Chủ Nhật, 22/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 16/1/2010 9:22'(GMT+7)

Một địa chỉ sinh động để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc ở nhiều nơi, nhưng nơi Người ở và làm việc lâu nhất là Khu Phủ Chủ tịch - Hà Nội. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc ở nhiều nơi, nhưng nơi Người ở và làm việc lâu nhất là Khu Phủ Chủ tịch - Hà Nội. Ảnh tư liệu

Những di tích, tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại đây có giá trị thực tiễn rất lớn trong công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích gồm: Phủ Chủ tịch, nhà Bác chủ trì các phiên họp Bộ Chính trị, nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một số xe ô tô, nhà 54, ao cá, đường Xoài, nhà Sàn, ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh dưỡng bệnh và qua đời, nhà Hội đồng Y khoa, bếp ăn và vườn cây…

Tháng 12-1954, Đảng, Chính phủ mời Bác về ở và làm việc tại toà nhà Phủ Chủ tịch - nơi trước đây dành làm nơi ở và làm việc cho các Toàn quyền Đông Dương, nhưng Người đã từ chối và chọn một ngôi nhà nhỏ gần đó. Bác đề nghị sử dụng Phủ Toàn quyền Đông Dương làm nơi đón tiếp các đoàn khách trong nước, quốc tế và hội họp của Nhà nước và Chính phủ. Người còn dành toà nhà này làm nơi ở và làm việc cho các thượng khách quốc tế trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ký các bản tuyên bố chung với nguyên thủ các nước, là nơi các Đại sứ và Lãnh sự các nước đến trình quốc thư. Cũng chính nơi này, Người vẫn thường đón tiếp các anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, các tập thể có thành tích trong sản xuất, chiến đấu, các cháu học sinh có thành tích trong học tập và đọc thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước vào những đêm giao thừa Tết cổ truyền của dân tộc. Khoảng sân phía trước và phía sau toà nhà là nơi vào mỗi dịp 19-5 và 1-6, Người thường vui chơi với các cháu thiếu nhi.

Ngôi nhà nhỏ mà Bác chọn để ở và làm việc, trước đây là của một nhân viên ngành điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền. Người về ở và làm việc tại ngôi nhà này từ tháng 12-1954 nên gọi là di tích Nhà 54.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà

Các tài liệu hiện vật đang trưng bày tại di tích Nhà 54 đã biểu hiện sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân thế giới, cách mạng Việt Nam gắn liền với cách mạng thế giới, coi trọng sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đó là bức tượng nhà thơ Khuất Nguyên do đoàn đại biểu ĐCS Trung Quốc tặng Bác năm 1957; chiếc bàn tròn do Chủ tịch Phi đen Catxtrô (Cu Ba) gửi tặng Người; hình ảnh búp bê công chúa do ĐCS Nhật Bản tặng; mô hình chiếc trống biểu tượng hũ rượu do ĐCS Bungari tặng…

Để có một nơi ở, làm việc thuận tiện và đảm bảo sức khoẻ cho Bác, Đảng và Nhà nước làm một ngôi nhà Sàn giản dị trong Khu Phủ Chủ tịch, Người đã chuyển về ở và làm việc tại ngôi nhà này trong thời gian 11 năm cuối cùng của cuộc đời mình.

Tại ngôi nhà Sàn, ngoài việc chăm lo xây dựng đường lối, đề ra các chủ trương chỉ đạo cách mạng hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm, củng cố đoàn kết quốc tế, được thể hiện qua các tặng phẩm như chiếc đồng hồ của ĐCS Đức; chiếc khay đựng bút của Tổng thống Cu Ba Đoóc Ti Cốt (sang thăm Việt Nam ngày 29-10-1966) tặng Người…

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý các cháu thiếu nhi nên đề nghị xây thêm bệ xi măng ở tầng dưới nhà Sàn để mỗi khi các cháu vào chơi với Người có chỗ để ngồi. Biết tính trẻ con hiếu động, Bác cho đặt bể cá vàng để các cháu vào chơi thêm vui.

Trên bàn làm việc ở tầng 1 và tầng 2 nhà Sàn hiện còn tập sách “Người tốt, việc tốt”. Đây là những sách được xuất bản theo ý kiến của Bác, để kịp thời biểu dương, khen thưởng, cổ vũ mọi người làm việc tốt, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội, cho đất nước.

Nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước (2-9-1960), tại ngôi nhà Sàn, Bác đã thảo bài diễn văn, trong đó có đoạn viết: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Sau đó, Người lại gạch đi hai chữ “chậm lắm”. Tại đây, Bác còn viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (12-1958), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” (17-7-1967)… Từ ngày 10-5-1965, Bác bắt đầu viết bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Từ năm 1965 đến 1969, hàng năm cứ đến ngày 10-5, Người lại dành 1 giờ để ngồi viết và sửa bản Di chúc lịch sử này. Ở đây còn có chiếc đài bán dẫn do Việt kiều Thái Lan tặng mà Người thường nghe vào các đêm khuya.

Cũng chính tại ngôi nhà Sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào tiết kiệm và Người luôn gương mẫu đi đầu thực hành tiết kiệm.

Tại đây, năm 1958, Người tiếp đoàn đại biểu CHND Triều Tiên do Chủ tịch Kim Nhật Thành làm trưởng đoàn; năm 1960, tiếp nhà thơ Tiêu Tam; năm 1961, tiếp Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Trần Nghị (Trung Quốc); ngày 29-10-1966, tiếp Tổng thống Đoóc ti cốt (Cu Ba). Đặc biệt, năm 1960, Bác tiếp gia đình luật sư người Anh Lôgiơbie - người đã cứu Bác thoát khỏi nhà tù Hương Cảng năm 1931-1933…

Trong Khu di tích Phủ Chủ tịch còn ngôi nhà 67. Nhằm đảm bảo an toàn cho Bác mỗi khi máy bay Mỹ bắn phá Thủ đô, năm 1967, nhân chuyến Người đi công tác tại Trung Quốc trong thời gian 2 tháng, Bộ Chính trị quyết định xây dựng ngôi nhà này để Người ở (gọi là Nhà 67 vì được xây dựng vào năm 1967). Khi từ Trung Quốc về, Người lại quyết định dành ngôi nhà này làm nơi họp Bộ Chính trị để đảm bảo an toàn cho tập thể Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, không dùng riêng cho bản thân mình. Tại đây, Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng để quyết định vận mệnh của đất nước như cuộc họp ngày 14-7-1967 bàn về vấn đề Hội nghị Pari…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ở ngôi nhà 67 trong 15 ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Nơi đây đã chứng kiến những ngày đêm Bộ Chính trị, tập thể giáo sư bác sĩ trong nước và nước ngoài hết lòng chăm sóc, tận tình cứu chữa cho Bác trong những ngày Người ốm nặng. Nơi đây cũng từng chứng kiến tình cảm da diết của Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, chứng kiến những giờ phút nặng lòng của Người với non sông, đất nước. Tuy nằm trên giường bệnh nhưng hàng ngày Bác vẫn nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị đến báo cáo về tình hình hai miền Nam-Bắc. Từ ngày 28 đến 31-8-1969 các đồng chí trong Bộ Chính trị và cán bộ cao cấp đến thăm, Bác luôn quan tâm và hỏi tình hình nước sông Hồng, dặn dò chú ý đê điều. Người không quên nhắc tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh cho thật tốt để đồng bào vui chơi và thường hỏi miền Nam đánh thắng ở đâu…

Ngoài các điểm di tích trong nhà, tại Khu di tích Phủ Chủ tịch còn có rất nhiều di tích ngoài trời như vườn cây, ao cá, đường Xoài… tất cả đều toát lên phẩm chất, nhân cách cao đẹp, dung dị và một tấm gương ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người không chỉ yêu thiên nhiên bằng việc chú trọng trồng cây lấy bóng mát, cho cảnh quan thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà còn xuất phát từ lợi ích kinh tế, xã hội, xuất phát từ tình cảm đối với đất nước và mang tính nhân văn sâu sắc. Tháng 11-1959 Bác đã phát động phong trào trồng cây giữ gìn môi trường thiên nhiên mà ngày nay cả nhân loại đang quan tâm sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch kéo các rễ đa của “Cây đa kiên trì” xuống đất với mục đích giáo dục đức tính kiên trì trong công việc và trong cuộc sống. “Cây xanh bốn mùa” được Bác đưa từ Trung Quốc về trồng tại đây với mục đích nhân rộng giống cây này để trồng ở các đô thị, bớt đi nỗi nặng nhọc cho những người công nhân quét đường.

Xung quanh ao cá có rất nhiều cây cổ thụ thuộc họ tùng, bách, rễ trồi lên cao khỏi mặt đất, to, nhỏ, cao, thấp khác nhau tựa như những pho tượng Phật nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên loài cây này là “Cây bụt mọc”. Có một cây bụt mọc ở đầu cầu từ nhà Sàn qua ao bị mối ăn rỗng hết 2/3 thân cây. Anh em làm vườn định cắt bỏ cây, nhưng Bác đã hướng dẫn anh em cách cứu lấy cây khỏi chết và phát triển bình thường. Người quan niệm: “Cây cối cũng như con người, nếu bị bệnh mà biết cách và có công cứu chữa thì vẫn phát triển tốt”.

Hai cây dừa, đồng bào miền Nam tặng Bác, được Người thường xuyên chăm sóc với khát vọng Tổ quốc sớm được thống nhất, Nam-Bắc cùng chung một nhà. Bên cạnh ngôi nhà Sàn là cây vú sữa của đồng bào miền Nam kính tặng được Người tự tay trồng và chăm sóc rất chu đáo để gửi gắm tình thương yêu vô bờ của mình đối với miền Nam anh hùng, bất khuất. Hàng rào dâm bụt phía trước nhà Sàn để Người luôn nhớ về quê nhà, nhớ đến hàng rào dâm bụt vườn nhà ở Làng Sen.

Dưới thời Pháp thuộc, ao cá chỉ là một hồ nước để hươu, nai, muông thú trong khu vườn Phủ Toàn quyền Đông Dương ra uống nước. Khi Bác về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Người đề nghị các đồng chí phục vụ sửa sang, vét bùn, đắp bờ làm cho ao thêm sâu, thêm sạch và đẹp vừa để nuôi cá cải thiện đời sống, vừa giữ cảnh quan môi trường.

Các di tích ngoài trời trong Khu di tích Phủ Chủ tịch chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả. Mỗi một di tích đều mang những ý nghĩa, những thông điệp sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên, cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống...

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch từng chứng kiến những năm tháng hoạt động sôi nổi của Người. Nơi đây chứng kiến những giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị lãnh đạo cách mạng hai miền Nam-Bắc, vạch ra những sách lược và hành động cụ thể quyết định vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Nơi đây đánh dấu sự đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, phong trào cách mạng Việt Nam gắn liền với phong trào cách mạng thế giới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhịp cầu nối. Nơi đây toát lên đạo đức cách mạng, đức tính giản dị, tiết kiệm, phong cách và lối sống của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Và cũng chính nơi đây chứng kiến nỗi đau của dân tộc, của bạn bè quốc tế khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Phần lớn các điểm di tích trong nhà, ngoài trời, cũng như tất cả các tài liệu hiện vật đang được trưng bày tại Khu di tích là những minh chứng về đạo đức cách mạng, tác phong và lối sống của Người. Đây là một trường học thực tiễn có giá trị rất lớn đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân, các cán bộ đảng viên, các em học sinh, sinh viên,

Việc tuyên truyền, giáo dục và đưa những giá trị thực tiễn của Khu di tích Phủ Chủ tịch vào cuộc sống hàng ngày, thông qua tham quan, nghiên cứu, học tập thực tế, đã và sẽ là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy hiệu quả “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”./.

Đặng Quang Huy
Khu di tích Phủ Chủ tịch

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất