Ở nước ta, đào tạo từ xa (ĐTTX) bậc đại học bắt đầu những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, giáo dục nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện ở mọi cấp học, bậc học, đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phúc tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục của các cơ sở đào tạo, ĐTTX bậc đại học cần xác định lại vai trò và sứ mệnh của mình. Đồng thời, ĐTTX cần có những đổi mới nhất định để đáp ứng những yêu cầu mới nhằm hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, mang tầm khu vực; góp phần tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
THỰC TRẠNG ĐTTX BẬC ĐẠI HỌC Ở NƯỚC TA
Đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đào tạo mở và từ xa không chỉ là giải pháp toàn cầu, là phương thức giáo dục có triển vọng nhất ở thế kỷ XXI, mà còn là phương thức hỗ trợ việc xây dựng xã hội học tập, là công cụ để học tập suốt đời.
Trong những năm qua, hệ thống ĐTTX bậc đại học ở nước ta đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Loại hình này đã góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho người dân được học suốt đời, khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với trung tâm văn hóa, cơ sở giáo dục, thực hiện chính sách dân tộc và công bằng xã hội về giáo dục. Người học tận dụng được nhiều kênh thông tin để tiếp cận kho tri thức nhân loại; nhà trường bớt được chi phí xây dựng trường, lớp học.
Ở nước ta, nhận thức được vai trò của ĐTTX trong sự nghiệp phát triển giáo dục, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối rõ ràng về phát triển ĐTTX. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đã xác định: "Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa". Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ĐTTX cũng đã được đề cập tại Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, được phê duyệt theo Quyết định số 1559/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ: “Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ĐTTX nhằm nâng cao chất lượng chương trình ĐTTX cấp văn bằng và khuyến khích các cơ sở giáo dục áp dụng công nghệ ĐTTX tiên tiến".
Ngay sau khi có chủ trương áp dụng loại hình ĐTTX ở bậc đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành văn bản quy định các điều kiện về tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp theo hình thức giáo dục từ xa. Tại Kế hoạch số 431/KH-BGDĐT ngày 22/6/2016 của Bộ GD-ĐT về thực hiện Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, vấn đề chính sách phát triển hình thức ĐTTX cũng đã được trình bày cụ thể hơn, với 2 nhiệm vụ chủ yếu: 1) xây dựng và ban hành Quy chế ĐTTX trình độ đại học thay thế cho các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 40/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/8/2003 của Bộ GD-ĐT; 2) xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình ĐTTX. Bên cạnh đó, công tác tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng ĐTTX của các cơ sở đào tạo cũng được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng của loại hình đào tạo này.
Một số trường trong hệ thống giáo dục đại học sau khi được Bộ GD-ĐT cấp phép đưa vào triển khai đã tạo nên bước chuyển tích cực về việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ người học, góp phần tạo cơ hội tốt cho người học cả về không gian và thời gian.
Trong quá trình triển khai ĐTTX, các cơ sở đào tạo đại học đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức quản lý đào tạo, thi kiểm tra học phần, thi tốt nghiệp theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Công tác chuẩn bị học liệu bước đầu được triển khai khoa học, đầy đủ, kịp thời, công tác tư vấn được thực hiện nhằm giúp học viên nhanh chóng hội nhập với phương thức đào tạo mới. Với tính ưu việt của loại hình ĐTTX, đối tượng những người còn khó khăn, chưa có điều kiện đi học thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được giải quyết phần nào. Tại các tỉnh, thành phố lớn, đối tượng những người đi làm, đã có việc làm và những người muốn học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc cũng đã được tiếp cận với ĐTTX, giúp họ giải quyết được các khó khăn về mặt không gian, thời gian.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, nhìn vào thực tiễn ĐTTX hiện nay của nước ta, cần thẳng thắn thừa nhận loại hình đào tạo này vẫn còn không ít bất cập, chưa đáp ứng được những mục tiêu, nhiệm vụ về ĐTTX đề ra trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của nước nhà và xu thế hội nhập quốc tế của giáo dục hiện nay. Điều này thể hiện ở một số nhân tố liên quan tới quá trình triển khai ĐTTX như: cơ sở hạ tầng; tài liệu, giáo trình đào tạo; quy trình thi, kiểm tra, đánh giá; nguồn lực tài chính...
Về cơ sở hạ tầng, điều kiện hạ tầng thông tin, cơ sở vật chất và học liệu phục vụ cho ĐTTX còn hạn chế khiến cho loại hình này chưa phát triển như mục tiêu đề ra. Có những nơi, học viên phải đến tận cơ sở đào tạo để học từ xa, phòng học chật chội và số học viên trong một lớp quá cao, không thể đảm bảo chất lượng. Các cơ sở đào tạo chưa chú trọng đúng mức về việc sử dụng thiết bị nghe - nhìn và công nghệ thông tin hiện đại trong triển khai ĐTTX. Điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và phần mềm chuyên dụng còn thiếu, còn lạc hậu và chưa đồng bộ.
Về tài liệu, giáo trình đào tạo: nhiều cơ sở đào tạo chưa có đủ học liệu dành riêng cho ĐTTX, phải dùng giáo trình đào tạo hệ chính quy tập trung cho loại hình ĐTTX. Điều này khiến cho học viên gặp khó khăn trong học tập và luôn bị động trong tiếp cận tri thức. Chưa có quy định rõ ràng, thống nhất về tiêu chuẩn của học liệu xây dựng cho ĐTTX ; thiếu những quy định phù hợp về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức ĐTTX tại Việt Nam nên khó kiểm soát được chất lượng giảng dạy và học tập.
ĐTTX là loại hình mà trong đó người dạy và người học gián cách nhau về không gian và thời gian trong phần lớn quá trình đào tạo. Vì vậy, sự truyền tải thông tin giữa thầy và trò chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống học liệu được biên soạn và chuẩn hoá. |
Về quy trình tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá: công tác tuyển sinh còn lỏng lẻo, thiếu khoa học, chưa được kiểm soát chặt chẽ;nhiều nơi còn chạy theo số lượng bởi quan niệm đây là loại hình đào tạo nhằm nâng cao thu nhập cho nhà trường và cán bộ giáo viên mà quên đi sứ mệnh của nó. Bên cạnh đó, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng ĐTTX chưa được chú trọng đúng mức. Công tác tổ chức thi còn lơi lỏng, thiếu nghiêm túc.
Chương trình và quá trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng. Vấn đề đánh giá và kiểm định chưa được thực hiện tốt, những tiêu chuẩn và hệ thống đảm bảo chất lượng ĐTTX chưa rõ ràng, chưa xác định được cụ thể hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng phù hợp với bối cảnh trong nước. Thi và kiểm tra, đánh giá chưa thể hiện được tính ưu việt của ĐTTX. Từ lâu nay, việc thi và kiểm tra, đánh giá học viên học loại hình này chủ yếu được tổ chức tại các cơ sở đào tạo ở địa phương theo phương pháp tự luận, có nơi, có lúc chưa đảm bảo được chất lượng và tính khách quan.
Những hạn chế trên là nguyên nhân khiến ĐTTX của nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng, điều này thể hiện rõ ở việc giảm niềm tin của xã hội đối với chất lượng ĐTTX và thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo có ĐTTX trên cả nước đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây. Điều này trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới về ĐTTX.
Trong số 21 cơ sở giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT cấp phép tiến hành các chương trình ĐTTX, đến nay mới có 17 cơ sở tuyển sinh được.
|
GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐTTX BẬC ĐẠI HỌC
Hướng tới một loại hình ĐTTX có chất lượng, đáp ứng nhu cầu về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế về ĐTTX, ĐTTX nước ta cần có một tầm nhìn, một hướng đi đúng đắn.
Thứ nhất, cần nghiêm túc tổ chức tổng kết kết công tác ĐTTX, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là ý kiến các cơ sở giáo dục đại học có ĐTTX để thấy rõ được thực trạng của công tác này thời gian qua. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc triển khai công tác ĐTTX trong thời gian tiếp theo.
Thứ hai, coi trọng vấn đề học tập và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm ĐTTX của các nước đã có nhiều thành tựu trong công tác này. Việc sao chép một mô hình đào tạo ở nước ngoài là vô cùng dễ dàng, tuy nhiên, áp dụng mô hình ấy để có một kết quả tốt lại là đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng, áp dụng hợp lý, khoa học.
Cần lấy xuất phát điểm là văn hóa, kinh tế, chính trị, bối cảnh giáo dục của nước nhà làm cơ sở cho việc tiếp thu và áp dụng mô hình giáo dục. Cần tính đúng, tính đủ các thành tố làm nên thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, khi đó chúng ta mới có được một sự ứng dụng mô hình thành công, có giá trị thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục trong nước. |
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tính ưu việt cũng như những giá trị to lớn mà công tác ĐTTX mang lại; góp phần tạo cơ sở quan trọng để tiến hành triển khai loại hình đào tạo này có hiệu quả.
Thứ tư, xuất phát từ thực trạng ĐTTX của nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập cho thấy, cần có một bước chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, cơ sở học liệu, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý... trước khi triển khai sâu rộng loại hình đào tạo này. Tận dụng và phát huy tối đa những mặt tích cực của công nghệ hiện đại (công nghệ thông tin, máy tính, Internet...) trong ĐTTX. Cần có lộ trình, các bước triển khai hợp lý, rút ra những kinh nghiệm và bài học kịp thời trong từng giai đoạn, tiến tới có sự áp dụng phổ biến sâu rộng.
Thứ năm, phải có quy chế phù hợp cho loại hình ĐTTX. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá khách quan, nghiêm túc đối với chất lượng ĐTTX, chất lượng học tập của người học, chất lượng giảng dạy của đội ngũ nhà giáo và chất lượng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục để có sự điều chỉnh kịp thời./.
TS. Đào Nguyên Phúc
Ban Tuyên giáo Trung ương