Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Thứ Ba, 6/11/2018 12:35'(GMT+7)

Một số vấn đề về xây dựng con người Việt Nam

1. Khung cảnh thuận lợi và khó khăn

a. Thuận lợi

Một, đất nước đang tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong một xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO); được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2 năm 2008 - 2009, làm Chủ tịch 1 năm); năm 2010 Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN); gia nhập Hiệp định CPTPP. Việt Nam còn gia nhập nhiều tổ chức quốc tế khác nữa. Chắc chắn rằng, với việc tham gia ngày càng nhiều và ngày càng tích cực vào các tổ chức quốc tế, thì Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, thu hẹp dần khoảng cách tụt hậu về phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Hai, Việt Nam đang tiếp tục ổn định về nhiều mặt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, tạo ra môi trường bên trong và bên ngoài để đất nước phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn, bởi vì không ít nước trong khu vực và trên thế giới không dễ gì có được điều kiện này.

Ba, hơn bao giờ hết, con người Việt Nam đang khát khao cống hiến nhằm đưa đất nước tiến nhanh và bền vững. Việt Nam đã thấu chịu thử thách qua nỗi nhục bị nước ngoài đô hộ hàng nghìn, hàng chục năm, nay nỗi nhục nghèo nàn và lạc hậu đang chích vào tâm trí của con người Việt Nam nói chung, cứa vào lòng tự trọng của người Việt Nam. Chưa bao giờ ý chí vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển lại mạnh như bây giờ trong con người Việt Nam.

Bốn, trong tình hình quốc tế nói chung và tình hình Việt Nam nói riêng đang ở vào trạng thái vừa hợp tác vừa đấu tranh bởi xu thế ngày càng mạnh của toàn cầu hóa, bên cạnh những khó khăn, thì cũng có những thuận lợi cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; là sự phát triển nhanh hơn rất nhiều của khoa học và công nghệ so với tất cả các thời kỳ cách mạng kỹ thuật trước đây (thường được gọi là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0), mà Việt Nam là nước đi sau có thể có lợi thế rút ngắn các bước phát triển.

 b. Khó khăn

Bên cạnh những mặt thuận lợi, riêng toàn cầu hóa đặt ra cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển những thách thức và nguy cơ hết sức to lớn: vấn đề sinh thái, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, vấn đề dân số và sức khỏe cộng đồng, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế, đặc biệt nguy hiểm là tội phạm có tổ chức. Về mặt chính trị, đó là những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia. Điều này ảnh hưởng tới cả phẩm chất và năng lực của con người. Điều đó được lý giải bằng sự tác động của kinh tế đối với chính trị. Sự hội nhập về kinh tế tăng lên sẽ kéo theo sự hội nhập về chính trị. Từ đó đặt ra thách thức khắc nghiệt là hội nhập nhưng không hòa tan. Với lôgíc đó, người ta nói đến sự suy yếu của mô hình quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, người ta thường nói về sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia dân tộc hơn là đề cập đến sự độc lập hoàn toàn của các quốc gia đó. Có thể nói, không thể có một quốc gia đứng độc lập hoàn toàn tách biệt khỏi với thế giới bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vấn đề là ở chỗ, đứng như thế nào, thế đứng ra sao để hội nhập toàn cầu hóa, trong đó quốc gia-dân tộc tham gia rất tích cực, rất sâu, rất rộng nhưng “anh vẫn là anh”, đó quả thực là vấn đề của cốt cách/bản sắc văn hóa quốc gia - dân tộc.

Thế giới đang và sẽ trở nên bất an hơn bao giờ hết: thế giới tiếp tục có những sự xung đột dân tộc, khu vực, tôn giáo; ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa nhiều lúc bị mờ đi và bị chuyển cực; giữa chủ quyền và nhân quyền; giữa sự can thiệp cần thiết của các tổ chức quốc tế, kể cả tổ chức lớn nhất là Liên Hợp quốc, với việc vi phạm bốn yếu tố quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia là độc lập - chủ quyền - thống nhất - toàn vẹn lãnh thổ, trở nên mong manh khó phân biệt hơn bao giờ hết. Thế giới càng trở nên bất an hơn bởi chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ tiềm tàng vũ khí hạt nhân. Thế giới bị tàn phá bởi chính con người trong nỗ lực/lòng tham tìm mọi cách tăng trưởng kinh tế mà chưa chú ý đúng mức cũng như không giải quyết được các vấn đề khác, trong đó có vấn đề môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Tháng 1 - 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra bốn thách thức và đồng thời cũng là bốn nguy cơ lớn trong quá trình phát triển của những năm sau đó ở Việt Nam: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”(2). Việc chỉ ra bốn nguy cơ như vậy là rất chính xác. Đến các Đại hội sau đó và gần đây nhất là Đại hội XII của Đảng (2016), Đảng đều khẳng định sự nhận định đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị này. Trong giai đoạn hiện nay, nguy cơ lớn nhất, nguy cơ của mọi nguy cơ là: nguy cơ mất chế độ chính trị đang xây dựng; và như vậy, rất khó khăn cho việc xây dựng con người Việt Nam.

2. Một số yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng con người

a. Hai dự báo

Một là, thế giới tiếp tục bất an và sự cạnh tranh giữa các quốc gia-dân tộc sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Bản chất của nhân loại là cạnh tranh để sinh tồn và phát triển. Có hai biểu hiện của cạnh tranh: Một, tiêu diệt đối phương để bản thân mình tồn tại và phát triển. Hai, cạnh tranh lành mạnh hơn, hai bên hoặc nhiều bên gọi nhau bằng “đối tác”, cùng hợp tác và phát triển. Hợp tác nhưng thực ra là sự cạnh tranh để cùng tồn tại và cùng phát triển theo kiểu các bên cùng thắng. Hiện nay, thế giới đang diễn ra đồng thời cả hai kiểu; không thật rõ kiểu nào thắng thế, kiểu nào phổ biến hơn kiểu nào. Trong kiểu 1 có kiểu 2. Cho nên mới có kiểu hỗn hợp là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Dù kiểu gì đi chăng nữa thì vẫn diễn ra việc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển.

Hai là, con người nói chung đang có xu hướng trượt dài về đạo đức. Đạo đức có mặt biểu hiện rất cơ bản là thông qua sự hành xử của chính con người.  Xã hội loài người đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, khi những tiến bộ của khoa học và công nghệ đã đưa con người tiến lên một bước mới trong việc tạo ra các của cải vật chất. Thế kỷ XXI, mới chỉ chưa đầy hai thập niên, nhưng của cải vật chất do con người làm ra đã bằng hàng mấy chục năm của thế kỷ trước cộng lại. Nhưng, lẽ ra đi kèm theo sự tăng lên của của cải vật chất là sự tiến bộ của văn hóa, của đạo đức, thì chúng ta chưa thấy điều đó. Kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm đổi mới, song văn hóa-đạo đức phát triển chưa tương xứng.

Ngoài hai dự báo trên đây, có thể còn có sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Một chiếc smartphone phiên bản mới ra đời ngày hôm nay thì ngày mai đã là lạc hậu. Giao lưu trực tuyến khi có mạng toàn cầu internet đang được sử dụng phổ biến, phổ cập trên trái đất này. Trực tuyến và tức thời đối với tất cả mọi người - đó là điểm mới mà nhiều người gọi là “thế giới phẳng”. Sự phát triển của khoa học và công nghệ, tuy có nhiều hệ lụy, nhưng làm cho con người phải nhanh chóng thích ứng trong không gian cạnh tranh sinh tồn. Khái niệm thời gian - không gian trên thực tế hầu như đã bị biến đổi. Đó là những bước tiến thần kỳ buộc con người phải điều chỉnh, thay  đổi cả cách thức giao tiếp, ứng xử và chuẩn mực đánh giá đạo đức, nhân cách, lối sống và về cả năng lực làm việc.

b. Một số vấn đề đặt ra

- Con người là trung tâm. Khi hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam nằm trong dòng xoáy của toàn cầu hóa, bị chế định trong “luật chơi” quốc tế đã định sẵn mà chúng ta không có quyền sửa. Sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong môi trường quốc tế sẽ diễn ra trong hoàn cảnh cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết, nó đầy nghiệt ngã, quyết liệt gấp bội so với trước đây, rất có thể mức độ và hệ số rủi ro sẽ rất lớn và dày hơn. Để chấp nhận vượt qua thách thức, nguy cơ, đòi hỏi tất cả các thành viên hệ thống chính trị, trong đó nổi rõ con người Việt Nam có những phẩm chất và năng lực vượt trội so với thời kỳ trước.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất cho đến nay đã trải qua hơn 30 năm với 7 nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn, sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo đứng trước thời cơ, thách thức và nguy cơ lớn, nếu Đảng ta biết nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, đề phòng và khắc phục được những nguy cơ, thì đất nước ta sẽ phát triển nhanh và bền vững trên con đường CNXH. Điều này không có gì hơn là phụ thuộc vào chính yếu tố con người.

Như vậy là, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong toàn cầu hóa đã trở thành yêu cầu, dung môi buộc con người Việt Nam phải vươn lên về mọi mặt, đưa đất nước sánh vai cũng các cường quốc năm châu. Đảng và nhân dân Việt Nam đã xác định tiến bước trên con đường phát triển ấy. Do đó, hoàn cảnh này chính là cú hích tích cực, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm rằng, muốn xây dựng CNXH thì trước hết phải có con người XHCN. Học cách nói của Hồ Chí Minh trên đây, chúng ta có thể nói rằng, muốn có xã hội phát triển công nghiệp 4.0 thì phải có con người 4.0.

Muốn cạnh tranh thì phải có sức mạnh, có thế mạnh, biết nắm lấy mọi cơ hội thuận lợi của Thiên - Địa - Nhân  để có được thế chân vạc Thời - Thế - Lực.  Con người Việt Nam trong cuộc sinh tồn và phát triển phải bằng sức mạnh cạnh tranh đúc từ sức mạnh nội tại kết hợp với yếu tố bên trong và bên ngoài, biến ngoại lực thành nội lực. Để làm được những công việc vĩ đại đó thì cần những con người có đủ phẩm chất và năng lực, phải là những người bằng bàn tay khối óc của chính mình làm nên sự nghiệp lớn, đưa dân tộc tiến vào xã hội đã được xác định: xã hội xã hội cộng sản, nơi mà ở đó con người được phát triển tự do, toàn diện như C. Mác và Ph.Ăngghen đã nêu trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cách đây 170 năm (tháng 2 -1848): Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

- Chú trọng hơn về giáo dục. Giáo dục không chỉ là quốc sách mà còn là sinh mệnh chính trị của dân tộc. Xét cho đến cùng, những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của con người Việt Nam nói chung đều là do những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực này mà ra. Có một triết lý được nhiều người thừa nhận: “Muốn dự đoán tương lai đất nước, hãy nhìn vào giáo dục, muốn đánh giá nền giáo dục, hãy nhìn vào đãi ngộ đối với nhà  giáo”. Trên thế giới ngày nay, những người giàu nhất thế giới chẳng có ai không tốt nghiệp phổ thông, không ai mù chữ lại có thể trở thành chính khách. Chúng tôi đồng cảm với ý kiến của bà Olga Yurievna, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Nga khi cho rằng: “Bộ trưởng quan trọng nhất trong chính phủ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Y tế tồi cùng lắm chỉ gây khó khăn cho người dân khám chữa bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe. Bộ trưởng Bộ Kinh tế tồi cùng lắm là làm chậm sự phát triển kinh tế. Nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục tồi thì phá hoại cả tương lai của đất nước và của quốc gia”(3). Những năm 60 của thế kỷ XX, trước thành tựu khoa học và kỹ thuật vượt trội của Liên Xô, Tổng thống Mỹ John Kennedy cho rằng: “Chúng ta thua người Nga bắt đầu từ ghế nhà trường”(4).

Sự cố gắng của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện cơ bản trong Chiến lược Phát triển giáo dục, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, mà Chính phủ đã ra Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31-12-2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Song, trên thực tế, việc thực hiện các nghị quyết cũng như Chiến lược này còn rất lúng túng, trong đó có nguyên nhân từ những cán bộ chủ chốt của ngành. Hàng chục năm qua, Nhà nước đã có cố gắng thực hiện quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, do đó, mỗi năm đã chi khoảng 20% ngân sách cho giáo dục. Đó là chưa kể kinh phí xã hội chi trả cho các dịch vụ giáo dục. Đó là con số không nhỏ nếu đem so sánh với các ngành khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận về giáo dục, vẫn còn nhiều bất cập và rào cản từ cơ chế, chính sách, trong đó phải kể đến cả sự bất cập về nhân sự cán bộ chủ chốt.

 - Tập trung các nguồn lực xây dựng bộ tiêu chí con người Việt Nam. Đã có không ít đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều tác giả đã đưa ra các tiêu chí về con người Việt Nam(5). Đại hội XII của Đảng cũng đã nêu lên một số nội dung về xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Chẳng hạn:

- Xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”(6), coi đó là “một mục tiêu của chiến lược phát triển”(7).

- “Phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”(8) “mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”(9).

- Đối với đội ngũ đảng viên: “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”(10), “chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(11).

Tổng hợp lại, có hai tiếp cận về xây dựng con người Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Tiếp cận thứ nhất: Có thể khái lược những tiêu chí của con người Việt Nam giai đoạn hiện nay là: (1) Có sức khỏe tốt (hiểu sức khỏe là cả về thể xác và tinh thần, theo đúng quan niệm của Hồ Chí Minh và của UNESCO); (2) Có tinh thần yêu nước; (3) Có đạo đức tốt (bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp), trong đó bao hàm cả những nội dung mà trong văn kiện Đại hội XII đã nêu; (4) Có kỹ năng sống tốt (bao gồm cả trí lực và kỹ năng công tác); (5) Có trách nhiệm công dân; (6) Con người Việt Nam có những tố chất cơ bản của “công dân toàn cầu” trong thế giới phẳng và trong hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Sự tách biệt các tiêu chí như vậy chỉ là tương đối, vì trong tiêu chí này có một số nội dung nằm ở tiêu chí kia, và ngược lại. 6 tiêu chí trên đây cần được triển khai nghiên cứu, luận giải để xác định một cách chi tiết. Do vậy, có thể coi đây là 6 nhóm tiêu chí về con người Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Tiếp cận thứ hai: Tiếp cận theo hướng như Đại hội XII của Đảng, trên 5 mặt: 1) Đạo đức; 2) Nhân cách; 3) Lối sống; 4) Trí tuệ; 5) Năng lực làm việc. Từ tiếp cận thứ hai này, có thể gộp vào hai nhóm, mỗi nhóm tập hợp các nội dung gần nhau: Nhóm 1 - Đạo đức, nhân cách, lối sống; Nhóm 2 - Trí tuệ, năng lực làm việc, trong “năng lực làm việc” có cả yếu tố bảo đảm sức khỏe.

Trong nhóm 1, cần bảo đảm các yếu tố sau đây:

- Có lòng nhân ái (hoặc tính nhân văn), tức là thái độ và hành động yêu thương quý trọng con người, trước hết là từ những người thân thuộc, sau nữa mở rộng ra con người quốc gia, con người quốc tế và đặc biệt là con người lao động, con người dễ bị tổn thương trong xã hội. Nói chung là thái độ đối với nhân dân (hiếu với dân).

- Có lòng yêu nước (cũng có thể đây là yếu tố “trung với nước” theo quan niệm của Hồ Chí Minh). Yêu nước ở đây bắt đầu từ quê hương đến yêu những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Có ý thức và hành động cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

- Con người phát triển toàn diện về chân - thể - mỹ, có lối sống giản dị, lành mạnh, vì cộng đồng, có ý thức thượng tôn pháp luật.

Trong nhóm 2, cần bảo đảm các yếu tố sau đây:

- Xây dựng con người có đủ sức khỏe cơ bản để làm điều kiện tiên quyết có năng lực trí tuệ và nâng cao năng lực, trí tuệ (Sức khỏe được hiểu ở đây không chỉ là thể xác mà còn là sức khỏe tinh thần). Trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành y tế nước nhà mà còn của cả hệ thống chính trị, của từng gia đình và cá nhân. Ở đây đòi hỏi cả hệ thống chăm lo về dân số và phát triển, trong đó có cả những nội dung về chăm lo cải thiện chất lượng nòi giống trong thế so sánh với các nước trên thế giới.

- Con người được đào tạo một cách đầy đủ, theo bài bản tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp cận sự tiến bộ giáo dục quốc tế, đồng thời con người Việt Nam trong thời kỳ này phải tự giáo dục, tự đào tạo (tự học suốt đời). Tất cả những cái đó là vừa để có được những tri thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết, phù hợp với từng đối tượng, vừa coi trọng nền tảng cơ bản, vừa coi trọng chuyên sâu.

- Làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức. Môi trường văn hóa đạo đức hiện nay ở Việt Nam rất đáng lo ngại:

- Nạn ma túy trong xã hội. Ma túy hủy hoại sức khỏe, giống nòi, gia đình, cộng đồng, xã hội. Mức độ nạn ma túy (sử dụng, buôn bán...)  hiện nay rất cao, mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Ma túy đã len lỏi vào cả cộng đồng nông thôn, nơi xưa nay thường được coi là ít biến động và ít giao lưu nhất, nơi đang lưu giữ và vận hành nhiều truyền thống tốt đẹp. Sự lan tỏa của tệ nạn này đang gia tăng cường độ, đặc biệt nghiêm trọng là đối với những địa phương giáp ranh với nước ngoài.

- Bạo lực đang có xu hướng phát triển rất mạnh. Bạo lực diễn ra trên diện rộng, ở cả ba không gian: gia đình, học đường, xã hội; cả ba mặt đó đều nghiêm trọng như nhau. Có bạo lực ở học đường là do có bạo lực ở gia đình và xã hội, và ngược lại.

- Mức độ tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Tội phạm ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý nhất và thật sự nguy hiểm khôn lường là sự gia tăng của tội phạm có tổ chức.

- Văn hóa chính trị ở Việt Nam đang có nhiều tiêu cực. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả trong cán bộ cấp cao, diễn ra từ lâu mà Đại hội Đảng kỳ nào cũng nêu nhưng vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Trong văn hóa chính trị hiện nay, chúng tôi thấy rằng, đỉnh điểm của tiêu cực trong hệ thống chính trị là tham nhũng; là 4 biểu hiện của căn bệnh lệch lạc giữa nói và làm: (1) Nói nhiều làm ít; (2) Nói thì hay làm thì dở; (3) Nói mà không làm; (4) Nói một đằng làm một nẻo.

Những điều trên đây cần có thể chế bảo đảm như là một nội dung của môi trường văn hóa đạo đức. Có thể chế (Hiến pháp, pháp luật, những quy định dưới luật...) để chế định hành vi của con người. Đồng thời, tích cực thực hiện chúng trong cuộc sống; tạo ra tâm thế tích cực cho con người Việt Nam trong suy nghĩ và hành động, tức là đòi hỏi tính tự giác của con người mà nếu thiếu nó, mọi cố gắng xây dựng con người Việt Nam theo những điều tốt đẹp sẽ không có ý nghĩa.

Trên đây là một số vấn đề đặt ra, cần chú ý để tập trung giải quyết, nếu thực sự mong muốn xây dựng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đã đến lúc không thể hô hào chung chung mà cần bắt tay vào hành động với ý chí lớn lao, bởi đây là vấn đề rất hệ trọng, xây dựng con người và đi cùng với đó là vấn đề tổ chức, bộ máy. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy rõ vấn đề xây dựng con người quan trọng như thế nào, nó vừa là mục tiêu và vừa là động lực của sự phát triển của xã hội Việt Nam. Sự nghiệp này là vĩ đại, không thể một sớm một chiều mà xong. Đất nước đang đứng trước những thách thức lớn. Con người Việt Nam đang đứng trước sứ mạng quang vinh nhưng đầy thách thức, đó là đưa đất nước tiến nhanh và bền vững, góp phần xây dựng một thế giới văn minh mà ở đó những giá trị về con người được coi trọng, được phát triển toàn diện.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2018

(1), (6), (7), (8), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.219, 126, 126, 127, 127, 47, 47.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.25.

(3), (4) Dẫn theo https://www.planet-kob.ru

(5) Xem thêm tổng thuật Hội thảo khoa học chủ đề “Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tháng 2-2015 tại Hà Nội; các tham luận tại Hội thảo về “Giáo dục trong phát triển văn hóa và xây dựng con người trong tình hình mới” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20-3-2014 tại Hà Nội; kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đổi mới tư duy giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Nha Trang ngày 14-5-2012; các tác phẩm của các chuyên gia về văn hóa, như: Nguyễn Trần Bạt, Hồ Sĩ Quý, Phạm Minh Hạc, Phạm Duy Đức, Trần Ngọc Thêm, v.v..

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chỉ đạo tổng kết lý luận Trung ương: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Dạy nghề, Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

3. Nguyễn Duy Bắc: “Phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện theo tinh thần Đại hội XII của Đảng”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2016.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013): Báo cáo triển khai chiến lược phát triển giáo dục 2011-2010 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

5. Phạm Minh Hạc (Chủ biên): Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

 

GS, TS Mạch Quang Thắng

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất