Thứ Ba, 26/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 15/10/2012 14:52'(GMT+7)

Cái nhìn đa chiều về tiểu thuyết lịch sử-văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) phát biểu.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) phát biểu.

Tọa đàm nhận được gần 30 tham luận của các nhà văn, các nhà lý luận-phê bình với những cách tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh-hiện tượng đáng chú ý của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI; khẳng định những nỗ lực tìm kiếm cũng như chỉ ra được hạn chế trong nghệ thuật.

Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933, bút danh Đào Nguyễn), quê tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1953 vào bộ đội, sau đó ông làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi Báo Thiếu niên tiền phong. Ông bước vào nghiệp văn từ năm 1963 với tập truyện ngắn “Rừng sâu”. Tuy nhiên, mãi đến 2000, tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh mới được đông đảo bạn đọc biết đến với tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”; và sau đó là “Mẫu thượng ngàn” (2006), “Đội gạo lên chùa” (2011). Bộ ba tiểu thuyết lịch sử-văn hóa đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Quãng thời gian hơn 10 năm đầu thế kỷ XXI, văn học bắt kịp với thời đại khi viết về những vấn đề mới. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm viết về những vấn đề thời đại chưa để lại tác phẩm hay, nhất là ở các cây bút trẻ. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức sai lầm là chất liệu đời sống mới sẽ cho ra đời những tác phẩm hay. Trong khi đó, một trong những khuynh hướng sáng tác gần đây là quay trở lại với những thời đại đã trở thành lịch sử để suy ngẫm những vấn đề đương đại. Hướng đi này đã có một số thành công nhất định như các tiểu thuyết lịch sử-văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) phát biểu đề dẫn đánh giá hướng tìm về cội nguồn của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là mới mẻ, hòa cùng với tư duy tiểu thuyết về lịch sử của các lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại.

Các tham luận trong tọa đàm đã nhận định tư duy đổi mới của Nguyễn Xuân Khánh trong các tiểu thuyết lịch sử-văn hóa của ông. Nếu như tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” được viết trong những suy tư về quá trình đổi mới của dân tộc, qua câu chuyện về thời đoạn sóng gió cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, Nguyễn Xuân Khánh đã thổi một luồng khí mới mẻ vào thể loại tiểu thuyết lịch sử, kéo câu chuyện thời quá khứ gắn kết với câu chuyện của thời hiện tại, hòng đưa ra những tham góp thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Đến hai tiểu thuyết sau là “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh hiện lên với đầy đủ bút lực của mình: Nhà văn hóa, tư tưởng trong tư cách nhà văn. Lấy bối cảnh giao thời sơ khởi cho sự tiếp xúc Đông-Tây ở Việt Nam làm bệ đỡ cho việc khám phá quá khứ dân tộc. Lựa chọn đạo Mẫu, Nguyễn Xuân Khánh đã để các nhân vật bao bọc bởi niềm tin hồn nhiên vào một thế giới đa thần giáo, xuất phát bởi chỗ được tiếp xúc thường xuyên với sự phồn thực phồn sinh miền nhiệt đới. Có lẽ, Nguyễn Xuân Khánh muốn đi sâu vào nguồn cội của sức sống Việt Nam, căn nguyên để người dân Việt Nam vượt lên mọi ách thống trị trong suốt mấy ngàn năm chứ không đơn thuần ở thời Pháp thuộc. Ở “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục ý hướng đi tìm những kiến giải về sức sống của dân tộc Việt Nam.

Cùng chung lời nhận xét, GS-TS Trần Đình Sử, PGS- TS Nguyễn Thị Bình và PGS-TS La Khắc Hòa đánh giá cao những cách tân trong tiểu thuyết lịch sử-văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh đó là sự đổi mới nguyên tắc tự sự theo hướng tiểu thuyết hóa, đổi mới ngôn ngữ kết cấu khi cấu trúc chuyện kể tạo thành cuộc đối thoại giữa các lớp văn hóa. Bộ ba tiểu thuyết là khúc biến tấu của một chủ đề thống nhất.

Bên cạnh những lời khen ngợi, nhiều nhà nghiên cứu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đó là đôi khi ông quá sa đà vào việc trình bày phong tục văn hóa hoặc “thiếu sự cụ thể ở những chi tiết thực, vì thế đọc tiểu thuyết của ông thích nhưng chưa “sướng”, đây là một điều đáng tiếc”-nhà phê bình văn học Hoài Nam bày tỏ quan điểm.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng tự bộc bạch: “Tôi cũng nhận thấy những khiếm khuyết của mình khi sáng tác, như là sự nói dài, như khi viết về đạo Phật. Khi viết, tôi không quan tâm dài hay ngắn mà chỉ sợ mình thiếu đi sự lịch lãm và cái phông văn hóa sâu rộng. Tôi luôn tâm niệm: Mọi quan điểm, mọi ý kiến đều có chỗ đứng dưới ánh mặt trời, cốt là hay. Xin hãy cho mọi người có quyền khác với mình, bởi các khuynh hướng sáng tác đều có độc giả của nó”.

Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí dân chủ, khách quan khoa học. Điều lớn nhất thông qua tọa đàm là đã đem đến nhiều góc nhìn về chủ đề “Lịch sử và văn hóa trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh”, qua đó, cổ vũ những đổi mới trên hình thức tiếp diễn, các trào lưu văn học đang phát triển mạnh mẽ./.

(Hoàng Hoàng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất