Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 21/10/2012 12:28'(GMT+7)

Một chương trình truyền hình bổ ích

 

Thiếu giáo viên, thiếu tài liệu và môi trường giáo dục ngôn ngữ ký hiệu, đã tạo ra rào cản cho người khiếm thính trong học tập và hòa nhập xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và cơ hội tìm việc làm của họ.

Nhằm góp phần thúc đẩy phổ biến ngôn ngữ ký hiệu rộng rãi qua kênh thông tin đại chúng, giúp người khiếm thính cùng gia đình và những người quan tâm có thể học ngôn ngữ ký hiệu từ xa, Hội NKT Hà Nội phối hợp Ban Khoa giáo Ðài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), Trường PTCS Xã Ðàn, Trường PTCS Dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính, Chi hội người điếc Hà Nội xây dựng chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu" trên truyền hình. Chương trình được thiết kế thành 100 bài học, với nhiều chủ đề khác nhau, gần gũi người khiếm thính như bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương... Sau hơn bảy tháng phát sóng trên kênh VTV2 Ðài Truyền hình Việt Nam, với 30 bài học, chương trình đã thu hút được đông đảo người khiếm thính, gia đình, bạn bè của người khiếm thính và những người quan tâm tới ngôn ngữ ký hiệu theo dõi. Theo tiến sĩ Vương Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, có được thành công bước đầu như hiện nay, trước hết là nhờ nỗ lực của những người làm chương trình trong việc nhận thức được đối tượng người học, thiết kế chương trình, chủ đề, bài trước liên kết bài sau một cách có hệ thống và lô-gích, giúp người học dễ dàng hệ thống hóa được nội dung bài học. Bên cạnh đó, mỗi bài học còn có phần chú giải, ghi hình công phu, cụ thể và có hình ảnh minh họa sinh động hấp dẫn người học, qua đó tạo được phong trào học tập ngôn ngữ ký hiệu trong cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện giúp những người khiếm thính bị hạn chế về thời gian và tài liệu không theo học ở các trường lớp được tiếp cận nhanh chóng với ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài đóng góp tích cực của người học chương trình, trong thời gian tới để thu hút thêm số lượng người học, chương trình cần tiến hành các phương thức hiệu quả nhằm quảng bá sâu rộng chương trình tới người khiếm thính và gia đình, bạn bè và lan rộng ra cộng đồng tại thành thị cũng như hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong cả nước.

Trường PTCS Xã Ðàn là trường đa cấp học từ mầm non đến THCS, có rất nhiều học sinh khiếm thính (200 em). Việc dạy học sinh khiếm thính được nhà trường xác định là nhiệm vụ chính, nên bất cứ hoạt động nào mang lại lợi ích cho học sinh, nhà trường sẵn sàng tham gia. Sự tham gia này vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự đối với giáo viên và học sinh của trường, bởi đây là cơ hội tốt để giáo viên và học sinh của trường được rèn luyện, nâng cao năng lực của chính mình, đồng thời góp công sức mang lại lợi ích cho cộng đồng. Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Ðàn Ðinh Văn Ðoàn cho biết: Việc triển khai công tác giảng dạy cho các em học sinh tại trường đã khó, việc luyện tập để đưa học sinh đến ghi hình mỗi buổi tại trường quay còn khó hơn, bởi nhiều phụ huynh chưa hiểu về việc dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình là những động tác ký hiệu bằng tay và mồm theo tiêu chuẩn quốc tế, nó khác hẳn với hình thức viết trên giấy và tập phát âm như ở trường nên chưa nhiệt tình ủng hộ. Bên cạnh đó, giáo trình của mỗi tỉnh, thành phố mỗi khác, nên việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Việc huy động học sinh tham gia luyện tập, ghi hình vào các ngày nghỉ, ngày hè rất khó khăn. Nhiều học sinh của Trường PTCS Xã Ðàn đến từ các vùng xa, huyện xa của Hà Nội và một số còn lại ở các tỉnh khác, nên đa số học sinh của trường phải có người đưa đón hằng ngày. Phụ huynh học sinh không phải ai cũng có điều kiện và sẵn sàng đưa đón, chờ đợi con mình vào các ngày luyện tập và lên sóng. Chính vì thế, các buổi luyện tập và ghi hình thường chỉ thực hiện được vào những ngày các em học sinh đi học tại trường và tất cả trông đợi vào sự tham gia nhiệt tình của các cô giáo. Ðể có được những buổi ghi hình trọn vẹn, ngoài việc giáo viên của trường là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc giao tiếp, giáo dục học sinh khiếm thính, nhà trường phải chọn ra những em có học lực khá, giỏi trở lên, đồng thời phải gặp từng phụ huynh để giảng giải, thuyết phục về ý nghĩa tác dụng của việc học ngôn ngữ ký hiệu này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em sau này trong cuộc sống... Ðến nay, hầu hết các phụ huynh đã hiểu, đưa con đến tham gia và bản thân cũng tích cực học theo.

Chương trình dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình bước đầu đã thu được những thành công nhất định, tạo điều kiện xây dựng và thống nhất ngôn ngữ ký hiệu trong cả nước, giúp người điếc tăng khả năng giao tiếp, tiếp thu cái mới dễ hơn. Ðồng thời, chương trình cung cấp nhiều tài liệu cho các giáo viên dạy tại các trường điếc và sinh viên tình nguyện, người trong gia đình có nhu cầu học tập giao tiếp giúp đỡ những người khiếm thính. Qua đó nâng cao nhận thức về quyền được giáo dục, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng người khiếm thính đối với xã hội.

Theo Nhân Dân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất