Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 31/10/2023 10:23'(GMT+7)

Một nguy cơ khác chực chờ ở dải Gaza

Người dân xếp hàng lấy nước ngọt tại một điểm ở thành phố Khan Younis, phía Nam dải Gaza. (Ảnh: EPA)

Người dân xếp hàng lấy nước ngọt tại một điểm ở thành phố Khan Younis, phía Nam dải Gaza. (Ảnh: EPA)

Đã hai tuần nay, 4 đứa con từ 8 đến 15 tuổi của anh Waseem Mushtaha không được đến trường. Từ khi Israel yêu cầu người Palestine ở phía Bắc dải Gaza đi sơ tán để tránh bị thương vong, anh Mushtaha đưa vợ con tạm lánh tại nhà dì ở thành phố Khan Younis, phía Nam dải Gaza. Những ngày này, thay vì tự học phép tính toán hay địa lý, bọn trẻ đang được dạy phân chia nước uống một cách hợp lý. “Mỗi sáng, tôi đưa một chai nước đầy cho mỗi đứa và nói đấy là tiêu chuẩn trong ngày. Lúc đầu chúng gặp khó khăn nhưng bây giờ đang tự giải quyết vấn đề đó”, Al Jazeera dẫn lời anh Mushtaha.

Không phải ngẫu nhiên mà anh Mushtaha khắt khe với các con trong vấn đề trên. Là nhân viên về nước và vệ sinh của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam (Anh), anh đang nhận thấy các dấu hiệu về một thảm họa sức khỏe cộng đồng có nguy cơ xảy ra xung quanh mình.

Theo Al Jazeera, do cuộc bao vây, phong tỏa của Israel ngày càng siết chặt, người dân Gaza sắp cạn kiệt nguồn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt. Thống kê từ Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, hiện mỗi người ở dải Gaza chỉ có 3 lít nước cho mọi nhu cầu cơ bản về sức khỏe bao gồm uống, giặt, nấu ăn và vệ sinh hằng ngày. Con số đó ở mức quá thấp so với 50-100 lít nước/ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Tuy nhiên, nước do những nhà cung cấp tư nhân điều hành các cơ sở khử muối quy mô nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời đã tăng giá gấp đôi kể từ ngày 7/10, khi Israel bắt đầu chiến dịch không kích dải Gaza để trả đũa cuộc tấn công bất ngờ mà Hamas thực hiện.

Mặt khác, các nhà máy khử muối đã ngừng hoạt động và chính quyền không thể bơm nước đến các khu dân cư vì thiếu điện. Nhiều người dân ở Gaza đang dựa vào nước máy mặn từ tầng ngậm nước duy nhất, vốn đã ô nhiễm bởi nước thải, hoặc thậm chí phải dùng nước mặn trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết 65 trạm bơm nước thải và tất cả 5 cơ sở xử lý nước thải tại dải Gaza buộc phải đóng cửa. Nước thải chưa qua xử lý đang đổ trực tiếp ra biển trong khi chất thải rắn cũng bắt đầu tràn ra đường phố. Cùng lúc, các sản phẩm vệ sinh đã biến mất hoàn toàn trên kệ của số ít siêu thị còn mở cửa ở dải Gaza.

Vào tháng 7/2010, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người. Các nhà khoa học khẳng định rằng, dịch vụ nước và vệ sinh bị hủy hoại là nguyên nhân chính gây ra dịch tả và nhiều bệnh truyền nhiễm chết người khác trong một cộng đồng. Mặc dù chưa ghi nhận dịch bệnh, song WHO nhận định các điều kiện hiện đã chín muồi để vi khuẩn có thể lây lan ở dải Gaza. “Viện trợ đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Gaza thời điểm này”, Tiến sĩ Richard Brennan, Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực của WHO nêu rõ.

Ngày 21/10, đoàn xe tải đầu tiên chở hàng cứu trợ cấp thiết gồm 20 chiếc của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập đã tới dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập-cửa khẩu duy nhất vào Gaza không do Israel kiểm soát. Sau đó một ngày là đoàn xe thứ hai gồm 17 chiếc. Điều này mở ra hy vọng sẽ có ngày càng nhiều đồ cứu trợ đến được đây. LHQ ước tính cần 100 xe tải chở hàng mỗi ngày mới có thể đáp ứng nhu cầu của người dân ở vùng lãnh thổ này, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức./.

VĂN HIẾU (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất