Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 26/5/2021 15:19'(GMT+7)

Một dân tộc muốn trường tồn phải dựa trên nền văn hoá của chính mình

GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bài viết mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH” đã thu hút rộng rãi sự chú ý của dư luận, nhất là giới nghiên cứu lý luận.

Theo GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có bài phát biểu thì đấy chính là lúc Đảng muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân một thông điệp quan trọng. Bài viết của Tổng Bí thư lần này cũng nằm trong quy luật chung ấy. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng tuyên bố, sau một thời gian tích luỹ đầy đủ về những điều kiện vật chất và tinh thần, chúng ta đã bước vào thời kỳ cất cánh. Nói cách khác, khác với những lần đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu lên một quyết tâm là khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước, hướng tới một quốc gia phát triển, một xã hội phồn vinh, ở đó con người được hưởng đầy đủ hạnh phúc của mình. Đây rõ ràng là một sự phát triển mạnh về chất so với quá trình tịnh tiến trước đây, một quá trình tích luỹ các điều kiện. Với ý nghĩa đó, những vấn đề cơ bản về lý luận cần được tổng kết, làm sáng rõ, ví dụ mục tiêu chúng ta đi tới là gì. Chúng ta đã nói nhiều về những phương diện lý luận, tổng quát nhưng bây giờ phải chỉ ra hình hài tương đối cụ thể. Trong đó, nguồn lực con người cực kỳ quan trọng, mà khi nói đến nguồn lực con người thì tất yếu phải nói đến những sáng tạo của cư dân ở mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc - đó là văn hoá.

BIẾN VĂN HÓA THÀNH LỢI KHÍ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

* Là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, ông đánh giá những nội dung được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư, đặc biệt là những luận điểm về phát triển văn hoá Việt Nam trong quá trình xây dựng CNXH như thế nào?

GS. TSKH. Vũ Minh Giang: Từ trước đến nay, Đảng luôn quan tâm tới tầm quan trọng, sức mạnh của văn hoá đối với phát triển. Thậm chí ở một lĩnh vực người ta tưởng là không có nhiều quan hệ với văn hoá như là lĩnh vực nghệ thuật quân sự chẳng hạn, thì sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói, nếu chỉ nghiên cứu những cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những lần kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta từ góc độ quân sự thì hoàn toàn chưa đủ mà phải có nhận thức sâu hơn, rộng hơn, toàn diện hơn, đó là phải nhìn từ góc độ văn hoá. Theo Đại tướng, phải từ tiếp cận văn hoá mới thấy được hết sự sáng tạo, mà đó mới chỉ từ khía cạnh nghệ thuật quân sự.

Đảng luôn quan tâm đến văn hoá cho nên đã có rất nhiều nghị quyết quan trọng. Khi đất nước mới mở cửa, chúng ta có những nghị quyết để làm sao giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc trước sức tấn công rất mạnh mẽ của luồng văn hoá ngoại lai. Sau đó, Đảng cũng nhận ra văn hoá còn là phương tiện để chúng ta có thể tấn công và Nghị quyết 33 về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Nghị quyết 33 xác định văn hoá chính là một tài nguyên của dân tộc, phải khai thác, phải biến nó thành những lợi khí phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và nhất là phát triển đất nước. Chúng ta thấy tinh thần của Nghị quyết 33 coi văn hoá là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển bền vững.

Trong bài viết lần này, Tổng Bí thư đã phát triển, nhấn mạnh rằng, chúng ta phải coi văn hoá ngang bằng với những lĩnh vực quan trọng nhất như chính trị, kinh tế. Đây là một sự tổng kết mới để chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng, có tính chất nền tảng của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Tổng Bí thư cũng muốn gửi tới toàn dân ta một thông điệp rằng, văn hoá ở đây có sức mạnh nội tại, tự thân và một dân tộc muốn trường tồn thì phải dựa trên nền tảng văn hoá của mình.

* Như ông vừa đề cập, trong bài viết của Tổng Bí thư có nhấn mạnh mục tiêu của phát triển bền vững là phát triển văn hoá đi đôi với phát triển kinh tế. Ông đánh giá việc phát triển văn hoá đồng bộ và đi đôi với phát triển kinh tế, tiến bộ công bằng xã hội ở Việt Nam những năm qua như thế nào?

GS. TSKH. Vũ Minh Giang: Việc phát triển văn hoá có nhiều bước tiến quan trọng và có thể nói rằng phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua có những thành tựu đặc sắc. Đấy chính là việc chúng ta đã nhìn nhận tầm quan trọng của văn hoá cao hơn.

Gần đây nhất là kết quả trong việc chống dịch COVID-19. Người ta ca ngợi nhiều về tài điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của tất cả lực lượng, tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Có những học giả, những nhà khoa học nước ngoài chỉ ra rằng đấy chính là Việt Nam khai thác được sức mạnh truyền thống. Không có nước nào mà Thủ tướng lên đài tuyên bố “chúng ta phải chống dịch như chống giặc” như ở nước ta cả. Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm, nhưng kể cả trong thời bình, người dân nhận thức được rằng chống dịch cũng là cuộc chiến tranh và mỗi một lần ứng phó với đợt bùng phát của dịch bệnh thì chính là chúng ta đang tiến hành một chiến dịch quân sự vậy. Như vậy, chúng ta có thể nói nhận thức văn hoá đã có những bước tiến.

Tuy nhiên, tổng kết gần đây của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 33 cũng chỉ ra rằng, chúng ta còn xa mới đáp ứng yêu cầu đề ra. Không ít bộ, ban, ngành, các địa phương còn coi văn hoá chỉ là lĩnh vực của ngành văn hoá, của Bộ VHTT&DL, của các sở văn hoá các tỉnh. Tư tưởng của Nghị quyết 33 là văn hoá là nền tảng tinh thần của một xã hội. Vì vậy, chúng ta phải có nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của văn hoá, về vị trí văn hoá trong sự phát triển. Bài viết của Tổng Bí thư có nhấn mạnh điều này.

CON NGƯỜI GIỮ VỊ TRÍ TRUNG TÂM TRONG PHÁT TRIỂN

* Ông có thể lý giải thêm về một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng theo lời của Tổng Bí thư là như thế nào?

GS. TSKH. Vũ Minh Giang: Văn hoá vốn đã là một sáng tạo mà không có khuôn mẫu, luôn luôn có tính đa dạng. Đấy chính là ứng xử của con người, sáng tạo trong ứng xử con người với thiên nhiên, với hoàn cảnh lịch sử, với môi trường và trong cộng đồng. Do đó, không có nền văn hoá nào giống nền văn hoá nào cả. Thật may mắn cho những quốc gia có nhiều dạng thức văn hoá khác nhau và Việt Nam là một trong những nước như vậy. Chúng ta có nền văn hoá không hề đơn điệu. Một dân tộc thống nhất từ Bắc chí Nam, thống nhất trong một chỉnh thể quốc gia nhưng lại có những dạng thức văn hoá rất phong phú, có nền văn hoá rất đa dạng. Ý tưởng của Tổng Bí thư là muốn chúng ta hợp lực để tạo được sự thống nhất nhưng cũng phải biết khai thác sức mạnh của sự đa dạng văn hoá. Chúng ta có văn hoá Bắc-Trung-Nam, có văn hoá miền biển, có văn hoá trung du, miền núi, văn hoá của các tộc người khác nhau, đấy chính là tài nguyên vô giá.

* Trong bài viết của Tổng Bí thư có đề cập đến vấn đề “đặt con người ở vị trí trung tâm”. Theo đánh giá của ông, việc “xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới" đặt ra những vấn đề gì trong bối cảnh phát triển của đất nước hiện nay?

GS. TSKH. Vũ Minh Giang: Khi ta nói đến tầm quan trọng của văn hóa thì văn hoá không phải là thứ ngoại thân, văn hoá là sáng tạo của con người mà suy cho cùng, bất cứ hoạt động chính trị nào, cuộc vận động nào thì cái đích của nó cũng là hướng tới con người và được thực hiện bởi con người. Hay nói cách khác, con người là trung tâm của mọi hoạt động. Do đó, việc Tổng Bí thư, trong bài viết của mình, nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người, chính là vừa chỉ ra bản chất của sự phát triển, vừa nhấn mạnh tính nhân văn trong đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi chúng ta giành được chính quyền kể từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 thì lần đầu tiên, trong tên của quốc gia xuất hiện hai từ “dân chủ” và “cộng hoà”. Trải qua hàng nghìn năm kể từ khi dân tộc Việt xây dựng quốc gia của mình, Việt Nam mới xuất hiện tiêu ngữ đó trong tên nước, đề cao vai trò làm chủ của người dân đối với xã hội. Đương nhiên, chính quyền đang quản lý đất nước, điều hành đất nước là chính quyền của người dân, do người dân bầu ra và phải vì người dân mà phục vụ. Mục tiêu phục vụ nằm ở 3 nội hàm trong tiêu ngữ “giữ gìn, bảo vệ nền độc lập”, “bảo đảm tự do của con người” và đặc biệt là “đem lại hạnh phúc cho nhân dân”. Tất cả những tiêu ngữ đó suy cho cùng xoay quanh con người, hướng tới cuộc sống hạnh phúc, tự do của nhân dân.

Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ ra một mục tiêu rất quan trọng là làm sao phải khơi dậy được khát vọng toàn dân để cùng nhau xây dựng được một đất nước phồn vinh, một quốc gia phát triển. Đấy là một cách diễn đạt khác của việc chúng ta coi con người chính là mục tiêu, là động lực và là trung tâm của mọi kế hoạch, mọi quyết định. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của con người. Đây là tư tưởng nhân văn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của chính Tổng Bí thư.

GIÁO DỤC SỰ TỰ TIN, BẢN LĨNH VỮNG VÀNG CHO THẾ HỆ TRẺ

* Trong bối cảnh toàn cầu hoá thì việc vừa kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hoá nhân loại cần được nhìn nhận và thực hiện như thế nào, thưa ông?

GS. TSKH. Vũ Minh Giang: Bản chất của văn hoá là sự sáng tạo của cộng đồng cư dân nhưng thuộc tính khác của văn hoá là luôn luôn tiếp biến, tức là nó phải tiếp nhận và thay đổi. Một nền văn hoá biệt lập với các nền văn hoá, nền văn minh khác thì đó là một nền văn hoá nghèo nàn và nó sẽ không thể nào phát triển theo đúng nghĩa của nó được.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, bản chất sáng tạo tại chỗ của văn hoá không thay đổi. Bất cứ dân tộc nào cũng sẽ tiếp tục phát triển và sự tiếp biến tiếp tục được nhân lên gấp bội do điều kiện giao lưu tiếp xúc và sự phát triển của khoa học công nghệ. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nội sinh và ngoại sinh. Cách xử lý của chúng ta hiện nay là phải có một bộ lọc thật tốt, phải có một sức đề kháng thật mạnh để có thể tiếp nhận được những tinh hoa thực sự của nhân loại và làm phong phú, làm giàu thêm bản sắc văn hoá của mình. Muốn vậy thì chúng ta phải có một thái độ tự tin, bản lĩnh vững vàng, đặc biệt trong đó có việc giáo dục thế hệ trẻ. Kinh nghiệm của những nước phát triển, những nước đi sau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều là: Chỉ khi nào một dân tộc biết cách biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh thì mới giành được thắng lợi. Mặc cảm rằng mình kém hơn người khác, chạy theo người khác, học mót người ta thì không bao giờ bằng được người khác cả. Người Việt Nam chúng ta có đủ nền tảng lịch sử, truyền thống để có được hai chữ “tự tin” nhưng cũng có lúc giáo dục chưa để tâm đúng mức khiến cho một số người trẻ tuổi mất phương hướng, chạy theo những giá trị lạ từ bên ngoài vào, cảm thấy tự ti, mặc cảm với những gì cha ông mình để lại.

Tôi lấy ví dụ như trong thời gian vừa qua, chúng ta có một “hiện tượng” là bóng đá Việt Nam. Một ông thầy người Hàn Quốc đến, cứ tưởng ông ấy có một phép thần gì đó nhưng không phải, chính ông ấy nói đội tuyển Việt Nam đã rất mạnh rồi, nhưng chỉ có điều cầu thủ chưa tự tin. Ông đã làm được việc là thổi vào ý thức mà người Việt Nam vốn sẵn có nhưng chưa biết khơi dậy, là ý thức dân tộc, sự tự tin. Ông đã xem rất kỹ trận đấu giữa U19 Việt Nam với U19 Australia mà U19 Việt Nam thắng tới 5-0 và có khả năng thắng thêm nữa. Đó là trận đấu mà các cầu thủ của chúng ta tiến hành trong ngày đại tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ý thức dân tộc, ý chí của một dân tộc được thể hiện thì họ có thể phát huy đến mức cao nhất những gì mình có.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Phong/VGP (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất