Chủ Nhật, 23/6/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 8/5/2019 22:4'(GMT+7)

Một số đề xuất đổi mới Khung Chương trình bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh hiện nay

Quang cảnh buổi tập huấn tại điểm cầu Phú Thọ hội nghị trực tuyến tập huấn 6 chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 12-2018.

Quang cảnh buổi tập huấn tại điểm cầu Phú Thọ hội nghị trực tuyến tập huấn 6 chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn thể năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 12-2018.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, làm thay đổi thị hiếu thông tin và cách truyền tin của công chúng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng âm mưu "diễn biến hòa bình", lợi dụng mạng xã hội làm công cụ tán phát thông tin xấu độc, gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội. Đó chính là những thách thức lớn đối với cán bộ tuyên giáo nói chung và ở cấp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp tỉnh dù được tổ chức khá nhiều nhưng vẫn bị lạc hậu về kiến thức và cả kỹ năng. Vì vậy, rất cần đổi mới sâu sắc hơn cả về nội dung và phương pháp bồi dưỡng cho cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh.

NHỮNG NỘI DUNG CẦN BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH

 Thứ nhất, cập nhật, bổ sung về kiến thức cơ bản. 

Một là, cập nhật kiến thức về lý luận cơ bản để giúp cho người làm công tác tuyên giáo có tư tưởng chính trị đúng đắn, lập trường chính trị vững vàng. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những kiến thức này cần được biên soạn với những vấn đề cốt lõi và liên hệ thực tế hiện nay một cách thiết thực.

Từ thực tế đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh Phú Thọ cho thấy, phần lớn cán bộ qua đào tạo ở các chuyên ngành không chuyên sâu về lý luận chính trị; môi trường làm việc khi mới ra trường là các trường học phổ thông hoặc cơ quan thuần túy chuyên môn, ngoài một số được học chương trình lý luận chính trị theo yêu cầu qui hoạch, bổ nhiệm thì nhìn chung ngày càng bị xa rời những kiến thức về lý luận cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay còn chưa cao, vì vậy đội ngũ cán bộ trẻ bị hụt hẫng kiến thức về lý luận cơ bản. Nếu không kịp thời bồi dưỡng một cách bài bản, vững chắc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong tham mưu tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Hai là, cập nhật kiến thức thực tế liên quan đến công tác tuyên giáo nói chung và từng lĩnh vực cụ thể. Đây cũng là mảng kiến thức mà nhiều cán bộ tuyên giáo còn thiếu và yếu. Theo Quy định số 219 - QĐ/TW trước đây và Quy định số 04 – QĐ/TW mới đây của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cấp ủy trên các lĩnh vực vừa rộng lớn vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, liên quan đến đời sống tinh thần xã hội, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Có lĩnh vực đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu và đúc kết thực tiễn cao như lý luận chính trị; có lĩnh vực đòi hỏi đội ngũ tham mưu phải có kiến thức và những hiểu biết về thực tế chuyên ngành như lĩnh vực khoa giáo, văn hóa - văn nghệ. Trong khi đó, cuộc sống luôn biến đổi không ngừng, có những kiến thức, kinh nghiệm tốt được vận dụng thành công hôm qua, đến ngày mai rất có thể mau chóng bị lạc hậu. Vì vậy, cán bộ Tuyên giáo rất cần được cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để có thể ứng phó với tình huống phát sinh, nhất là nhiều vấn đề có tính chính trị nảy sinh từ y tế, giáo dục, dân số, môi trường, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tổ chức, quản lý lễ hội, quản lý báo chí, văn học nghệ thuật...

Những vấn đề thực tế cần cập nhật ở đây là: thực tế hoạt động của ngành, thực trạng triển khai nghị quyết của Đảng về ngành và lĩnh vực đó, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên trong ngành và những phản hồi khác từ thực tế.

Thứ hai, cập nhật, bổ sung một số kỹ năng cần thiết.

Trước hết, cán bộ tuyên giáo cần phải rèn luyện hai kỹ năng cơ bản là nói và viết. 

Rèn luyện hai kỹ năng này để đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay là rất cần thiết. Thực tế đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh có một bộ phận lớn được đào tạo sư phạm và đã trải qua giảng dạy. Khi về làm việc trong ngành tuyên giáo, hầu hết, các cán bộ đó không tự tin khi soạn thảo những văn bản quan trọng hoặc làm báo cáo viên các hội nghị cấp tỉnh, huyện. Trong các quy định, quy chế của Đảng cũng chưa có quy định nào bắt buộc về yêu cầu này ở cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh. Nhưng thực tế lại luôn đòi hỏi phải có, thậm chí cán bộ tuyên giáo phải nói hay, viết hay mới có sức thuyết phục. Các lớp tập huấn cần bố trí một số chuyên đề sâu về 2 kỹ năng này, tổ chức thực hành huấn luyện cho cán bộ còn yếu về 2 kỹ năng nói và viết, nhất là cán bộ trẻ đang chiếm số đông ở ban tuyên giáo cấp tỉnh. 

Bên cạnh đó, cần cập nhật, bổ sung những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo cấp tỉnh như: kỹ năng nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, kỹ năng tổng hợp thông tin thời sự, kỹ năng đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên mạng, kỹ năng tổ chức sự kiện...

ĐỀ XUẤT VỚI BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Từ thực trạng đội ngũ cán bộ, tác giả bài viết đề xuất lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét chỉ đạo một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo một số nội dung sau:

Thứ nhất, định hướng công tác bồi dưỡng, tập huấn hàng năm cho cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp tỉnh với một chương trình thống nhất. Chương trình này cần được ưu tiên cho chuyên viên ban tuyên giáo cấp tỉnh, bởi lẽ, tất cả lãnh đạo ban tuyên giáo cấp tỉnh đều được bồi dưỡng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được tổ chức hàng năm; trong khi đó, chuyên viên không có đợt bồi dưỡng nào về lý luận chính trị.

Thứ hai, chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nội dung tập huấn, bảo đảm tính cơ bản, nền tảng, tích hợp như nội dung các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo ban tuyên giáo cấp tỉnh được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm, không nên chia theo mảng công việc của từng vụ để tập huấn như vừa qua. Cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp tỉnh thường được phân công nhiệm vụ một cách linh hoạt từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khá. Thực tế đó có mặt tích cực là rèn luyện cán bộ một cách toàn diện, song cũng có mặt bất cập là cán bộ thường mất một thời gian tiếp cận, làm quen với môi trường mới. Vì vậy, nội dung tập huấn cần có những vấn đề cơ bản, là nền tảng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tuyên giáo; đồng thời từng lĩnh vực cũng phải có chuyên đề chuyên sâu. Các lớp tập huấn kỹ năng cần mang tính huấn luyện thực hành các kỹ năng cụ thể, gắn với các công việc thường xuyên phải thực hiện, khắc phục việc nghe giảng lý thuyết một chiều...

Hiện nay, chưa có quy định chuẩn đầu vào của cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh. Vì vậy, cần phân loại đối tượng tập huấn để khắc phục việc có người tập huấn nhiều lớp, có người không được tập huấn lần nào. Hơn nữa, việc phân loại đối tượng tập huấn phải đi đôi với việc bố trí nội dung tập huấn phù hợp. Đó là, báo cáo viên cấp Trung ương, cấp tỉnh phải trải qua tập huấn, có sát hạch để cấp thẻ; cán bộ tổng hợp phải được bổ sung về kỹ năng tổng hợp, cán bộ các Trung tâm thông tin phải được trang bị kiến thức tối thiểu về biên tập, xuất bản, lãnh đạo phòng, ban cấp tỉnh phải học thêm kiến thức về công tác lãnh đạo, quản lý; chuyên viên phải học thêm kiến thức thực tế và kỹ năng tham mưu (xây dựng kế hoạch, xây dựng báo cáo, xây dựng hướng dẫn, xây dựng tờ trình…). 

Chương trình tập huấn dành cho cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh nên chia làm 2 nhóm: chương trình cập nhật, bổ sung kiến thức và chương trình tập huấn kỹ năng nghiệp vụ. Đối với chương trình cập nhật, bổ sung kiến thức nên làm thường xuyên, chương trình tập huấn kỹ năng nghiệp vụ căn cứ vào đối tượng phải tập huấn trong nhiệm kỳ để phân chia, bố trí lớp với cùng đối tượng phù hợp.

Cuối khóa tập huấn cần cấp giấy chứng nhận, coi đây là một loại chứng chỉ nghề nghiệp bắt buộc để tất cả lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên ban Tuyên giáo cấp tỉnh đều phải qua lớp bồi dưỡng ít nhất 1 lần trong 1 nhiệm kỳ. Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng thừa biên chế nhưng thiếu người làm việc. 

Trong lớp tập huấn, bồi dưỡng, có tổ chức thăm quan mô hình thực tế ở các tỉnh, thành ủy.

ThS. Nguyễn Thị Kim Loan 
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất