Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 7/8/2013 17:0'(GMT+7)

Tháng 7: Sức mua phục hồi, tồn kho giảm dần

Sản xuất công nghiệp: nhiều ngành tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 7, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,0% so với tháng 7 năm 2012, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,2% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 11,6%. Những ngành có tốc độ tăng cao gồm: khai thác và thu gom than cứng tăng 27,1%; khai thác khí đốt thiên nhiên tăng 30,0%; sản xuất trang phục tăng 44,1%; sản xuất giầy dép tăng 34,1%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 19,4%; sản suất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 15,2%; sản suất và phân phối điện tăng 9,2%... Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,7%. Những ngành công nghiệp có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: khai thác khí đốt tự nhiên tăng 10,2%; sản xuất bia tăng 11,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 39,3%; sản xuất giày dép tăng 17,3%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 11,6%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 10,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,5%; sản xuất pin và ắc quy tăng 25,9%; sản xuất thiết bị điện các loại tăng 11,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 17,3%.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đã được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sợi tăng 14,0%; sản xuất vải dệt thoi tăng 19,7%; sản xuất hàng may sẵn tăng 83,9%; may trang phục (trừ trang phục từ lông thú) tăng 13,4%; sản xuất giày, dép tăng 27,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 19,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,2%; sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 18,4%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 16,8%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 17,0%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 14,7%, v.v...

Nhờ tăng cường thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ nên hàng tồn kho đã và đang giảm mạnh. Chỉ số tồn kho nhiều ngành giảm nhiều so với năm trước gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%; may trang phục giảm 1,3%; sản xuất giầy, dép giảm 19,2%; sản xuất xi măng giảm 33,7%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 75,2%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 76,9%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 18,9%; sản xuất ô tô giảm 38,1%, v.v...

Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao

Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 9,8% so với tháng 7 năm 2012, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 6 và tăng 19,5% so với tháng 07 năm 2012. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó: xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 43,96 tỷ USD, tăng 26,3%. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã đa dạng hơn và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dệt may, dầu thô, giày dép, v.v… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm trên 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 11,0 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng 6 và tăng 11,6% so với tháng 7 năm 2012, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng 6 và tăng 15,5% so với tháng 7 năm 2012.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 73,47 tỷ USD, tăng 15,0% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 32,14 tỷ USD, tăng 5,2%, chiếm tỷ trọng 43,7%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 41,33 tỷ USD, tăng 24,0% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt trên 64,63 tỷ USD, tăng 14,8% và chiếm tỷ trọng 88,0%; kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 2,59 tỷ USD, tăng 4,3% và chiếm tỷ trọng 3,5%; kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 3,36 tỷ USD, tăng 15,7% và chiếm tỷ trọng 4,6%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 2,89 tỷ USD, tăng 29,8%, chiếm tỷ trọng 3,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Siết chặt kiểm soát thực phẩm

Tại họp báo, trả lời vấn đề nóng nổi lên trong thời gian qua gây bức xúc dư luận là thực phẩm thẩm lậu vào Việt Nam, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Lực lượng Quản lý thị trường đã thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong tháng đã kiểm tra 4.523 vụ, xử lý 2.652 vụ với tổng số thu trên 19,074 tỷ đồng, trong đó: tiền thu xử phạt hành chính là 13,451 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 5,603 tỷ đồng, truy thu thuế là 19,562 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán là 59,411 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy là 357,079 triệu đồng.

Hiện nay, có nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước có dư lượng chất kháng sinh cao, gấp gần 8 lần cho phép. Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Lam cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thiết lập kênh phân phối tốt, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Liên quan đến vụ việc sữa bột nghi bị nhiễm khuẩn được nhập khẩu nguyên liệu của hãng Fonterra (New Zealand) vào Việt Nam và bày bán trên thị trường, ông Lam cho biết: Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng sữa, đồng thời sẽ xử lý các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Sẽ có Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm nhất đó là: "thời gian tới giá xăng dầu có được điều chỉnh giảm hay không?". Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, việc quyết định tăng giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ sở tính giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày, thuế nhập khẩu, trích quỹ bình ổn giá. Theo đó, dù giá xăng dầu thế giới cuối tháng 7 có giảm thì giá trong nước cũng chưa thể điều chỉnh giảm được. Thời gian tới, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm và các yếu tố được quy định theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP cũng giảm thì các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng phải giảm giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp với quy định của Nghị định trên.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định khác thay thế cho Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và sẽ trình Chính phủ vào ngày 30/9 tới. Do đó, tất cả các diễn biến của thị trường xăng dầu cũng như việc điều hành giá xăng dầu từ nay đến thời điểm 30/9, vẫn phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 84.

Triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất

Tổng kết và chỉ đạo các biện pháp thực hiện trong tháng 8, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, các doanh nghiệp thuộc Bộ cần bám sát tình hình thực tế, tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa để giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá và chống chuyển giá; tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.

Rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phù hợp với cam kết quốc tế; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (nhất là xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ); phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án đổi mới hệ thống phân phối, kinh doanh và giá khí theo cơ chế thị trường trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2013.

Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện, không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất và dân sinh; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối khả năng phát điện và cấp nước tưới trong vụ hè thu; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ngoài kế hoạch được duyệt ngoại trừ trường hợp bất khả kháng; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên: thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của các tháng cuối năm; cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã được phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, đi công tác trong nước và nước ngoài, hội nghị, hội thảo... tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ cơ quan Bộ tới các đơn vị thuộc Bộ./.

(Cổng TTĐT Bộ Công Thương)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất