Trong những năm gần đây, tôn giáo phát
triển mạnh mẽ, gia tăng về số lượng các tổ chức, hệ phái, dòng tu tôn
giáo, số lượng các tổ chức tôn giáo được nhà nước Việt Nam công nhận
hoặc cấp phép hoạt động (để tiến tới công nhận pháp nhân tôn giáo) đã
tăng gấp 7 lần.
Năm 1999, chỉ có 6 tổ chức thuộc 6 tôn
giáo được Nhà nước công nhận (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Islam
giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo) với khoảng 14,7 triệu tín đồ (chiếm
khoảng 19,4% dân số). Năm 2011, đã có 34 tổ chức thuộc 13 tôn giáo được
chính thức công nhận với khoảng 25 triệu tín đồ (chiếm 28,4% dân số).
Năm 2022, đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước cấp đăng ký
hoạt động và công nhận pháp nhân tôn giáo.
Người dân có xu hướng tìm “giải pháp tâm
linh, tôn giáo” khi họ gặp những trở ngại trong cuộc sống. Họ chủ động
tìm đến với tôn giáo để được chia sẻ, được an ủi, được hỗ trợ về tinh
thần, để nâng cao sức khỏe, để chữa bệnh, để giải tỏa bức xúc... Người
dân sẵn sàng bỏ ra một chi phí “cố định” không hề nhỏ cho việc “tiêu
dùng và hưởng thụ” tôn giáo của mình. Đối tượng tin theo tôn giáo không
chỉ là người ít học, người yếu thế, người nghèo, người bất hạnh mà cả
người có học, doanh nhân thành đạt, đảng viên. Như vậy, tôn giáo đang có
một “điểm tựa” thế tục (chính trị, kinh tế, xã hội dân sự) có thể nói
là khá vững chãi.
Ngoài số các tôn giáo và các tổ chức tôn
giáo đã được Nhà nước thừa nhận, còn có hơn 100 hiện tượng tôn giáo mới
chưa được nhà nước cấp phép sinh hoạt tôn giáo và công nhận tổ chức
nhưng vẫn đang hoạt động. Các hiện tượng tôn giáo mới có thể phái sinh
từ các tôn giáo truyền thống hoặc sáng tạo truyền thống, giải thể truyền
thống, chống lại hoặc có ý định thay thế truyền thống như Jehovah
Witnesses (Chứng nhân Giê hô va), Falun Gong (Pháp Luân Công),
Unification Church (Giáo hội Thống nhất), I-kuan Tao (Nhất Quán đạo),
Đạo tràng Thanh Hải Vô thượng sư, Hội Thánh của Đức Chúa Trời hiệp hội
truyền giáo Tin Lành thế giới, Hội Thánh Đức chúa Trời Mẹ, Ngọc Phật Hồ
Chí Minh, Long Hoa Di Lặc, Trường Ngoại cảm Tố Dương, đạo Cung Tiên,
Canh Tân Đặc Sủng, Dương Văn Mình...
Sự xuất hiện nhiều “hiện tượng tôn giáo
mới” làm nảy sinh nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ trong công tác
tôn giáo nói chung và công tác dân vận nói riêng:
1) Về mặt văn hóa - xã hội, chúng đại diện
cho những trường phái đức tin và lối sống đạo khác lạ, nhấn mạnh vào
chủ nghĩa tự do cá nhân hoặc liên kết hội nhóm.
2) Về mặt tôn giáo, người sáng lập và dẫn
dắt thường thu hút tín đồ, giáo lý chủ yếu vay mượn từ các tôn giáo
truyền thống có sẵn, pha trộn giữa các ý tưởng và thực hành nghi lễ của
nhiều tôn giáo, thường gắn chặt với văn hóa tộc người (dân tộc ít
người), văn hóa vùng, miền. Tìm cách cạnh tranh, thay thế các tôn giáo
truyền thống, do đó dễ dẫn đến xung đột với các tôn giáo, làm suy yếu sự
hòa hợp tôn giáo vốn là truyền thống của Việt Nam. Xung đột tôn giáo có
thể xảy ra trong bối cảnh của xu hướng đa dạng đức tin và xuất hiện
nhiều hiện tượng tôn giáo mới như hiện nay là một cảnh báo đã được xác
thực và minh chứng cả về lý thuyết và thực tiễn mà công tác tôn giáo cần
lưu ý.
SỰ THAY ĐỔI VỀ BẢN CHẤT, CHỨC NĂNG XÃ HỘI CỦA TÔN GIÁO
Bản chất và chức năng của tôn giáo đã thay
đổi, tôn giáo hiện diện xã hội với mục đích, chức năng thế tục rõ ràng.
Hoạt động tôn giáo không chỉ hướng con người đến một xã hội “siêu trần
thế” mà còn hướng đích xã hội, thu hút tín đồ bằng cả vật chất, như:
tham gia vào công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, hỗ trợ việc
làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc y tế, sức khỏe cộng đồng.
Hiện tại ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo
đã bắt đầu chủ động và có lộ trình dấn thân vào các hoạt động thế tục
với phương châm “xã hội không làm hết nhiệm vụ với cộng đồng thiểu số
thì giáo hội tiếp tay và thay thế”1. Khuyến khích giáo hội
địa phương tham gia vào công tác phát triển cộng đồng, phát triển các mô
hình kinh tế tự viện thích hợp theo từng vùng. Mô hình kinh tế tự viện
không chỉ để tự cung tự cấp mà mục đích thương mại và kinh doanh rõ ràng
hơn. Xuất hiện “bản hội” trong làm ăn kinh tế, sử dụng vốn xã hội (mạng
lưới xã hội những người chung một niềm tin tôn giáo cùng nhau làm kinh
tế).
Trong hành trình thâm nhập sâu vào đời sống
xã hội, nhìn chung các tôn giáo mong muốn “khôi phục” lại vị trí “nổi
bật” trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà một thời gian
dài trong lịch sử, tôn giáo đã từng có được. Muốn “bổ sung và thay thế”
các giá trị thế tục còn khiếm khuyết. Và đích cuối cùng là muốn “có
được” số lượng giáo chúng đông đảo. Người dân theo tôn giáo không chỉ
thỏa mãn nhu cầu tâm linh, sức khỏe tinh thần mà còn thỏa mãn cả lợi ích
vật chất, kinh tế. Niềm tin tôn giáo trở nên “bền chặt” hơn, xác đáng
hơn. Tôn giáo tạo ra một lực “hấp dẫn” mới thu hút, níu giữ tín đồ.
Như vậy, giống như các thiết chế văn hóa -
xã hội khác, công tác vận động, tuyên truyền, tập hợp lực lượng của hệ
thống chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội cần đổi mới về nội dung,
cách thức, đi vào giải quyết thực chất các vấn đề liên quan đến tôn giáo
mà người dân quan tâm và bức xúc thì sẽ tạo được uy tín và sự hài lòng
từ phía người dân.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh
lưu niệm cùng các chức sắc tại Văn phòng II, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
năm 2022. (Ảnh minh họa: tapchimattran.vn)
MỐI TƯƠNG QUAN, VỊ THẾ, CHỨC NĂNG CỦA TÔN GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Từ những thay đổi nêu trên trong đời sống
tôn giáo, giới nghiên cứu tôn giáo trong nước và quốc tế phân tích sự
thay đổi về mối tương quan, vị thế, chức năng của tôn giáo trong xã hội
hiện đại. Đối với Việt Nam, hai học giả người Pháp là P.Bourdeaux và
J.P.Willaime cho rằng, đã có một sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ
tôn giáo với nhà nước xã hội chủ nghĩa. Sự đổi mới về chính sách của nhà
nước Việt Nam đối với tôn giáo thể hiện qua việc đánh giá lại vai trò
của tôn giáo trên phương diện đạo đức và xã hội2.
Có sự gia tăng tương tác hai chiều và mạnh
mẽ giữa tôn giáo và thế tục bao gồm chính trị, khoa học, kinh tế, dịch
vụ công. Trong đó, yếu tố tôn giáo và phi tôn giáo liên tục tìm cách tái
định hình lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Quá trình này đã “tiếp sức”
thêm cho sự phát triển của các tôn giáo hiện nay và cũng giúp cho chính
quyền thông qua những chương trình vận động quần chúng tín đồ đoàn kết
tôn giáo, đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy các hoạt
động tôn giáo, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Như vậy, để tập hợp được lực lượng, để đoàn
kết, đồng thuận xã hội thì công tác dân vận phải thay đổi về nội dung
và hình thức. Chính quyền và đoàn thể xã hội cần quan tâm thực sự đến
nhu cầu tôn giáo của người dân và nhu cầu phát triển của tôn giáo; xem
tôn giáo như một tổ chức xã hội như các tổ chức xã hội khác, bình đẳng
trong quyền thể nhân và quyền pháp nhân; hỗ trợ, giúp đỡ, bảo hộ, hướng
dẫn tôn giáo hoạt động tuân thủ pháp luật và hiến chương điều lệ của tổ
chức.
MỐI QUAN HỆ GIỮA TÔN GIÁO - KINH TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy sức phát
triển của tôn giáo, mặt khác, tôn giáo cũng mở rộng lĩnh vực hoạt động
kinh tế của mình thông qua việc tạo ra những “ngành nghề” mới, cung cấp
dịch vụ trực tiếp gắn với việc thực hành tâm linh, tôn giáo của quần
chúng. Yếu tố tôn giáo được xem là “tấm lá chắn” cho động cơ lợi ích
kinh tế, “không gian thiêng” của tôn giáo đang được nhìn nhận thực tế
hơn trước rất nhiều.
Trong bối cảnh đó, một mặt, một số tôn giáo
đã có khả năng kinh tế dồi dào để tự lo cho việc tạo dựng tôn giáo mình
mà không cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Mặt khác, tôn giáo cũng là
một nguồn lực, vốn xã hội (mạng lưới đông đảo người dân ở các tầng lớp
khác nhau, như: doanh nhân, trí thức, cán bộ, sinh viên, học sinh…) sẵn
sàng gia nhập vào các hoạt động xã hội thiện nguyện phục vụ cộng đồng.
Do vậy, để tập hợp lực lượng, để quy tụ sức mạnh toàn dân trong phát
triển đất nước thì hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội cần
nắm bắt lợi thế này, để tôn giáo góp phần phát triển đất nước.
Ngoài ra, khi các cấu trúc chính trị - xã
hội trở nên phức tạp hơn, người dân trở nên tự do hơn trong việc lựa
chọn tôn giáo thì vấn đề quản trị xã hội cũng sẽ trở nên phức tạp hơn,
quyền tự chủ, tự quyết của các cộng đồng gắn với tôn giáo sẽ được đặt
ra. Lúc này, công tác dân vận, tập hợp lực lượng, đoàn kết, đồng thuận
xã hội phải ở một tầm cao vĩ mô mang tính chiến lược trong chính sách
đối ngoại, đối nội tôn giáo để đảm bảo an ninh tôn giáo, an ninh chính
trị - xã hội.
Các chức sắc, chức việc tham dự Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 30/8/2022. (Ảnh minh họa: VGP)
CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO
Cộng đồng tôn giáo cũng có nhiều thay đổi.
Trước hết là cộng đồng tín đồ, trước đây, với Phật giáo, nhóm tín đồ chủ
yếu là người già, phụ nữ, giới tiểu thương, người cô đơn, bất hạnh,
người yếu thế thì ngày nay là tất cả các giai tầng, thành phần xã hội:
thanh niên, sinh viên, công nhân, trí thức, viên chức nhà nước, cán bộ
hưu trí, đảng viên, người lao động tự do, người nghèo khổ, ốm đau… (xu
hướng ngày càng trẻ hóa).
Số lượng người dân không phải là tín đồ tôn
giáo tìm đến các cơ sở thờ tự của tôn giáo cũng ngày một đông. Họ đến
để được nghe giảng giáo lý, tập luyện nâng cao sức khỏe, giao tiếp xã
hội, tìm nơi giãi bày, giải tỏa bức xúc,...
Số lượng tín đồ của các tôn giáo chủ lưu
(Phật giáo, Công giáo, Tin Lành) ở Việt Nam đều đang tăng lên. Số lượng
tín đồ Công giáo ở các vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên
đang giảm đi hoặc chững lại thì số tín đồ theo đạo Tin Lành (đặc biệt là
các hệ phái Tin Lành của Mỹ như Baptip, Ngũ Tuần3 (pentecostal), Trưởng Lão (Presbyterian), Cơ đốc phục lâm4 (The Seventh-day Adventist), Chứng nhân Giê hô va (Jehovah’s Witnesses), Môn đệ đấng Christ (Disciple of Christ), Mặc Môn5
(Mormon/ The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints), Tin Lành
Giám lý liên hiệp, Phúc âm toàn vẹn Việt Nam... đang tăng lên nhanh
chóng ở các địa bàn nêu trên.
Cùng với đó, số lượng tín đồ theo các hệ
phái Tin Lành truyền thống nhìn chung đang chững lại thì số lượng người
theo Tin Lành thuần túy Phúc âm và Tin Lành bảo thủ lại tăng lên. Các hệ
phái Tin Lành và Công giáo đang tăng cường truyền đạo vào các khu vực
vốn đậm đặc các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống (vùng dân tộc ít người
như Mông, Dao, Sán, Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Vân Kiều; vùng miền
núi, vùng sâu, xa) dẫn đến hiện tượng người dân bỏ phong tục, tín ngưỡng
truyền thống để theo các tôn giáo mới. Hình thành một cộng đồng tôn
giáo - dân tộc, vấn đề đoàn kết dân tộc - tôn giáo đang được đặt ra khá
cấp thiết hiện nay.
Hiện tại, ở Việt Nam, có trên 26 triệu
người theo 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, hơn 70 triệu dân số
còn lại đều ít nhiều tham gia vào các hành vi cúng tế, như: thờ cúng Tổ
tiên, thờ Thành hoàng làng, thờ quốc tổ Hùng Vương, thờ Tổ nghề hoặc
thực hành các hành vi cúng tế khác. Người dân có xu hướng tìm “điểm tựa
tinh thần” và “giải pháp tâm linh, tôn giáo” khi họ gặp những trở ngại
trong cuộc sống.
Bên cạnh cộng đồng tín đồ là tầng lớp tu sĩ
chuyên nghiệp với tư cách là chức sắc, chức việc cũng gia tăng đáng kể.
Hiện tại, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có khoảng
53 nghìn chức sắc, 133 nghìn chức việc các tôn giáo. Đội ngũ này, trong
chiến lược phát triển của các tổ chức tôn giáo, được chú trọng đào tạo
bài bản, hướng đến một tầng lớp tu sĩ chuyên nghiệp, có trình độ học vấn
cao, có kiến thức, hiểu biết quốc tế. Đội ngũ tu sĩ chuyên nghiệp ngày
càng trẻ hóa (độ tuổi trung bình từ 30 - 40 tuổi, so với trước kia là từ
50 - 60 tuổi). Đây có thể xem là nguồn nhân lực dồi dào, nếu công tác
tôn giáo vận tốt, có thể khai thác nguồn nhân lực này cống hiến cho xã
hội.
Trong công tác vận động, đoàn kết tôn giáo
cần luôn coi trọng việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo mọi điều kiện để chức sắc và tín đồ các tôn
giáo thực hiện tốt phương châm "Tốt đời, đẹp đạo". Phát huy điểm tương
đồng, giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo với việc giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hóa Việt Nam./.
PGS. TS. ĐỖ LAN HIỀN
Nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_____________________
(1) Đỗ Quang Hưng: Nhà nước - Tôn giáo - Luật pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2014, tr.358.
(2) P.Bourdeaux and J. P. Willaime, 2010. Introduction: Religious Reconfigurations in Vietnam, Social Compass, 57 (3), tr.307.
(3) Ở Việt Nam, phái Ngũ Tuần còn được biết tới với tên gọi là “Hội thánh tư gia”.
(4) Ở Việt
Nam, phái Cơ đốc phục lâm còn được biết tới với tên gọi là Cơ đốc phục
lâm ngày thứ bảy (Cơ đốc Phục lâm An thất nhật).
(5) Ở Việt
Nam, phái Mormon còn được biết tới với tên gọi đầy đủ là Giáo hội các
thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Kitô/ The Church of Jesus Christ of
Latter-day Saints.
(Nguồn: tapchimattran.vn)