hơn cho Tổ quốc; và chính Người là mẫu mực tuyệt vời về tinh thần ấy. Đây chính là quá trình học để hình thành năng lực của chính bản thân người học. Người học cũng phải học “theo nhu cầu phát triển của xã hội”. Trong đó, một mặt nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, mặt khác phải rèn luyện tư duy sáng tạo đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Học để làm không chỉ là học trong quá trình được đào tạo trên ghế nhà trường mà còn là “học suốt đời”, học trong nhiều hoàn cảnh có thể học. Do đó, tư duy mới trong giáo dục hiện nay là không chỉ dạy cho người học có bằng cấp mà dạy cho người học đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, tạo ra cơ hội để người học có thể học suốt đời thích ứng với biến đổi của công việc. Điều này đã được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011): “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(6).

Học để cùng sống. Trong xu thế hội nhập ngày càng cao, nhiều lĩnh vực xã hội được xã hội hóa đa dạng, yêu cầu đối với giáo dục không chỉ đào tạo ra những lớp người chỉ biết làm việc, mà còn đào tạo ra những lớp người biết hợp tác với đồng nghiệp và biết ứng xử với xã hội, với thiên nhiên và môi trường trong mọi hoạt động, mọi hoàn cảnh. Học để hiểu người khác thông qua sự hiểu chính mình, biết đặt mình vào địa vị người khác để thông cảm, chia sẻ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau, biết giải quyết những xung đột với tinh thần tôn trọng những giá trị của sự đa phương, đa dạng, hướng tới một cuộc sống hòa bình.

Do đó đổi mới tư duy trong GD-ĐT hiện nay, đòi hỏi GD-ĐT phải kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất, nhà trường gắn kết chặt chẽ với gia đình và xã hội. Gia đình và các tập thể, cộng đồng xã hội phát huy vai trò quan trọng trong giáo dục, phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, xây dựng nếp sống vì cộng đồng, vì tập thể để cùng nhau hợp tác trong lao động, sản xuất và cuộc sống.

Học để làm người. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dạy và học là để mở mang dân trí, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đúng và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất trong sáng và phong cách lành mạnh cho nhân dân. Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, tức là vừa có đức, vừa có tài, phát triển đầy đủ nhất tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân để trở thành những công dân biết làm chủ bản thân, làm chủ đất nước.

Không phải ngẫu nhiên khi đặt vấn đề học tập, Hồ Chí Minh lại nêu mục tiêu: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phục vụ nhân dân, làm đầy tớ tốt cho nhân dân”. Trong những mục tiêu đó, học để làm người được coi là mục tiêu cao nhất, khó nhất. Bởi theo quan niệm của Người, “có đức mà không có tài thì mới được một nửa, nhưng có tài mà không có đức sẽ là người vô dụng”. Do đó, Người đặt việc học để làm người trước cả việc học để làm cán bộ, làm đầy tớ tốt cho nhân dân là chứa đựng một nội hàm có tính nhân văn sâu sắc. Điều này, hoàn toàn khác với việc học để làm quan trong xã hội phong kiến.

Ngày nay, trong tư duy mới về triết lý giáo dục càng kiểm nghiệm tính đúng đắn của việc “dạy chữ phải gắn chặt với dạy người, dạy nghề”. Giáo dục phải tạo ra những giá trị phù hợp với nhịp sống của thời đại mới, những con người có đức có tài, biết cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, có lòng bao dung, nhân ái, yêu thương và yêu chuộng hòa bình.

Đảng ta luôn xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”. Vì vậy, đứng trước những yếu kém kéo dài trong giáo dục và đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đảng ta đề ra chủ trương phải: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân” theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa”...

Chuẩn hóa, trước hết là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp đến là chuẩn hóa về nội dung, chương trình, điều kiện phục vụ dạy và học; chuẩn hóa trong cách đánh giá hoạt động và kết quả giáo dục và cuối cùng là đánh giá đúng năng lực của người học. Trong đó chuẩn hóa về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu.

Hiện đại hóa, là phải tiếp cận nhanh với nội dung, phương pháp giáo dục hiện đại, tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những nền giáo dục tiên tiến, gắn liền với giữ gìn, bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc; không làm theo kiểu “phong trào”, không bắt chước, dập khuôn hoặc mô phỏng hoàn toàn theo mô hình giáo dục của bất kỳ một quốc gia nào. Hiện đại hóa giáo dục nước ta phải có sự sáng tạo mới, mang lại sức sống mới cho nền giáo dục hiện đại.

Dân chủ hóa trong giáo dục, là dân chủ trong toàn bộ hoạt động giáo dục, phải phát huy tư duy sáng tạo, sự nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo, của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và tất cả những học trò, những ai quan tâm tới giáo dục vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình và sự giàu có, phồn vinh của đất nước. Dân chủ trong giáo dục được thực hiện thông qua sự lãnh đạo và quản lý bằng pháp luật, thực hiện nền giáo dục do nhân dân, thực sự vì lợi ích của nhân dân, chứ không phải bằng những câu khẩu hiệu.

Hiện nay, giáo dục đang tập trung vào truyền thụ kiến thức, người ta quan tâm trước hết và quan trọng hơn cả là khối lượng kiến thức được “nhồi nhét” vào đầu học sinh và quản lý chất lượng bằng hình thức thi cử nặng nề. Cách giáo dục này là dựa chủ yếu vào sách giáo khoa và chương trình dựng sẵn, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, xa rời cuộc sống, giảng dạy theo lối giáo điều, truyền thụ một chiều. Khi xã hội thay đổi nhanh chóng thì cách thức giáo dục như hiện nay trở nên lỗi thời, không đủ sức để hình thành nên nhân cách con người mới phù hợp với xã hội mới.

Để đáp ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại, thay vì quá chú trọng truyền thụ kiến thức, cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển tư duy sáng tạo, năng lực của người học, tạo cho người học có khả năng tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức và triển khai tri thức trong cuộc sống. Năng lực ở đây được hiểu là một thuộc tính nhân cách rất phức hợp, nó bao gồm những kỹ năng cần thiết, được hình thành trên cơ sở kiến thức, gắn bó đa dạng với động cơ và thói quen trong lao động, sáng tạo, làm cho người học có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong công việc, trong cuộc sống. Có nghĩa là, giáo dục trong tương lai ngày càng phải quan tâm đến phát triển năng lực của người học.

Do đó, ngay từ bậc học phổ thông, cho đến các bậc học cao hơn, yêu cầu cần chuyển nhanh chức năng của dạy học từ chỗ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang vừa truyền thụ kiến thức, vừa chú trọng phát triển năng lực và hình thành thái độ, khả năng độc lập giải quyết vấn đề, phát triển phẩm chất sáng tạo cho người học, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người có thể học và học suốt đời là rất cần thiết. Chương trình giáo dục ở từng cấp học cần bảo đảm truyền thụ cho người học những kiến thức vừa đủ, không khó quá, vừa sức với số đông, để đa số học sinh học tập đều có kết quả tốt.

Trước những sự biến đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, cũng như đời sống chính trị - xã hội, đòi hỏi người lao động phải nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, phải đủ năng lực làm chủ bản thân trước những thay đổi mới, do đó việc nhấn mạnh yếu tố học tập suốt đời là rất quan trọng. Giáo dục phải làm sao để sự học của một con người không thể chấm hết sau khi tốt nghiệp và kiếm được việc làm mà người học còn phải có năng lực tự học, tự phát triển để bổ sung kiến thức và kỹ năng mới, thích ứng với hoàn cảnh mới./.

TS. Nguyễn Đắc Hưng
----------------

(1) (5) (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H, 2011, tr. 106, 77.

(2) (3) (4) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H, 1997, tr. 29, 26.


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất