Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 1/7/2009 10:12'(GMT+7)

Một chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao

Bộ đội biên phòng khám chữa bệnh  và cấp thuốc cho đồng bào dân tộc

Bộ đội biên phòng khám chữa bệnh và cấp thuốc cho đồng bào dân tộc

Để phát huy sức mạnh tổng hợp đưa văn hoá thông tin về cơ sở, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng biên giới, hải đảo, ngày 16/7/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng ký kết chương trình phối hợp hành động "Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá- thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số". 43/43 tỉnh trong cả nước tham gia ký kết chương trình.

Qua 15 năm triển khai thực hiện, chương trình phối hợp đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao một bước lớn chất lượng hoạt động thông tin, cổ động, văn hoá văn nghệ trên địa bàn biên giới, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hoá, lễ hội văn hoá truyền thống trên địa bàn; phối hợp xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các trang thiết bị văn hoá thông tin trên địa bàn; tham gia có hiệu quả xây dựng các làng bản văn hoá, nếp sống văn hoá ở tuyến biên giới; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động văn hoá cơ sở ở các xã, phường biên giới; đẩy mạnh hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch ở địa phương, tích cực tuyên truyền đối ngoại.

Kết quả của chương trình phối hợp giữa ngành văn hoá- thể thao và du lịch với bộ đội biên phòng đã góp phần xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở các xã, phường biên giới; tạo phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Quần chúng ở khu vực biên giới đã cung cấp gần 50 nghìn nguồn tin, trong đó 1/3 là nguồn tin có giá trị, phục vụ kịp thời công tác đấu tranh giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới; giúp đỡ các đơn vị bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ hàng ngàn vụ vượt biên trái phép, buôn bán ma tuý, chất nổ, buôn bán phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Nhiều phong trào như: "Tuyến sau ủng hộ tuyến trước", "Thanh niên làm chủ đường biên", "Thôn xóm bình yên", "Già làng trưởng bản gương mẫu", "Nhân dân tự quản đường biên, cột mốc"... góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Khu vực biên giới có 1.012 xã, phường, trong đó có 446 xã đặc biệt khó khăn trong tổng số 1.644 xã của toàn quốc, với số dân hơn 6 triệu người thuộc 42 dân tộc. Hiện tại, tất cả các xã biên giới đã có tổ chức cơ sở Đảng. Các tổ chức chính trị và đoàn thể quần chúng được kiện toàn, củng cố với gần 3.000 tổ an ninh nhân dân, tổ hoà giải. Các tổ thông tin văn hoá cùng với các lực lượng ở địa phương vận động, tổ chức gần 3.800 lớp xoà mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học hơn 93 nghìn người và vận động hơn 21 nghìn trẻ em bỏ học trở lại trường; tổ chức tuyên truyền, vận động tiêm chủng cho 200 nghìn cháu, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 200 nghìn lượt người.

Tại hội nghị, đại diện Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng và Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch các tỉnh đã nêu nhiều kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt việc phối hợp thực hiện chương trình phối hợp thực hiện giữa hai bên. Theo các đại biểu, cần chăm lo xây dựng, phát huy tác dụng đồng bộ các thiết chế văn hoá ở cơ sở; lồng ghép các hoạt động văn hoá, văn nghệ với phát thanh, truyền hình, chiếu vidio, trưng bày sách báo, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tổ chức lễ hội quảng bá du lịch để đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần đa dạng của nhân dânvà định hướng cho nhân dân tự tổ chức các hoạt động văn hoá cho mình. Tập trung lựa chọn địa bàn, xây dựng các đồn biên phòng trở thành các "điểm sáng văn hoá" gắn với xây dựng "ấp, thôn, bản văn hoá". Gắn nội dung của chương trình với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và xây dựng môi trường văn hoá.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái- Trưởng Ban chỉ đạo chương trình nhấn mạnh một số điểm cần quan tâm: Thứ nhất, cần xác định chương trình phối hợp "đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hoá- thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo" là một chủ trương đúng để tiếp tục triển khai thực hiện. Thứ hai, khi thực hiện chương trình cần phải gắn với từng địa bàn để đưa ra các giải pháp, nguồn lực phù hợp. Thứ ba, phải lồng ghép chương trình với các chương trình khác để tạo sức mạnh tổng hợp. Thứ tư, phải xác định lực lượng biên phòng đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện chương trình. Cuối cùng phải tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời, đáp ứng sự đổi mới của thực tiễn đời sống.

Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, theo chương trình đã ký kết, chương trình phối hợp này sẽ kết thúc vào năm 2010, chính vì thế, từ bây giờ các đơn vị chức năng của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cần có kế hoạch xây dựng chương trình ký kết mới từ năm 2010 đến 2015 và định hướng đến 2020, trong đó không chỉ có nội dung văn hoá- thông tin, mà phải có nội dung thể thao, du lịch và gia đình trong đó. Cần xác định rõ nguồn lực đầu tư cho chương trình, cả về kinh phí và nhân lực và kiến nghị các chế độ, chính sách phù hợp cho những người làm công tác này.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và ông Nguyễn Đạo Toàn - Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở được trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp an ninh biên giới Tổ quốc". Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng bằng khen cho 82 tập thể và 77 cá nhân, trao kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới" cho 102 cá nhân. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 68 tập thể và 94 cá nhân và tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch" cho 74 cá nhân.

Hồng Nguyên 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất