Thứ Bảy, 19/10/2024
Lý Luận
Thứ Bảy, 19/10/2024 10:3'(GMT+7)

Đồng chí Lý Tự Trọng, người cộng sản kiên trung bất khuất, tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo

Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng ở thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Khu tưởng niệm anh hùng Lý Tự Trọng ở thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG - TẤM GƯƠNG NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ra ở làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) để gây dựng tổ chức cộng sản. Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào cách mạng của thiếu nhi sau này. Do lúc đó không thể đưa trẻ em ở trong nước sang nên Người đã chọn 10 em gái và trai, là con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu để huấn luyện, trong số đó có Lê Hữu Trọng.

Tại đây, Lê Hữu Trọng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy - tên gọi bí mật của Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ) và được Người giới thiệu vào học tại cấp tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu. Lý Tự Trọng cũng được tham gia các lớp học do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy nhằm trang bị kiến thức về địa lý, lịch sử Việt Nam; về nỗi khổ cực của người dân mất nước; về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ của thiếu nhi Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng. Năm 1928, Lý Tự Trọng được tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được giao nhiệm vụ làm liên lạc, giúp việc tại cơ quan Tổng bộ. Lý Tự Trọng góp phần tích cực vào việc liên lạc, chuyển thư từ tài liệu cách mạng.

Giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn để đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Hội; đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Đầu năm 1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo các tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Tổng Công hội đỏ đã tổ chức 1 cuộc mít ting gồm 3 người: Đồng chí Quảng (tức Phan Bôi, Hoàng Hữu Nam) là Trưởng ban; đồng chí Huy (Lý Tự Trọng) và một người nữa. Ngày 8-2-1931, đồng chí Phan Bôi cùng các chiến sỹ cách mạng tổ chức mít ting kêu gọi quần chúng vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Trước đó, toàn quyền Pháp đã có công điện lưu ý các tỉnh trưởng về “họa cộng sản” và ra lệnh phải kiên quyết bằng mọi phương tiện ngăn chặn không để xảy ra các vụ biểu tình trên địa bàn tỉnh và dập tắt nếu có xảy ra. Vì vậy, ngay khi cuộc diễn thuyết chớp nhoáng vừa kết thúc thì mật thám và cảnh sát Pháp ập tới. Để giải cứu cho đồng chí Phan Bôi, Lý Tự Trọng không sợ sự nguy hiểm, không màng đến an nguy của bản thân, đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám. Sau đó, Anh nhanh trí hòa vào dòng người để trốn thoát. Tuy nhiên, Lý Tự Trọng bị cảnh sát Pháp truy đuổi gắt gao, bị bắt và đưa giam ở Khám Lớn – Sài Gòn.

Đồng chí Lý Tự Trọng (1914 - 1931).

Đồng chí Lý Tự Trọng (1914 - 1931).

Khám Lớn - Sài Gòn cùng với Tòa án và Dinh Thống đốc Nam Kỳ nằm ba góc ở trung tâm Sài Gòn là “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ, được mệnh danh là “Tam giác quỷ” - nỗi khiếp sợ của cả tù nhân và người dân. Thực dân Pháp đặt một máy chém cao 4,5 m, lưỡi dao nặng 50 kg được đưa từ Pháp sang năm 1917. Tại Khám Lớn, thực dân Pháp thường sử dụng những thủ đoạn tra tấn dã man với những trận đòn bằng điện, đổ nước xà phòng, thôi miên và ngón đòn “lộn mề gà” để làm lung lạc ý chí, tinh thần của người cộng sản.

Bắt được Lý Tự Trọng, thực dân Pháp dùng mọi nhục hình man rợ để tra tấnthể xác và tinh thần, hòng moi được bí mật của Đảng và các đồng chí lãnh đạo. Hồ Chí Minh trong bài Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng đã viết: “Trong quyển Đông Dương kêu cứu” nêu những tội ác của thực dân Pháp, bà Viôlít (một ký giả Pháp nổi tiếng) đã viết chuyện về đồng chí Trọng đại ý như sau: Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng. Y không khỏi xấu hổ cho người Pháp tự xưng là văn minh mà đã tra tấn dã man một thanh niên như Trọng. Làm một người cha, y không nén nổi lòng thương xót một người bằng lứa con mình như Trọng...”(1).

Được tin địch tra tấn Lý Tự Trọng dã man, ở Khám Lớn – Sài Gòn đã nổ ra một cuộc tuyệt thực vào ngày 23-2-1931. Ngày 18-4-1931, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã đưa ra xét xử và kết án tử hình Lý Tự Trọng và 20 năm khổ sai đày ra Côn Đảo. Tại phiên tòa, Lý Tự Trọng đã biểu thị dũng khí đấu tranh, lên án kẻ thù xâm lược và nhà cầm quyền thực dân Pháp. Một luật sư tại phiên tòa có ý “bênh vực” cho Lý Tự Trọng, đã nói: “Bị can chưa đến tuổi thành niên, nên hoạt động không có suy nghĩ”. Tuy nhiên, Lý Tự Trọng đã đứng phắt dậy, khảng khái trả lời: “Tôi hành động không phải là không có suy nghĩ. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường của cách mạng, không thể có con đường nào khác”(2). Không khuất phục được ý chí và tinh thần cách mạng của Lý Tự Trọng, ngày 20-11-1931, thực dân Pháp đã đưa Anh lên máy chém ngay trước Khám Lớn - Sài Gòn, nhằm uy hiếp chiến sĩ và đồng bào.

Sự hy sinh của Lý Tự Trọng đã ngời sáng tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất, sẵn sàng xả thân vì độc lập của dân tộc. Lý Tự Trọng đã truyền ngọn lửa yêu nước, cách mạng lại cho những người ở lại. Ngay sau đó, một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi đã diễn ra ở Sài Gòn - Chợ lớn và đặc biệt là trong Khám lớn – Sài Gòn của những người tù chính trị đã bùng lên mạnh mẽ, buộc thực dân Pháp phải có những chính sách nhân nhượng.

TẤM GƯƠNG SÁNG CHO THẾ HỆ TRẺ HỌC TẬP VÀ NOI THEO

“Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động hăng hái ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc”(3). Đây chính là sự khẳng định về sức lan tỏa từ tấm gương hi sinh bất khuất của đồng chí Lý Tự Trọng. Cuộc đời hoạt động cách mạng và những hy sinh, cống hiến của đồng chí đã để lại cho toàn thể nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ những bài học lớn.

Thứ nhất, sống có lý tưởng, mục đích cao đẹp vì nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Mặc dù sinh ra ở Thái Lan, là một người con xa quê nhưng Lý Tự Trọng được nuôi dưỡng bởi tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của gia đình. Khi chứng kiến đất nước bị lầm than, nô lệ dưới ách thống trị của thực dân, từ sâu thẳm người thiếu niên nhỏ tuổi Lý Tự Trọng đã nuôi khát vọng, chí lớn, xác định trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc.

Khi được hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập, với những tôn chỉ mục đích rõ ràng, tình yêu đất nước của Lý Tự Trọng đã được dẫn dắt bởi một tư tưởng cứu nước đúng đắn, đó là cứu nước bằng con đường cách mạng vô sản. Xác định được lý tưởng sống cao đẹp, Lý Tự Trọng tuyệt đối tin tưởng, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, dấn thân và tin tưởng tuyệt đối vào con đường đã chọn.

Trao bức ảnh phục chế đến Ban Quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng

Trao bức ảnh phục chế đến Ban Quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng

Tại phiên tòa, Lý Tự Trọng đanh thép trả lời: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy!” - thứ “cơm” của thực dân đế quốc mà tên Bộ trưởng thuộc địa Pháp đã “mùi mẫn” đưa ra để dụ dỗ người thanh niên yêu nước cùng với những “quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng” “chỉ cần anh thật thà hối cải” về những hành động do “Tuổi thanh niên ngông cuồng” gây ra. Thái độ kiên quyết trả lời của Lý Tự Trọng cho thấy anh tuyệt đối kiên định và tin tưởng, không bao giờ hối hận vào sự lựa chọn lý tưởng cách mạng của mình, dù có phải đối mặt với cái chết.

Lý Tự Trọng đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng. Câu nói của đồng chí tại phiên tòa kết án tử hình: “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” chính là lời tuyên bố đanh thép trước kẻ thù về một lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Đó cũng chính là bài học lớn cho thanh niên hiện nay trong việc lựa chọn cho mình lý tưởng sống có ý nghĩa, vì dân tộc, vì cộng đồng, vì lẽ phải và chính nghĩa.

Thứ hai, tiên phong đối mặt với khó khăn, nguy hiểm.

Thanh niên là cầu nối giữa thế hệ trẻ và thế hệ già, tiếp sức cho thế hệ trước và dìu dắt thế hệ sau. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Người thanh niên Lý Tự Trọng chính là tấm gương tiêu biểu trong tiên phong, đi đầu, không quản ngai khó khăn, nguy hiểm.

11 tuổi, lứa tuổi mà nhiều trẻ em vẫn còn chưa rời xa khỏi vòng tay của người thân thì người thiếu niên Lý Tự Trọng đã rời xa gia đình sang Trung Quốc và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, Lý Tự Trọng đã đóng góp sức lực của mình vào việc xây dựng và phát triển tổ chức của Hội.

16 tuổi, Lý Tự Trọng được được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức tin tưởng giao cho trọng trách trở về nước tham gia công tác vận động thanh niên để tiến tới thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – tổ chức tập hợp những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng vô sản. Năm 1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng quyết định tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản. Lý Tự Trọng là người vào Đoàn đầu tiên mà cũng là người đầu tiên được giao nhiệm vụ tuyên truyền và tổ chức cho Đoàn.

17 tuổi, đối mặt với tòa đại hình Sài Gòn (lần đầu tòa đại hình mở ra để xử một người cộng sản chưa thành niên). Mặc dù bản án của thực dân Pháp đang đe dọa mạng sống, trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, ngày ngày tập thể dục, đọc Truyện Kiều nơi bốn vách tường loang lổtối tăm ghê rợn của nhà tù thực dân khiến cho bọn lính canh cảm phục, kính nể gọi Anh là ÔNG NHỎ.

Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng hát bài Quốc tế ca bằng câu mở đầu đầy khí phách: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...!”, và những tiếng hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”.

Hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh bí mật, vừa phụ trách việc giao thông liên lạc của Đảng, vừa tuyên truyền tổ chức cho Đoàn, vừa lao động để kiếm sống, Lý Tự Trọng đã nêu một tấm gương lớn cho thanh niên về tinh thần nhiệt tình, hăng say, dám dấn thân, xả thân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, tiên phong trong những nhiệm vụ mà tổ chức tin tưởng giao phó và cống hiến hết sức lực của mình khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, nỗ lực học tập, không ngừng vươn lên.

Từ nhỏ, Lý Tự Trọng vốn là người ham học hỏi. Đến khi tham gia hoạt động cách mạng, được tham gia vào nhóm thiếu niên Việt Nam tại Quảng Châu, Lý Tự Trong luôn nỗ lực, cố gắng và học tập thật tốt những nội dung được Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, mở rộng kiến thức và hiểu biết, không chỉ về lịch sử, địa lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam mà còn nắm bắt được những thông tin về phong trào cách mạng trên thế giới.

Không lâu sau khi đến Quảng Châu, với tinh thần ham học hỏi, Lý Tự Trọng đã nhanh chóng thông thạo tiếng Trung Quốc và học thêm tiếng Anh. Nhờ những hiểu biết của mình, Anh hăng hái hoạt động và xông xáo đi sâu vào tận công xưởng, trường học vận động thanh niên và học sinh tham gia phong trào yêu nước. Bên cạnh công tác quần chúng, Lý Tự Trọng còn làm một số việc cụ thể khác như phiên dịch tiếng Trung và tiếng Anh, làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy… Sau này, Hồ Chí Minh nhận xét: “Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp. Cho nên anh em quen gọi là “Trọng con””(4).

Tinh thần vượt khó, nỗ lực học tập, không ngừng vươn lên của đồng chí Lý Tự Trọng là bài học lớn cho thanh niên Việt Nam hiện nay trong bối cảnh nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, chất xám, trí tuệ củacon người được xác định là nhân tố quyết định lợi thế của mỗi quốc gia.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(5). Ngày nay, các thế hệ thanh niên Việt Nam đang được tiếp sức bởi những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà người thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng cùng với hàng triệu, hàng triệu các bậc tiền bối đã hy sinh xương máu. Thế hệ thanh niên Việt Nam sống xứng đáng với những bậc tiền nhân, hãy biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất,bằng ý chí và hành động cụ thể thúc đẩy đất nước phát triển, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

TS. TRẦN THỊ HỢI
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

_________________


(1) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.14, tr.270, 268.

(2) Xem: Nhắc lại câu nói ‘Tôi hành động có suy nghĩ..." của anh hùng Lý Tự Trọng, https://thanhnien.vn/nhac-lai-cau-noi-toi-hanh-dong-co-suy-nghi-cua-anh-hung-ly-tu-trong-185893241.htm

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.88.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.168.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất